Chiếc hộp nhựa tròn trĩnh, trong suốt. Xuyên qua lớp nhựa trong, có thể nhìn thấy những phiến màu hồng, độ dài hai ngón tay. Chung quanh chúng, lấm tấm những hạt muối trắng tinh, bé xíu.
Đậy lên chúng là tờ giấy có ghi những hàng chữ của người gởi: “Dành cho những người chưa đến Nhật Bản hoặc không có dịp đến vào mùa xuân”.
Nghĩa là dành cho tôi.
Vào cuối tháng hai mỗi năm, những làn gió ấm áp đã dịu dàng thổi đến, thay cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông trên đất Phù Tang. Những cánh hoa mơ trắng muốt đôi khi bị lầm là những bông tuyết, điểm trắng cành. Tháng ba đến, đó là lúc hoa anh đào nở.
Không có xứ sở nào nhiều anh đào như ở Nhật. Hoa anh đào nở rộ là điềm lành báo một mùa lúa tốt. Thế kỉ VIII, hoàng đế Nhật ra lệnh trồng rất nhiều anh đào. Từ thời Hei-an (Bình an) đã có phong tục này, trở nên phổ biến vào thế kỷ thứ X. Thế kỉ thứ XVIII, Taiko Hideyoshi tổ chức cuộc triển lãm hoa đặc biệt tại Yoshinoyama thu hút đông đảo người trong giới quý tộc đương thời.
Đã trở thành thông lệ, vào thời điểm ấy, ở thủ đô Tokyo, các báo, đài phát thanh truyền hình đều báo tin “Hoa anh đào nở”. Mọi người bỗng dưng háo hức hẳn lên, nhớ lại những kỷ niệm hồi mình còn bé, được bố mẹ đưa đi công viên ngắm hoa anh đào. Những người trung niên bỗng thấy bồi hồi “lòng bâng khuâng nhớ ai năm nào, hẹn hò nhau dưới hoa anh đào” như lời một bài hát. “Ô-hanami”, mọi người bảo nhau. Câu đó có nghĩa là đi ngắm hoa anh đào. Rồi khắp các công viên, cánh đồng, thung lũng, núi đồi … người ta tụ họp nhau lại để cùng vui chơi, ngắm hoa và uống rượu sake. Các thanh niên không chỉ ngắm hoa, mà còn ngắm các “bông hoa biết nói” xinh đẹp trong mùa xuân.
Quang cảnh đường phố Tokyo đã thay đổi hẳn. Hàng cây xanh rì hai bên đường khu công viên gần tòa nhà Nippon Budokan, nay đã trở thành một vòm anh đào lộng lẫy dài cả trăm mét. Hoa anh đào nở sum xuê trên nền là các tòa cao ốc, làm dịu đi nét cứng cỏi của những khối bê tông. Đứng trên mấy chiếc cầu bắc qua đường phố có thể thấy đám maay hoa anh đào bàng bạc phủ trên đường nhựa có nhiều xe qua lại. Tàu điện vốn đã đông, hôm nay còn đông hơn nữa vì nhiều người muốn đi ngắm hoa. Ở ngoài ga, các quầy hàng lưu động bán đầy cơm hộp, thức ăn để dùng cho “Hanami”.
Ở Tokyo, “Hanami” vui nhất, đẹp nhất là ở công viên Ueno. Lúc ở Nhật, tôi đã đi mua vé tàu điện 160 yen để từ nơi ở thuộc khu Ikebukoro đến ga Ueno xem viện bảo tàng Mỹ thuật phương tây Quốc gia. Ở khu này, có tới mấy viện bảo tàng lớn khá hấp dẫn và vườn bách thú Ueno, lâu đời nhất Nhật Bản với trên ba trăm loài thú khác nhau trong đó có cả loài Panda rất nổi tiếng. Còn công viên Ueno, bây giờ đã trở thành một rừng hoa anh đào rồi …
Từ xa công viên đã thấy màu trắng của hoa anh đào và tiếng người lao xao. Rất nhiều người trải những tấm ni-lông trên bãi cỏ, ngồi quây quần cùng bạn bè người thân trong gia đình. Có cả những chiếc xe đẩy đưa người tàn tật đến ngắm hoa và những chiếc xe nôi của các cháu bé. Những cây anh đào to xù, thân nâu sẫm không còn một chiếc lá, thay vào đó là rất nhiều hoa đơm trên mọi cành, phủ cả những nhánh xa nhất. Một số người chọn chỗ ngồi dưới bóng râm của hoa, những người khác lại thích ngồi thật xa để có thể nhìn toàn xảnh sự kỳ thú của đám mây hoa trước mắt mình. Lúc đó, mới có thể nhìn kỹ màu sắc của hoa anh đào. Nó có màu hồng rất nhẹ. Tuy vậy, những lộc non hay những nụ hoa nở cùng một lúc làm cho những màu trắng, xanh, hồng, nâu chen nhau hòa hợp thành những màu tuyệt đẹp.
