Bạn sẽ gặp những người mà bình thường rất cộc cằn, nóng nảy nhưng đôi lúc lại đáng yêu, dịu dàng như con mèo nhỏ, nhất là khi đối với một ai đó “đặc biệt”. Hoặc nếu chính bản thân bạn cũng như vậy thì bạn chính là một Tsundere chính hiệu!
Tsundere là gì?
Tsundere là từ kết hợp của hai từ tượng thanh là Tsun tsun (ツンツン) và Dere dere (デレデレ), đều dùng để miêu tả tính cách của con người. Trong đó:+ Tsun tsun chỉ người có tính cộc cằn, hung dữ, nóng nảy hoặc tỏ ra lạnh lùng khi giao tiếp với người khác.
+ Dere dere ngược lại chỉ người luôn dịu dàng, e thẹn, mềm mỏng trước người khác, đặc biệt với người yêu.
Như vậy, một người mang trong mình hai tính cách trên được gọi là Tsundere.
Tsudenre thường được chia làm 4 loại như sau:
1. Họ thật sự thích người đó, muốn tỏ ra đáng yêu nhưng chẳng hiểu sao cứ gặp người ta là trở nên đanh đá, gắt gỏng.
2. Họ cộc cằn hoặc lạnh lùng với người xung quanh nhưng lại “dere dere” chỉ với một người đặc biệt.
3. Lúc mới gặp thì nóng nảy, hung dữ nhưng khi quen nhau lâu, tiếp xúc đủ nhiều thì dần trở nên dịu dàng.
4. Tính cách ngày thường của họ khá dữ dằn, cộc cằn nhưng đôi khi lại rất hiền lành, thân thiện.
Tsundere có phải là đa nhân cách?
Vừa dữ dằn lại vừa dịu dàng thì liệu Tsundere có phải là hội chứng đa nhân cách hay rối loạn nhân cách không?
Câu trả lời là không. Thực chất họ thường là con một hoặc luôn được bố mẹ chiều chuộng và có tính cách nhút nhát, dễ xấu hổ. Họ không muốn bị người khác nghĩ là chuyện gì cũng sẽ làm nũng, nhõng nhẽo nên thường ngày, họ dùng tính cách “Tsun tsun” để ứng xử.
Cho dù họ có gặp người mình thích thì trước mặt người khác, họ cũng dễ xấu hổ và đối xử với người mình thích một cách đanh đá, gắt gỏng như với mọi người. Họ chưa biết cách thể hiện cảm xúc với người đó. Dù bị tác động mạnh bởi một người đặc biệt nhưng sự chuyển biến cảm xúc bên trong họ rất chậm, phải mất một thời gian dài, họ mới bật “mode” đáng yêu, dịu dàng, thích được chiều chuộng.
Tất cả những cảm xúc mâu thuẫn trên đều xuất phát từ bản chất, hoàn toàn diễn ra tự nhiên mà không phải có tính toán. Nếu cố tình thì người đó không được xem là Tsundere mà chỉ đang diễn kịch.
Tsundere thường rất đào hoa
Với tính cách “ngoài lạnh trong nóng” như vậy thì Tsundere dễ được người khác giới yêu thích. Có 3 lý do giải thích điều này.Lý do 1: Tsundere khi bật mode "dere" sẽ khiến người ta rung động
Lý do đầu tiên khiến cho Tsundere đào hoa là ở khoảng cách. Khá nhiều Tsundere là người nhút nhát, e thẹn nên để họ mở lòng, bạn cần mất một khoảng thời gian. Nhưng chính vì mất nhiều thời gian nên khi họ trở nên gần gũi, dịu dàng với bạn thì sẽ dễ khiến bạn cảm thấy rung động
Và sẽ càng lý tưởng hơn nếu Tsundere bắt đầu bật mode “dere” vào đúng thời điểm – là khi khoảng cách giữa Tsundere và người ấy đang rút ngắn lại.
Lý do 2: Đối phương thấy Tsundere chỉ mở lòng với mình thì sẽ có cảm giác được ưu ái
Tsundere khi trở nên ngoan ngoãn, dịu dàng thì nghĩa là họ đã chấp nhận mở lòng với đối phương. Vì vậy, người đã quen với sự lạnh lùng, cộc cằn của Tsundere, bỗng một ngày thấy khuôn mặt cười dịu dàng của Tsundere thì chắc chắn sẽ cảm thấy có cảm tình.Hơn nữa, khi đối phương nhận thấy sự thay đổi dịu dàng của Tsundere chỉ dành cho mình, còn với người xung quanh vẫn giữ thái độ như cũ thì chắc hẳn người đó sẽ có cảm giác mình được đối xử đặc biệt hơn, ưu ái hơn. Đây chính là “mị lực” của Tsundere.
Lý do 3: Đối phương sẽ không thấy chán nếu ở cạnh người lúc thì dữ dội, lúc thì dịu êm
Dù Tsundere có bắt đầu thể hiện khía cạnh “dere” của mình thì điều đó không có nghĩa là họ sẽ không còn “tsun tsun” nữa. Họ vẫn có lúc trở nên lạnh lùng hay cộc cằn hung dữ. Kể cả khi trở thành người yêu, vợ chồng, họ luôn giữ tính cách của một Tsundere. Nếu ở bên những người có tính cách như thế thì về lâu về dài, đối phương sẽ không cảm thấy nhàm chán mà luôn thích thú theo dõi sự “dữ dội và dịu êm”, “ồn ào và lặng lẽ” của “con sóng” mang tên Tsundere.
Phần tiếp theo, Kilala sẽ nói về các đặc điểm nhận dạng của một Tsundere ở nam và nữ. Các bạn nhớ theo dõi nhé!
kilala.vn