Bí quyết kéo gần khoảng cách cha và con từ mẹ Nhật
Lifestyle
Bài: JINius
Ảnh: unsplash
Vì sao cha và con không thân thiết?
Hoàn cảnh xã hội chung tại Nhật Bản, phần lớn các cặp vợ chồng: người chồng người cha ra ngoài làm việc kiếm tiền và là nguồn thu nhập chính, người vợ người mẹ lui về sau trở thành người chăm sóc gia đình. Do đó những đứa trẻ sẽ có xu hướng gần gũi mẹ hơn cha. Thêm vào đó, bình thường cha có xu hướng nghiêm khắc hơn mẹ, đôi khi sự nghiêm khắc đó cộng với những yếu tố bên trên đã góp phần đẩy mối quan hệ cha - con trở nên xa cách.
Trong đó, mối quan hệ giữa người cha - người chồng đối với vợ mình cũng là một nguyên nhân tác động đến tình cảm của con cái đối với cha. Nhiều người cho rằng, một đứa trẻ nhất là bé gái, khi thấy cha không tôn trọng mẹ, hoặc là mẹ phải cung phụng quá nhiều cho cha nhưng không được đáp lại thì chúng sẽ nảy sinh sự xa cách đối với cha mình.
Hãy đối xử với người phụ nữ của mình tốt hơn!
Trên twitter bắt đầu xuất hiện những câu hỏi về “làm sao để con cái thân thiết với cha hơn?”. Trong đó, một người dùng đã chia sẻ rằng:
"Mẹ tôi luôn đối xử với cha tôi theo kiểu ông ấy là điều rất quan trọng đối với bà. Tôi nghĩ rằng việc nhìn bà đối tốt với ông khiến tôi cũng muốn làm thế. Nếu mẹ tôi đối xử với bố tôi theo kiểu đối phó lấy lệ, chắc chắn tôi cũng sẽ bị tác động theo."
Một số phụ nữ Nhật Bản cho rằng, các người cha thay vì tiếp tục thắc mắc vì sao con cái không thân thiết với mình thì hãy đối xử với người phụ nữ của mình tốt hơn một chút.
Theo như một vài người dùng chia sẻ, 3 điều sau đây có thể khiến cách nhìn về cha trong mắt con trẻ sẽ thay đổi:
- Cha tôi luôn nói cảm ơn và xin lỗi mẹ tôi.
- Mẹ tôi luôn ủng hộ cha tôi khi ông cần.
- Cha tôi đối xử tốt với tôi.
Thật ra, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái phụ thuộc khá nhiều vào việc người làm cha mẹ có tôn trọng nhau không. Nếu trong gia đình chỉ có người vợ - người mẹ là người cố gắng trong việc duy trì các mối quan hệ, người chồng - người cha thì không, điều này sẽ khiến đứa trẻ nhận thức cha không coi trọng mẹ, không coi trọng gia đình và nó sẽ ngày càng tránh xa cha. Sự hòa hợp trong gia đình, dù là cha - con hay vợ - chồng đều xuất phát từ sự quan tâm, tôn trọng nhau giữa các thành viên trong nhà.
Ví dụ như trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, con trẻ được nghe mẹ kể những điều tích cực về cha mình hoặc nghe cha nói “Nhờ có mẹ con cả đấy!” sẽ hình thành trong tâm lý đứa con rằng bản thân chúng cũng sẽ tôn trọng cha mẹ mình như cách cha mẹ tôn trọng nhau.
Dù những điều này không thể xem là chân lý cho mọi tình huống trong việc kéo gần mối quan hệ giữa cha và con cái, tuy nhiên phần lớn những người có kinh nghiệm đều cho rằng bằng việc thay đổi từ những điều nhỏ này sẽ tác động tương đối đến tình cảm, thái độ và mối quan hệ giữa cha và con. Trẻ em luôn có xu hướng dành sự tôn trọng cao nhất dành cho cha mẹ mình, dĩ nhiên, chúng sẽ cảm thấy bị tổn thương hoặc cảm giác bị phản bội nếu như thấy người này đối xử tệ với người kia.
kilala.vn