Cái chết đột ngột của nữ đô vật 22 tuổi người Nhật vì “miệng đời” trên mạng càng dấy lên một hồi chuông cảnh báo về tình trạng bạo lực qua mạng hiện nay. Internet phát triển mạnh mẽ, tình trạng bạo lực mạng cũng theo đó mà trầm trọng hơn.
Ước tính có đến 90% thanh thiếu niên thuộc thế hệ Z sử dụng internet trong cuộc sống mỗi ngày. Sự phát triển của internet kéo theo sự ra đời và phát triển của những nền tảng kỹ thuật số, các trang mạng xã hội. Cũng từ đây, nội dung đóng góp, truyền thông tin và các cuộc tranh luận “trên mạng” dần hình thành. Và khi mọi thứ dần phát triển quá nhanh và khó kiểm soát sẽ có những vấn đề phát sinh, điển hình là bạo lực mạng.
Bạo lực mạng là gì?
Bạo lực mạng/bắt nạt mạng (cyber bullying) hay quấy rối mạng (cyber harassment) là một hình thức bắt nạt, quấy rối thông qua phương tiện điện tử. Khi lĩnh vực kỹ thuật số ngày càng phát triển, tình trạng bạo lực mạng xảy ra ở đối tượng thanh thiếu niên ngày càng tăng. Hành vi bắt nạt này bao gồm đăng tin đồn, đe dọa công kích cá nhân, quấy rối, tung thông tin cá nhân và cả dùng từ ngữ thù ghét dán nhãn cho đối tượng. Những hành vi bắt nạt này được lặp đi lặp lại, gây tổn hại trực tiếp đến sức khỏe tinh thần của nạn nhân, khiến nạn nhân gia tăng cảm xúc tiêu cực, lo lắng bất an và có thể dẫn đến trầm cảm, thậm chí tự tử.
Thực trạng bạo lực mạng ở giới trẻ Nhật Bản
Trong những năm gần đây, tình trạng học sinh các cấp ở Nhật rơi vào trầm cảm do bạo lực mạng không ngừng tăng lên. Thanh thiếu niên là nhóm đối tượng sử dụng mạng nhiều nhất nên họ rất dễ bị vướng vào các trường hợp bạo lực mạng. Những hành vi bạo lực này có thể đến từ con đường blog, phòng chat, mạng xã hội hay thậm chí là email cá nhân. Theo một khảo sát thực hiện trên 899 học sinh trung học phổ thông Nhật Bản (2015), có 22% học sinh là nạn nhân, 7,8% học sinh thừa nhận các em đã tham gia bạo lực mạng. Một nghiên cứu thực hiện trên 2.599 học sinh tiểu học ở Kyoto cho kết quả rằng, có 12,5% học sinh chịu bắt nạt và có 10,6% học sinh thừa nhận có hành vi bắt nạt bạn bè.
Có một sự khác biệt về giới tính trong việc bắt nạt mạng. Cụ thể, theo một cuộc khảo sát thực hiện trên 9 trường THCS ở phường Terado, Tominaga (Kyoto) và phường Nagaura (tỉnh Kanagawa) vào năm 2010, có 8,7% trong số 5.357 học sinh tham gia vào việc bạo lực mạng người khác. Thú vị hơn là tỷ lệ nữ sinh tham gia bạo lực mạng nhiều hơn nam sinh khoảng 10,9%.
Nguyên nhân đằng sau bạo lực mạng
Không có chuyện gì xảy ra mà không có tiền căn hậu quả. Bạo lực mạng xảy ra cũng có những nguyên nhân nằm sau đó. Có thể dễ dàng thấy được, các trường hợp bạo lực mạng xảy ra càng nhiều bởi người bạo lực không lo sợ danh tính của bản thân bị bại lộ, công kích người khác sau màn hình, qua bàn phím khiến họ cảm thấy an toàn hơn. Tuy nhiên, không phải tự nhiên lại đi công kích người khác, đúng không? Theo trang Very well family, nguyên nhân sâu xa có thể bao gồm một số điều sau:
+ Hình thức "trả đòn" gián tiếp: Một số người khi bị cuộc sống dồn ép, mỗi ngày đều chật vật, vất vả để sống hoặc bản thân từng trải qua sự bắt nạt để lại ám ảnh tâm lý, họ có xu hướng trút sự giận dữ của bản thân lên người khác, bao gồm những đối tượng đã gián tiếp làm tổn thương họ. Bởi vì cuộc sống của họ đã quá khổ sở, họ chọn biện pháp tiêu cực, muốn người khác cũng phải chịu khổ giống mình.
