Khám phá “một Nhật Bản rất khác” qua ảnh của Daisuke Saito
Khám phá Nhật Bản
Bài: Ngọc Oanh
Ảnh: NVCC
Sở hữu tài khoản Instagram với lượng follower lên đến 251 ngàn người, nhiếp ảnh gia người Nhật Daisuke Saito mang đến cho người xem những bức ảnh về một Nhật Bản rất thơ mà bạn sẽ khó có thể tìm thấy ở bất cứ trang web du lịch nào.
Nhiếp ảnh gia Daisuke Saito – chủ nhân của kênh Instagram Toratabix sở hữu 251K followers sinh ra và lớn lên tại Tokyo. Hiện tại, anh đang hoạt động tự do với vai trò quản trị Website và chụp ảnh. Ngoài nhiếp ảnh, anh còn rất yêu âm nhạc với khả năng biểu diễn nhiều loại nhạc cụ và từng tham gia một ban nhạc với vai trò ca sĩ. Anh bắt đầu chụp ảnh bằng máy chụp hình đơn giản khi học tiểu học và bắt đầu chụp ảnh chuyên nghiệp từ 10 năm trước. Lấy chủ đề chụp ảnh chính là nông thôn Nhật Bản, những ngôi chùa, tượng Phật,... anh mang đến một Nhật Bản rất khác cho người xem. Cùng Kilala tìm hiểu qua cuộc phỏng vấn với nhiếp ảnh gia Daisuke Saito!
Q: Kênh Instagram Toratabix của anh Daisuke Saito có phần mô tả rất ấn tượng: “Japanese province local life that u can’t find online.”, tạm dịch: “Cuộc sống vùng nông thôn Nhật Bản mà bạn không thể tìm thấy trên mạng”. Anh có thể giải thích thêm về điều này?
A: Tôi rất yêu quê hương Nhật Bản của mình và mong muốn ngày càng có nhiều người biết đến những điều tốt đẹp của Nhật. Người nước ngoài hầu như chỉ biết đến Nhật Bản qua các bức ảnh chụp các bạn cosplayer hay khung cảnh về đêm của Tokyo, và tôi nghĩ rằng, điều này có thể vô tình khiến hình ảnh nước Nhật trở nên chưa trọn vẹn trong mắt bạn bè quốc tế. Vì vậy, tôi đã chọn hướng đi khác, đó là ghi lại những hình ảnh mộc mạc và bình dị của vùng nông thôn, vùng ven, hay làng chài để người nước ngoài có thể cảm nhận nước Nhật ở một góc nhìn khác. Và tôi cũng hy vọng rằng, các bức ảnh tôi chụp cũng sẽ mang đến trải nghiệm du lịch sống động nhất dành cho người xem.
Q: Bên cạnh các bức ảnh về nông thôn, tôi nhận thấy anh Daisuke Saito còn hay chụp các em mèo nữa. Ngoài hai chủ đề này, anh còn chụp các chủ đề nào khác không?
A: Thật ra, mèo không phải là chủ đề chụp ảnh chính của tôi. Trong lúc chúng đang đi bộ thì vô tình bị "lọt vào” khung hình. Tại Nhật Bản, mèo đi bộ trong các thành phố rất nhiều, còn các chú cún thì hầu như không thấy.
