Tung hoa cưới - chuyện "nhạy cảm" của người Nhật
Gia đình Nhật Bản
Bài: Nguyễn Ngân
(Biên dịch từ Japan Today)
Ảnh hưởng của làn sóng văn hóa Tây phương từ thế kỉ XIX, người Nhật khi kết hôn thường có rất nhiều lựa chọn cho lễ cưới. Có thể là lễ cưới truyền thống theo nghi thức Thần đạo Shinto; tiệc cưới sang trọng tại nhà thờ theo kiểu Tây phương hoặc kết hợp cả hai phong cách trên. Và điều khiến họ lo lắng nhất là màn tung hoa cưới của cô dâu - một vấn đề "nhạy cảm" với người Nhật ở thời đại này.
Bó hoa cưới và chuyện chưa kể
Từ xa xưa, hoa cưới được xem là một loại “bùa” giúp xua đuổi ma quỷ đeo bám cô dâu và phá hoại đám cưới. Nhưng cũng có những người coi bó hoa cưới giống như “cơn ác mộng đêm khuya”, như “một thứ ngọt ngào có khả năng gây sát thương cao”. Đó là quan điểm của đa số các bà, các cô đã “quá lứa lỡ thì” mỗi khi “bị” mời đến bữa tiệc cưới. Những lúc ấy, họ thường thấy mình bị xúc phạm và cho rằng lời mời là nguồn cơn dẫn đến hành vi “quấy rối”… danh dự và nhân phẩm người khác. Theo quan niệm truyền thống, thiên chức của người phụ nữ là phải ở nhà chăm con, lo cho chồng, làm việc nhà và không được đi làm, không được có thu nhập riêng. Nếu một người phụ nữ luống tuổi mà vẫn chưa lập gia đình, dẫu có thành đạt đến đâu, giàu có đến mấy thì vẫn bị xem là kẻ thất bại chỉ vì không lấy nổi một tấm chồng!
Tư tưởng này đặc biệt phổ biến ở Nhật Bản, khi ngày càng nhiều phụ nữ muốn sống tự do, thoải mái hơn thay vì đặt nặng vấn đề kết hôn và trở thành vợ hiền, dâu đảm. Họ luôn có cảm tưởng bản thân bị đưa ra "hành quyết" công khai khi cô dâu tung bó hoa cưới. Hành động tưởng chừng như mang lại vận may trong đường tình duyên lại khiến những người đàn bà độc thân xấu hổ đến mức muốn bỏ trốn! Đã có một chuyện đáng buồn xảy ra tại một tiệc cưới nọ. Khi cô dâu xoay lưng ném bó hoa lên không trung, không một ai muốn di chuyển để bắt được nó. Bó hoa lặng lẽ rơi xuống sàn nhà, nằm im buồn bã trước ánh mắt ngại ngùng, áy náy của khách mời và cả cô dâu, chú rể.
Một thế hệ "nhạy cảm" với hoa cưới
Nhiều phụ nữ Nhật cho rằng, việc tung hoa cưới chẳng qua là cách để cô dâu tự mãn với niềm hạnh phúc của mình. Có người còn cay nghiệt thốt lên: “Tại sao tôi phải chịu sự sỉ nhục như vậy trước đám đông trong khi đã cho cô dâu, chú rể 30.000 yên (hơn 6 triệu đồng) tiền quà cưới?” Thái độ phản đối kịch liệt của đám đông F.A ít nhiều đã tác động đến các cô dâu. Thậm chí, trong một cuộc khảo sát, khi được hỏi chỉ có 42% cô dâu trả lời muốn được tung hoa trong ngày cưới. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng, cứ 5 cô dâu thì có 3 cô không muốn làm hành động… “nhạy cảm” đó.
- “Bắt được hoa cưới là một việc đáng xấu hổ ư? Trong đời sống còn nhiều thứ đáng xấu hổ hơn thế. Có lẽ ngày càng nhiều người chỉ biết nhìn mãi vào mặt trái của sự việc hoặc cũng có thể là do cái tôi của họ quá lớn.”
