“Các địa điểm linh thiêng và các tuyến đường hành hương trên núi Kii” là quần thể kiến trúc chùa chiền, đền thờ và đường hành hương ở vùng núi Kii nằm tại các tỉnh Mie, Nara, và Wakayama, vùng Kansai, Nhật Bản. Ngày 07/07/2004, quần thể này đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế Giới.
Hằng năm, có hàng ngàn người đến vùng núi Kii để bày tỏ lòng thành kính đối với thần linh và Đức Phật. Họ vượt qua những con đường hành hương đầy sỏi đá để tìm đến những ngôi đền, chùa chiền nằm ẩn sâu trong những cánh rừng bất tận. Khi đến nơi đây, bạn sẽ cảm nhận được bầu không khí tôn nghiêm và sự linh thiêng của vùng núi này.
Đây là Di sản Thế giới thứ 12 được đăng ký ở Nhật Bản, đồng thời cũng là Di sản thứ 5 ở khu vực Kinki. Quần thể kiến trúc “Các địa điểm linh thiêng và các tuyến đường hành hương trên núi Kii” bao gồm 41 hạng mục, trong đó có 4 bảo vật quốc gia; 23 tài sản văn hóa quan trọng; 7 di tích lịch sử; 4 di tích tự nhiên; 1 danh lam thắng cảnh; 1 di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh và 1 di tích tự nhiên - danh lam thắng cảnh. Quy mô khu vực tại thời điểm đăng ký là 11.185,3ha bao gồm cả vùng lõi và vùng phụ cận bao quanh. Có những tuyến dường hành hương như Kumano Kodo, Takano và Oomine Okudo... Tổng chiều dài của các tuyến đường này bao gồm cả đường sông (sông Kumano) và đường bờ biển (Shichiri Mihama) lên tới 307,6km.
Dãy núi Kii cao hơn 1.000m so với mực nước biển được xem là vùng đất tín ngưỡng của người dân Nhật Bản. Sau khi Phật giáo du nhập vào Nhật Bản từ thế kỉ thứ 6, vùng đất này dần phát triển mạnh mẽ và được nhiều phật tử tìm về. Tại đây, những địa điểm linh thiêng bậc nhất và đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển tôn giáo ở Nhật Bản chính là khu vực Yoshino, Omine, núi Koya và 3 ngôi đền Thần đạo lớn được mệnh danh là “Kumano Sanzan – 熊野三山”, tức “3 ngọn núi của vùng Kumano”. Những địa điểm này được kết nối với nhau bởi những con đường hành hương gọi là “Kumano Kodo – 熊野古道” và trở thành một quần thể kiến trúc tượng trưng cho văn hóa tín ngưỡng ở Nhật.
Các di tích và tàn tích hình thành nên cảnh quan văn hóa của dãy núi Kii là sự kết hợp hiếm có giữa Thần đạo và Phật giáo, đó chính là minh chứng cho sự giao lưu và phát triển văn hóa, tôn giáo ở Đông Á lúc bấy giờ. Những đền thờ trên vùng núi Kii và các nghi lễ tôn giáo liên quan đến chúng là những bằng chứng đặc biệt cho thấy sự phát triển của văn hóa tôn giáo Nhật Bản trong hơn 1.000 năm qua. Đồng thời, những tàn tích và cảnh quan rừng của dãy núi Kii cũng phản ánh truyền thống bền bỉ và phi thường của Núi Thánh trong suốt quá trình 1.200 năm lịch sử.
Trong những năm gần đây, “cảnh quan văn hóa” là một trong những lĩnh vực đang được Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO ngày càng quan tâm. "Các địa điểm linh thiêng và các tuyến đường hành hương trên núi Kii" được xem như là một ví dụ tiêu biểu cho "cảnh quan được hình thành bởi đức tin và núi rừng chính là quê hương của Đức Phật". Di sản này được bao trùm bởi sự tôn nghiêm và thể hiện tấm lòng thành kính đối với Đức Phật cũng như vị thần thiên nhiên cổ xưa. Đây chính là điểm đặc biệt không thể thấy ở các Di sản Thế giới khác.
kilala.vn