Quay lại nguyên do tôi bắt đầu chụp ảnh, quay phim về nông thôn Nhật Bản, tôi có 2 điều muốn chia sẻ. Đầu tiên, phải kế đến cuộc “hội ngộ” với tỉnh Tottori. Đây là tỉnh có dân số ít nhất ở Nhật Bản và cuộc sống tại đây hoàn toàn khác với khu vực thành thị. Nhịp sống ở đây rất chậm rãi với những ngôi làng nằm cạnh nhau và mọi người sống chan hòa với thiên nhiên. Vì muốn truyền tải điều này với mọi người, tôi đã bắt đầu trang Facebook tên “Toratabix” và thu hút được khoảng gần 10.000 người theo dõi. Kể từ đây, tôi bắt đầu say mê khung cảnh nông thôn Nhật Bản. Lý do tiếp theo khiến tôi tiếp tục theo đuổi phong cách chụp ảnh này, đó là sau khi tôi có dịp tham quan phim trường của bộ phim tôi cực kỳ yêu thích: “男はつらいよ – Đàn ông khổ lắm”. 50 năm trước, bộ phim này là tượng đài điện ảnh mà bất kỳ ai cũng biết đến với 50 tập phim – một con số không nhỏ đối với một bộ phim truyền hình. Tôi nảy ra ý định muốn tự mình ngắm nhìn những phong cảnh làng quê trong phim này hiện đã ra sao nên quyết định xách ba lô lên và chu du khắp các vùng nông thông Nhật Bản. Tôi cũng có chụp một số ảnh về món ăn trong các dự án công việc mình từng làm, nhưng đến nay vẫn chưa đăng lên mạng xã hội.
Q: Anh có thể chia sẻ thêm về những kỷ niệm khó quên trong quá trình rong ruổi khắp Nhật Bản để “săn ảnh” được không?
A: Kể từ khi lập kênh Instagram Toratabix, có 2 kỷ niệm khá sâu sắc với tôi.
Kỷ niệm đầu tiên là liên quan đến một món quà đến từ Trung Quốc. Vào tháng 4 năm ngoái, trong khoảng thời gian cách ly bởi dịch COVID-19, tôi đã tạo ra phong trào #DrawAtHome trên Instagram để mọi người cùng tham gia vẽ lại những bức ảnh tôi đã chụp. Hoạt động này thu hút một lượng lớn follower khắp thế giới tham gia. Tôi cực kỳ ngạc nhiên khi có một họa sĩ người Ukraine sống tại Thượng Hải đã gửi lại bức tranh vẽ ảnh tôi chụp bằng đường bưu điện quốc tế. Nhưng thời điểm đó, đường biên giới quốc gia bị đóng nên không thể gửi qua đường bưu điện. Vì vậy, đến tận cuối năm 2020, bưu phẩm này mới đến được nhà tôi.
Kỷ niệm thứ hai là một ngày nọ, tôi nhận được tin nhắn bất ngờ trên Instagram từ một cô gái trẻ người Nhật. Cô đang trở về quê nhà vì đám tang của người ông. Sau khi tìm kiếm hình ảnh về quê hương trên Instagram, cô vô tình phát hiện hình dáng người ông khỏe mạnh đang trò chuyện với người thân trong các bức ảnh tôi chụp. Cô muốn in bức ảnh này ra để đưa cho người bà xem. Khoảnh khắc trên là lần cuối cùng ông khỏe mạnh, có thể đứng vững trên đôi chân. Vì sau đó, chân của người ông đã yếu, chẳng thể đi bộ được cũng chẳng thể trò chuyện được. Ngay sau khi tôi gửi bức ảnh, cô ấy cùng những người thân đã ngồi lại với nhau và hồi tưởng về người ông đã mất với lòng biết ơn sâu sắc.
Ngoài ra, tôi cũng nhận được nhiều lời cảm ơn từ các bạn follower vì họ có thể một lần nữa gắm nhìn quê hương khi họ đang ở xa nhà, hay có thể gặp lại người thân của mình trong các ảnh chụp của tôi.
Q: Những bức ảnh mèo anh chụp cực kỳ cuốn hút vì ghi lại những khoảnh khắc siêu ngầu của chúng. Anh có kỷ niệm “đáng yêu” nào trong việc chụp ảnh mèo không?
A: Kỷ niệm sâu sắc nhất về mèo là bé mèo tên Eki-chan tại Bảo tàng Kawai Kanjiro, Kyoto. Bé mèo Eki-chan thì lúc nào cũng nào cũng nằm ngủ trưa tại những nơi có nhiều ánh nắng như bàn làm việc hoặc chiếu Tatami. Bé rất thân thiện nên không “xù lông” lên dù bạn vuốt ve bé.