- “Không phải mọi người đến đám cưới để ăn mừng sao? Thật đáng buồn! Cô dâu và chú rể mời bạn đến tham dự hôn lễ vì họ quý mến bạn. Tại sao chúng ta lại dễ dàng bỏ qua tình cảm chân thành đó và để cho sự ích kỷ lấn át lý trí chứ?”
- “Tôi vốn ghét những phong tục cưới hỏi rườm rà. Sau khi đọc xong bài báo viết về bó hoa cưới đã khiến những vị khách nữ bối rối thế nào, tôi hoàn toàn tin chắc những lời nhận xét của mình trước đây là đúng.”
- “Tôi ngạc nhiên khi biết rằng bó hoa cưới có thể gây ra nỗi thất vọng lớn đến vậy. Nhưng ngay khi tôi bắt được hoa, cô dâu và chú rể đã chúc mừng tôi bằng câu nói: “Chị là người may mắn tiếp theo!” Lúc đó, tôi thật sự rất vui sướng và xúc động. Độc thân đâu có nghĩa là lúc nào bạn cũng cảm thấy xấu hổ về bản thân mình.”
Một cư dân mạng khác còn viết một câu triết lý thế này:
“Phong tục tung hoa cưới không giúp cho những người phụ nữ độc thân có thể kết hôn mà đây là dịp để cô dâu chia sẻ cảm giác hạnh phúc tuyệt vời đến tất cả các vị khách nữ.”
Những sáng kiến độc đáo ra đời
Nhằm tránh làm buồn lòng các vị khách quý của buổi tiệc, nhiều ý tưởng độc – lạ đã ra đời. Bó hoa… súp lơ được thay thế cho bó hoa cưới truyền thống đang dần trở nên phổ biến. Thay vì người tung hoa là cô dâu, ở đây chú rể sẽ ném một bông cải xanh – tượng trưng cho sự nối tiếp thế hệ trong gia đình – về phía các vị khách nam độc thân. Bất cứ ai bắt được nó đều có quyền… cắn một miếng rồi chuyền cho những người khác. Nghe có vẻ kỳ quặc nhưng lại cực kì thú vị, hệt như một trận bóng bầu dục đang diễn ra ngay trong tiệc cưới.
Không những thế, một số cặp đôi còn chịu khó chi tiền mua thú bông cho hôn lễ của mình. Có cô dâu đã gắn những bông hoa từ bó hoa cưới vào cặp vịt Donald rồi tung lên tặng các vị khách. Một cặp đôi khác đã dành tặng cho khách mời những chú gấu bông nhảy dù xinh xắn. Lại có cô dâu tổ chức “rút thăm” ngay trong hôn lễ bằng cách buộc những dải ruy băng quanh bó hoa của mình và đưa mọi người rút thử, xem ai sẽ nhận được chiếc nơ may mắn này. Ở Nagoya, truyền thống ném đồ ngọt còn được xem là một sự thay thế tuyệt vời cho màn tung hoa cưới cô dâu.
Hình ảnh cô dâu tung bó hoa cưới với nụ cười rạng rỡ trên môi đã trở thành hình ảnh khó phai trong tâm trí mỗi người. Nhưng giờ đây, màn tung hoa cưới có lẽ sẽ được thay thế bằng những hình thức khác, đầy sáng tạo và mang tính cách tân. Biết đâu trong tương lai gần, một lễ cưới theo kiểu truyền thống – hiện đại đậm chất Nhật Bản sẽ dần phổ biến, trở thành nét độc đáo trong phong tục cưới hỏi của người dân xứ sở hoa anh đào. Có thể nói, điều mà hầu hết các cặp đôi Nhật mong chờ không phải là tuần trăng mật lãng mạn hay nhận được thật nhiều tiền quà cưới mà là sự thành tâm chúc phúc của bạn bè và người thân cho ngày lễ trọng đại nhất của cuộc đời!
kilala.vn