+ Khao khát "quyền lực": Đối tượng này luôn có suy nghĩ bản thân luôn đúng, họ tự cho mình cái quyền chỉ trích người khác, quyền phán xét đúng sai hoặc đôi khi họ cho rằng những nạn nhân đáng phải chịu đựng những điều đó. Bên cạnh đó, một số người bạo lực mạng mang theo tâm lý "Ai cũng vậy. Mình không làm người khác cũng làm" và ngang nhiên thực hiện hành vi đó.
+ Trò tiêu khiển mạng: Có một số người lại không ý thức được việc công kích người khác qua mạng sẽ gây tổn thương tinh thần một người nhiều đến thế nào. Ở phương diện là người công kích, cũng như những kẻ bắt nạt khác, họ cho rằng việc này là một trò tiêu khiển, tạo drama và tìm kiếm sự chú ý. Có thể do trong cuộc sống những người này quá mờ nhạt, không được quan tâm để ý nên việc "chửi bới" một ai đó và được để ý khiến họ có cảm giác thành công.
Tác động của bạo lực mạng với sức khỏe tinh thần
Một nghiên cứu Sức khỏe trẻ em (Kidshealth) thực hiện năm 2012 cho thấy tác động tiêu cực của bạo lực mạng lên sức khỏe tinh thần của những người trẻ, kể cả trẻ em, là không hề nhỏ. Nạn nhân phải hứng chịu sự phủ nhận của một nhóm người trong thời gian dài, kéo theo đó là cảm giác cô độc, tách biệt xã hội, tự tôn sụt giảm và trầm cảm. Những hệ quả của bạo lực mạng gồm có:
+ Rối loạn liên quan căng thẳng: Những người là nạn nhân của bạo lực mạng dễ cảm thấy bất an, suy sụp hơn. Những đối tượng này dễ lạc lõng và phiền muộn vì họ cảm thấy cuộc sống xung quanh như sụp đổ. Nạn nhân của những trò bắt nạt này có nguy cơ cao sẽ mắc chứng trầm cảm hay các triệu chứng căng thẳng thần kinh khác như đau đầu, đau bụng, mất ngủ...
+ Vấn đề cảm xúc: Một trong những điều mà người bị bạo lực mạng chịu đựng chính là khuyết thiếu cảm giác an toàn và họ gần như luôn trong tình trạng sợ hãi. Máy tính, điện thoại hay một thư mới trong hộp thư cũng sẽ khiến nạn nhân nảy sinh sợ hãi.
+ Tự tử: Sau vô vàn chịu đựng đè nén, hệ quả cuối cùng và cũng nghiêm trọng nhất của bạo lực mạng chính là những cái chết trẻ. Những nạn nhân của sự bắt nạt này thường nghĩ đến cái chết từ 2 - 9 lần so với người khác.
Liệu có thể xoa dịu bạo lực mạng?
Thật ra cho đến bây giờ vẫn chưa có biện pháp cụ thể hay rõ ràng nào. Đa số lời khuyên cho rằng, với đối tượng trẻ vị thành niên thì sự quan tâm, kiểm soát của phụ huynh vô cùng quan trọng trong việc giúp con cái tránh khỏi bạo lực mạng. Phụ huynh cần quan tâm con cái nhiều hơn, hướng dẫn con trẻ sử dụng mạng đúng cách hoặc có thể áp dụng các biện pháp nhưng ngăn chặn một số trang web, diễn đàn không lành mạnh. Mặt khác, dành thời gian quan tâm và chia sẻ cùng con là cách để các phụ huynh nhanh chóng phát hiện ra vấn đề và kịp thời giải quyết.
Tuy nhiên, đối với các nạn nhân ở độ tuổi nổi loạn hoặc lớn hơn, họ có xu hướng không chia sẻ với phụ huynh mà học cách tự giải quyết hay chịu đựng một mình, chủ yếu vì hai nguyên nhân chính: 1 là sợ cha mẹ sẽ can thiệp vào quyền lợi của họ (tịch thu điện thoại, không cho truy cập mạng…), 2 là sợ cha mẹ chỉ đơn giản nói với họ: “kệ đi”.
Tính đến nay, những trường hợp đau lòng xảy đến do bạo lực mạng vẫn chưa ngừng tăng lên, không chỉ tại Nhật Bản. Chấm dứt tình trạng này hoàn toàn gần như là điều không thể xảy ra bởi nó phụ thuộc vào văn hóa hành xử, cách suy nghĩ và ý thức của từng người. Và hy vọng đến một ngày nào đó, những “người hùng” cậy mình nấp sau bàn phím để công kích người khác có thể bị lôi ra ánh sáng và nhận những hình phạt thích đáng theo quy định của pháp luật.
Xem thêm: Ngôi sao Netflix xuất hiện trong show "Terrace House" tự tử bằng khí độc
kilala.vn