Mùi hương "bí ẩn"
Ngày xưa, người ta xem các thùng gỗ cũng chỉ như những vật đựng rượu đơn thuần, không ai nhận ra cái mùi hương “bí ẩn” đã ngấm vào từng thùng rượu sake tự lúc nào.
Chỉ đến khi xuất hiện Nadazake, loại rượu sake hảo hạng vang danh khắp đất kinh kỳ Edo, thì người ta mới dần để ý đến cái mùi thơm là lạ, thanh thanh trong từng giọt rượu. Thì ra, mùi hương bí ẩn đấy chẳng đến từ đâu xa, chính là hương gỗ tuyết tùng, loài cây dùng làm gỗ đóng thùng rượu. Điều đặc biệt là tuyết tùng còn được xem như một trong những nguyên liệu cổ xưa nhất trong giới nước hoa, chẳng thế mà Taruzake mới có hương thơm đặc trưng quyến rũ đến vậy.
Quá trình vận chuyển qua nhiều ngày khiến rượu va đập trong thùng rồi dần đượm mùi gỗ thơm. Mùi rượu sake nguyên chất êm dịu, vị ngọt hậu đầy tinh túy. Hương gỗ tuyết tùng vừa nồng nàn lại thanh mát sảng khoái. Hai mùi hương quyện vào nhau, như đã hòa cả vị đất trời trong chén rượu trong veo thêm phần nồng đượm, ngất ngây.
Taruzake và đền thờ Thần đạo
Đã bao giờ bạn để ý đến dãy thùng rượu Taruzake thường được xếp chồng chồng lớp lớp ngoài cổng vào các đền thờ Thần đạo?
Những thùng Taruzake này được gọi là Kazaridaru và bên trong hoàn toàn không có rượu. Tuy vậy, chúng lại mang giá trị cao về mặt tâm linh bởi trong quan niệm của người Nhật, rượu sake là sợi dây kết nối giữa thần linh và con người. Trong những văn tự cổ xưa, sake từng được gọi là miki, là kết hợp giữa chữ “Thần” và “Tửu”. Ngày nay, miki được dùng để chỉ rượu dùng trong các nghi thức tại đền thờ. Người Nhật sẽ đi viếng lễ đền và được nhận chén rượu, như một cách để được gần với các đấng thần linh hơn.
Các đền thờ luôn cần một số lượng rất lớn rượu sake phục vụ trong các nghi thức và lễ hội. Những nhà nấu rượu trong địa phương sẽ đóng góp rượu miễn phí cho các dịp đó (nhiều nhất vào mùa xuân và thu). Như vậy, đền thờ sẽ tổ chức các lễ cầu thịnh vượng, làm ăn buôn bán phát đạt cho những nhà nấu rượu này.
Thường các đền thờ nhỏ sẽ nhận đóng góp từ những nhà nấu rượu trong địa phương, nhưng riêng với hai đền thờ lớn nhất là Meiji Jingu ở Tokyo và Ise Jingu ở tỉnh Mie, sẽ nhận rượu từ khoảng 1800 công ty – tức toàn bộ tất cả các nhà sản xuất trên toàn quốc. Mỗi nhà nấu thường chỉ tặng một chai hay một thùng rượu. Tại nhiều đền thờ, như Meiji Jingu, người ta sẽ xếp chồng các thùng rượu rỗng đã được đóng góp và ràng dây buộc vào khung để chúng không bị đổ, hay cũng có nơi như đền Hachiman ở Kamakura sẽ làm hẳn cả kệ gỗ khổng lồ để trưng bày rượu.
Kệ gỗ trưng bày rượu tại đền Meiji Jingu ở Tokyo. (Ảnh: The Japan Times)
Vẻ đẹp từ thùng gỗ Komodaru
(Ảnh: farm5.staticflickr.com)
Không chỉ được dùng trang trí hàng quán, Komodaru trong hiện đại được cách tân với rất nhiều thiết kế trẻ trung, xinh xắn. Thậm chícòn có cả Komodaru phiên bản… bàn uống trà, hay thùng đựng đồ, chậu cây,... hoặc phiên bản mini để dễ dàng trang trí trong nhà.
(Ảnh: komodaru-link.com)
Nếu đã có dịp đến Nhật, bạn đừng quên thưởng thức chút rượu Taruzake thơm nồng và đem một thùng Komodaru nho nhỏ xinh xắn về làm lưu niệm.