Phải phân loại rác khi ở Nhật Bản
Ở Nhật, các hộ gia đình được yêu cầu phân loại rác trước khi đem rác ra điểm thu gom. Ở những nơi công cộng, bạn sẽ bắt gặp các dãy thùng rác với mỗi thùng đều được ghi tên cụ thể như rác tái chế, rác đốt được hay không đốt được,...
Phân loại rác chính là bước đầu tiên trong quy trình xử lý rác thải mà tất cả mọi người đều có thể thực hiện để tiết kiệm thời gian cho trung tâm thu gom và xừ lý rác thải. Ý thức được tầm quan trọng của hành động này, hầu hết mọi người đều chấp hành nghiêm túc.Hơn nữa, Nhật Bản có nhiều quy định pháp luật rất khắt khe trong việc vứt và xử lý rác. Nếu vi phạm, bạn có thể bị phạt tù lên đến 5 năm hoặc đóng tiền phạt lên đến 10 triệu yên.
Để thuận tiện cho người dân, mỗi địa phương đều có lịch thu gom cũng như hướng dẫn phân loại rác rất chi tiết và cụ thể, thậm chí còn được dịch sang những ngoại ngữ phổ biến để người nước ngoài có thể dễ dàng “nhập gia tùy tục”.
Phân loại rác vì chúng ta và con cháu mai sau
Không phải tự nhiên mà nước Nhật lại vô cùng khắt khe trong việc phân loại và xử lý rác thải. Có những lý do hợp lý và thuyết phục để người dân Nhật Bản nghiêm ngặt tuân thủ các quy định về phân loại rác.
Cốt lõi của việc phân loại rác là để chúng ta có thể tái chế những loại rác vẫn có thể sử dụng và xử lý đúng cách với từng loại rác phải vứt đi. Phân loại rác chính là cách sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hợp lý và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống của chúng ta.
Vì tài nguyên thiên nhiên trên Trái đất tồn tại hữu hạn nên nếu không được sử dụng hợp lý, không sớm thì muộn, nguồn tài nguyên dù dồi dào cũng sẽ phải cạn kiệt. Bằng cách phân loại rác để tái chế, chúng ta có thể hạn chế lãng phí và tiết kiệm tài nguyên cho thế hệ mai sau.
Bên cạnh đó, quá trình xử lý rác thải bằng nhiệt cũng thải ra một lượng lớn khí CO2 - nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu. Vì vậy, giảm lượng rác thải cần đốt cũng là cách giảm lượng khí CO2 cũng như những loại khí độc hại khác.
Với tầm nhìn xa trông rộng mỗi người Nhật đều nghiêm chỉnh thực hiện yêu cầu phân loại rác vì họ ý thức được rằng hành động tưởng chừng nhỏ nhặt đó lại có tác động vô cùng lớn đến môi trường sống của thế hệ tương lai.
Cách phân loại rác của người Nhật
Rác tái chế
Bao gồm các vật chứa đựng như chai lọ, hộp, lon, chai nhựa PET, khay, tuýp,... nắp đậy, sách báo cũ. Tất cả vật dụng chứa đựng đều phải được súc rửa sạch sẽ. Rác cùng chất liệu nên được cho vào một túi.
Lưu ý:
Chai lọ: Rửa sạch rồi cho tất cả chai lọ vào một túi rác.
Hộp, lon: Rửa sạch cặn thức ăn rồi cho tất cả vào một túi rác.
Chai PET: Rửa sạch. Nắp, nhãn, thân chai cần phân loại riêng. Ấn bẹp thân chai trước khi cho vào túi rác.
Rác đốt được
Bao gồm những vật dụng có thể xử lý bằng nhiệt: đồ dùng bằng nhựa khác không dùng chứa đựng, thức ăn, dầu ăn, quần áo, giấy vụn, cây lá, bật lửa hết gas, đồ dùng cao su, da,...
Lưu ý:
Cành lá nhỏ: Cắt thành đoạn ngắndưới 50cm rồi bó lại.
Dầu ăn: Thấm bằng giấy, vải hoặc làm đông bằng hóa chất chuyên dụng.
Thức ăn thừa: Làm ráo nước trước khi cho vào túi rác.
Quần áo, bỉm giấy: Loại bỏ chất bẩn trước khi phân loại.
Rác không đốt được
Bao gồm những loại vật dụng cần phương pháp xử lý đặc biệt: kim loại như nồi niêu xoong chảo, dao kéo,... thủy tinh như bóng đèn, kính,... gốm sứ, bình xịt, bàn ủi, bật lửa, pin, nhiệt kế, bình chữa cháy,...
Lưu ý:
Vật nhọn, ly chén vỡ: Phải gói lại bằng giấy dày để tránh gây nguy hiểm.
Bình gas, bật lửa: Nhất định phải dùng hoặc rút hết khí gas rồi mới vứt.
Nhiệt kế, huyết áp kế: Phải cho vào túi rác màu trong.
Bóng đèn: Cho vào hộp giấy trước khi vứt đi.
Rác đặc biệt khác
Bao gồm những loại rác cần trả phí thu gom và loại địa phương không thể thu gom.
♥ Rác thu phí: xác động vật, đồ gia dụng cồng kềnh (tiêu chuẩn phụ thuộc từng địa phương). Liên lạc với trung tâm thu gom rác để được hướng dẫn. Thu phí hay miễn phí thu gom tùy thuộc vào địa phương sinh sống.
♥ Rác không thể thu gom: đồ điện tử, điện lạnh như TV, PC, máy điều hòa, máy giặt, tủ lạnh,... rác nguy hiểm như hóa chất, xăng dầu, diêm,... rác có khâu xử lý phức tạp như ắc quy, lốp xe, đàn Piano, két sắt, gạch, bê tông, đá,... Liên lạc với đại lý, nhà sản xuất để thảo luận về cách xử lý.
Bài: Lăng Vi / kilala.vn