Người Nhật thường tự hào rằng hoa anh đào là biểu tượng của nước Nhật. Đặc điểm của nó là rơi rụng khi còn đương độ tươi thắm. Đối với người Nhật, đó là biết chết một cách cao đẹp, tựa như tinh thần võ sĩ đạo. Anh đào chỉ là một loại hoa có năm cánh yếu ớt, không mùi hương. Chúng không đứng từng bông mà mọc thành chùm. Vẻ đẹp của nó là vẻ đẹp của trùng trùng điệp điệp hoa, tạo thành một áng mây dài, chập chùng, gợi cảm giác vừa choáng ngợp vừa nhẹ nhàng quyến rũ.
Một người Việt, anh V.M.C. kể lại trên báo rằng anh không thể quên bữa ăn nhẹ dưới hoa anh đào cùng với người thầy Nhật Bản. Họ ngồi dưới bãi cỏ, xơi món “Oden” tức một thứ chả cá cùng với trứng, củ cải … Anh được thầy giáo cho biết ở Nhật có nhiều thứ “mi”: Hanami (ngắm hoa), Tsukimi (ngắm trăng), Yukimi (ngắm tuyết), thứ “mi” nào cũng kèm với rượu và ăn cả. Anh được biết rằng ngày xưa người ta thường đốt những đống lửa to trong vườn, thức suốt đêm xem hoa anh đào nở. Bây giờ, thói quen ấy dường như mất hẳn. Thường bây giờ chỉ có phụ nữ, trẻ em, ông bà già và đôi lứa đi xem hoa. Riêng đối với những ông bố bận bịu thì thật khó. Đến đúng ngày nghỉ trong mùa hoa anh đào nở, họ ngán ngẩm những chuyến xe điện nghẹt người và công viên chật ních, nên đôi khi đành ở nhà.
Và người ngoại quốc nào đến Nhật trong mùa xuân cũng không bỏ lỡ cơ hội này.
Anh đào nở rồi tàn độ một tuần. Lúc nở rộ là lúc đẹp nhất rồi rơi rụng. Anh đào nở trong mùa xuân cũng là mùa của những cơn mưa. Nó rơi rụng ở độ tươi đẹp nhất. Xác hoa trắng đường, không còn căng cứng như đương trên cành nên dễ gợi sự se sắt. Nếu ai có tâm hồn nghệ sĩ, chắc chắn sẽ làm thơ.
Hoa anh đào bắt đầu nở vào tháng ba, và theo thời tiết nở dần lên phía Bắc (khoảng 40 ngày). Người Nhật nói vui: Có thể gặp quá khứ nếu đi theo vết hoa anh đào. Nếu hoa sắp tàn ở vùng của anh, anh chạy lên phía Bắc sẽ thấy hoa nở mấy ngày sau. Phải chăng vì thế người Nhật dù cả đời lo chống động đất, sóng thần, làm việc vất cả nhưng luôn yêu đời? Có lẽ vì đối với họ, có thể gặp lại những chuyện mà người ta tưởng đã mất, đã trôi qua.
Trên những tấm ảnh về nước Nhật, người ta vẫn thường nhầm hoa mơ với hoa anh đào vì màu chúng khá giống nhau (trắng phớt hồng). Hoa mơ cũng nở dần từ Nam chí Bắc nhưng sớm hơn hoa anh đào. Nghĩa là hoa mơ nở trước, anh đào nở đuổi theo sau.
