Thú vui sưu tầm con dấu tàu điện của người Nhật
Khám phá Nhật Bản
Bài: Đỗ Nguyên/ Ảnh: rin.teii
Có thể nói Nhật là một đất nước... cuồng con dấu. Mỗi một người Nhật đều sở hữu một con dấu riêng thay cho chữ ký cá nhân, các công ty, bưu điện và mọi loại giao dịch từ lớn tới nhỏ đều thông qua con dấu.
Con dấu không chỉ là một dấu ấn trên những giấy tờ hợp pháp, người Nhật đã đưa chúng vào cả trong đời sống văn hóa của riêng họ. Giáo viên dùng những con dấu dễ thương để khen ngợi bài làm của học sinh, nhân viên văn phòng dùng con dấu màu để đánh dấu trong lịch trình cá nhân, các quán cà phê với những con dấu ngộ nghĩnh đánh dấu thẻ tích điểm của khách, hay trò chơi khắc thủ công các hình họa tiết, thậm chí cả nhân vật hoạt hình lên tẩy, dùng trang trí túi sách và những vật dụng cá nhân.
Đặc sắc hơn nữa, ngay cả những ga tàu điện của Nhật cũng có hệ thống tem dấu mộc của từng ga. Từng con tem nhỏ bé lại là hình ảnh đại diện, đủ để kể lại một câu truyện nho nhỏ về những điểm đặc trưng của từng địa danh một.
Hình ảnh cảng Yokohama và cây cầu không thể lẫn đi đâu được trên tem ga Yokohama (Ảnh: rin.teii)
Chỉ cần dựa theo con tem, ta biết được ba địa danh đáng ghé thăm nhất quanh ga Yotsuya, Tokyo là cung điện Akasaka, nhà thờ công giáo Thánh Ignatius và cây cầu Yotsuyamitsuke. Chưa kể, cái tem còn khoe khéo Yotsuya là một nhà ga vận hành thân thiện với môi trường (Ảnh: rin.teii)
Còn khu vực ga Ryogoku, Tokyo thì có sàn đấu Sumo, lễ hội bắn pháo hoa và di tích tư gia Yoshinori (Ảnh: rin.teii)
Khu vực ga Takadanobaba vốn là trường đua ngựa (Ảnh: rin.teii)
Bên cạnh đó, một ga có thể có vài loại tem khác nhau để giới thiệu về những điểm khác nhau về văn hóa hay du lịch. Ví dụ dưới đây là 2 loại tem ở ga Ushiku.
Ảnh trong hình là tượng Phật ở Ushiku, tỉnh Ibaraki – mệnh danh là tượng Phật bằng đồng lớn nhất thế giới và cũng là tượng Phật có chiều cao đứng thứ ba thế giới (Ảnh: rin.teii)
Tương truyền loài thủy quái Kappa đã xuất hiện ở khu vực sông nước quanh trấn Ushiku và hiện nay hàng năm người dân nơi đây vẫn tổ chức lễ hội Kappa (Ảnh: rin.teii)
Còn đây là những con tem giới thiệu về linh vật biểu tượng của các ga:
Nyappori, linh thú của ga Nippori, Tokyo (Ảnh: rin.teii)
Ga Kameido. Chữ Kame có nghĩa là rùa, ngoài cửa Bắc ga này có tượng ba thế hệ rùa y hệt. Nghe nói quận Koto, Tokyo (ga Kameido thuộc nơi này) có 4 tượng trấn 4 hướng là Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước và Huyền Vũ. Vậy đây hẳn là một trong tứ linh trấn thạch (Ảnh: rin.teii)
Sê-ri tem kỷ niệm 10 năm sân bay Chuubu được đưa vào hoạt động (theo trang nonban.travel.coocan.jp)
Những cuốn sổ tem được thiết kế sẵn và bày bán ra ngoài thị trường để phục vụ cho nhu cầu của người sưu tầm.(Ảnh: rin.teii)
Để đảm bảo du khách có thể tận hưởng thú sưu tầm tem, nơi đóng tem mộc cũng sẽ khác nhau tùy theo sắp đặt của từng ga, bạn có thể tìm thấy chúng xuất hiện ngay tầm mắt, cạnh lối ra vào hay phải lòng vòng hỏi han để tìm thấy chúng được giấu kín trong một “hốc bí mật” hay một “tổ chim” nào đó.
Thậm chí, người Nhật còn có cả một website riêng cập nhật thông tin về từng cung đường sắt và con tem đại diện của từng ga tàu trên hệ thống.
(Theo trang net.jmc.or.jp/digital_data_statistics_eki.html)
(Theo trang nonban.travel.coocan.jp/stamp)
Được biết, để khuyến khích người dân đi du lịch bằng tàu điện, nhiều công ty hay tuyến đường sắt còn tổ chức sưu tầm tem mộc của những nhà ga trên toàn bộ cung đường của họ. Thậm chí có cuộc thi yêu cầu sưu tầm số tem của hơn một trăm ga tàu với sự tham gia của hàng nghìn người chơi.
Đỗ Nguyên/ kilala.vn