Tôi đã nghĩ rằng bé mèo được nuôi tại Bảo tàng, nhưng sự thật là sáng bé đến “làm việc”. Khi chiều tối đến, bé lại “tan ca ra về”. Người tiếp tân đã bảo rằng bé là “một công chức mẫn cán”. Không một ai biết bé Eki-chan đến từ đâu đến cả.
Ở Nhật Bản, có một vài hòn đảo được gọi là Nekoshima – Đảo mèo, nếu có dịp, bạn hãy ghé thăm nhé!
Q: Đâu là nơi anh ấn tượng nhất trong quá trình chụp ảnh của mình?
A: Càng xem nhiều phim, càng khó có thể chọn ra bộ phim mình yêu thích nhất. Việc này cũng giống như càng đi du lịch nhiều nơi, càng khó quyết định địa điểm mình yêu. Nếu chọn một nơi ấn tượng sâu sắc thì đó chính là làng Koniya của đảo Amami Oshima. Vào những lần đâu tiên khi tôi đến đây, tôi đã gặp bão đến 2 lần. Vì tàu không di chuyển được, cuối cùng phải tạm trú 5 ngày tại đây. Biển nổi giông lớn nên không làm gì được. Do đó, mỗi ngày tôi đều đến một quán rượu địa phương để nhâm nhi, từ đó kết thêm nhiều bằng hữu trong làng. Những người bạn này đã tiễn tôi đến tận sân bay, nói lời tạm biệt “trong nước mắt” với tôi, thật sự rất cảm động. Bây giờ, mỗi năm, khi tôi quay lại hòn đảo này, mọi người đều bảo: “Anh đã về đấy à” như một đại gia đình thật sự vậy.
Q: Tại tài khoản Instagram Toratabix, anh đăng ảnh chụp mỗi ngày. Động lực nào giúp anh duy trì việc xây dựng tài khoản này?
A: Vì tôi đang làm công việc tư vấn trên nền tảng mạng xã hội nên mỗi ngày tôi đều truy cập để kiểm tra có gì mới không. Thêm nữa là vì tôi nhận được nhiều tin nhắn từ các fan, tôi rất mong đợi được xem các tin nhắn này.
Q: Hiện tại, lượng follower của Instagram Toratabix đã đạt đến 251K followers. Anh cảm thấy như thế nào về lượng follower không hề nhỏ này?
A: Tôi thật sự xúc động vì nhận được chú ý của nhiều fan trên khắp thế giới. Cảm ơn các bạn rất nhiều! Tôi mong mọi người có thể đến Nhật một ngày sớm nhất.
Q: Từng có nhiều du khách nước ngoài nhờ anh làm hướng dẫn viên du lịch chưa? Nếu có du khách muốn nhờ anh làm hướng dẫn viên du lịch, anh có sẵn lòng không?
A: Thỉnh thoảng tôi cũng nhận được những lời đề nghị này nhưng rất tiếc tôi đã từ chối. Nếu trở thành bạn bè, tôi sẽ sẵn sàng hướng dẫn bạn.
Q: Anh có thể chia sẻ một vài cảm nghĩ của mình về Việt Nam, cũng như người Việt không?
A: Tôi đã đến Việt Nam 4 lần và đã từng ghé qua Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tôi rất thích món ăn Việt Nam. Tôi tò mò về độ rộng cổng ra vào nhà ở Việt Nam là bao nhiêu. Vì tôi đã nghe câu chuyện nhà ở Việt Nam được xây sâu vào trong với lối ra vào bị thu hẹp do một số vấn đề liên quan đến luật thuế. Ngày xưa, Nhật Bản cũng có hệ thống thuế như vậy (bây giờ thì không). Nhà ngày xưa ở Nhật cũng được xây dài, sâu vào bên trong. Mọi người hãy thử để ý khi tới Nhật nhé! Khi dịch Corona kết thúc, tôi cũng muốn đến Việt Nam lần nữa.
Xin chân thành cảm ơn nhiếp ảnh gia Daisuke Saito vì đã dành thời gian với Kilala!
kilala.vn