Có lẽ không ít bạn đã được nghe những bài nhạc về loại hoa này ở Việt Nam. Từ xa xưa, hoa anh đào là nguồn cảm hứng của nhiều thi sĩ Nhật. Anh V.M.C. đã trích một đoạn thơ cổ về hoa anh đào rất hay:
Ôi cuộc đời
Như ba ngày bỏ lỡ\
Chẳng ngắm hoa anh đào nở
Đó là những nỗi nuối tiếc của người đã bỏ lỡ những dịp tận hưởng hương vị cuộc sống. Số phận ngắn ngủi của hoa anh đào tượng trưng cho hạnh phúc thoáng qua khó nắm bắt được.
Tôi mở chiếc hộp nhựa, nhấc hai phiến màu hồng nằm ép dẹp dưới đáy hộp bỏ vào ly nước nóng như lời chỉ dẫn. Hai phiến ấy dần dần như trỗi dậy trong nước sôi, bung tỏa ra và nở trọn vẹn. Thì ra đó là những bông hoa anh đào ướp muối để giữ tươi. Trong làn nước nóng, cánh hoa xòe mỏng, trong vắt với màu hồng rất nhẹ. Đây là “Trà Anh Đào” người Nhật thường uống trước tiệc đám cưới hay trong lễ hội. Tôi nhấp vị nước chát nhẹ, mùi hương rất thanh trong miệng. Chỉ có vậy thôi, thật nhẹ, thú vị và lạ lẫm.
Tái hiện hình ảnh hoa anh đào trong thứ trà này, phải chăng cũng là một cách tìm lại quá khứ của người Nhật?
Nhớ một đêm mùa xuân ở thành phố Hồ Chí Minh, trong buổi giao lưu văn hóa, anh bạn Nhật mặc áo Yukata, tay cầm chiếc quạt và quạt mạnh vào những vụn giấy bé li ti làm cho chúng ta bay lên như những cánh bướm. Vài mảnh rơi nhẹ xuống chân tôi … Nhặt lên nó không chỉ là vụn giấy, mà là những cánh anh đào cắt rất khéo…
Những cánh hoa ấy trang điểm trên những trang giấy viết thư của Asako gởi cho tôi, những vệt hồng rất mờ nhưng vẫn hình dung ra được. Trên vệt giấy, in cả một vệt xám gãy khúc, đó chính là ngọn núi Phú Sĩ huyền thoại.
Tôi hỏi: “Sao bạn không viết cho tôi về hoa anh đào. Làm sao tôi hiểu về nó vì tôi chỉ biết đất nước bạn qua mùa thu, khi lá anh đào đã trở nên vàng đỏ”.
Và tôi nhận được những dòng trả lời. Đúng hơn đó là lời tâm sự về loài hoa ấy.
Bây giờ đã tàn mùa xuân.
Mùa xuân là hạnh phúc của trẻ thơ. Nhưng khi ta lớn lên, có khi nó mang đến nỗi bâng khuâng vô cớ. Đó là khi ta nhìn những bông hoa đào, hoa mai rơi rụng.
Hồi mới lớn, tôi rất thuộc hai câu thơ của Mãn Giác Thiền sư:
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai…
Câu thơ mang niềm lạc quan, nhưng không phải gợi một nỗi niềm mất mát. Ai cũng mong hạnh phúc ở mãi bên mình, và điều đó thật khó.
Những bông anh đào đối với Asako, có lẽ cũng thế. Những sắc màu choáng ngợp lúc trẻ trung sẽ làm ta se sắt khi nhìn lại lúc đã qua tuổi ấu thơ. Nhưng trong tận cùng sâu thẳm của lòng, ta vẫn yêu màu hoa ấy.
Đó là sắc màu của tuổi trẻ cần phải giữ lấy, phải không cô bạn Asako của tôi? Và mong rằng có dịp, tôi sẽ kể cô nghe về những loài hoa thân thương của đất nước tôi, để thấy rằng: “Có những buổi chiều kỳ diệu mà những đóa hoa đã có một linh hồn” (Albert Samain).