Học hỏi kiểu ngủ hình chữ 川 của bố mẹ Nhật
Gia đình Nhật Bản
Bài: Tú Anh/ Ảnh minh họa: PIXTA
Để trẻ ngủ riêng hay ngủ chung với bố mẹ cũng là một thói quen sinh hoạt gia đình sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Nhiều mẹ Việt học tập cách bố mẹ Tây dạy con tự lập bằng cách cho trẻ ngủ riêng từ rất sớm. Nhưng ở Nhật Bản - một trong số ít nước công nghiệp phát triển nếp sinh hoạt gia đình truyền thống, việc cho phép trẻ ngủ cùng phòng với bố mẹ vẫn được khuyến khích.
(Ảnh minh họa: Pixabay)
Sự khác nhau về văn hóa
Với văn hóa đề cao tính cá nhân, ở phương Tây, để dạy trẻ độc lập và tôn trọng sự tự do của bố mẹ, trẻ được cho ngủ riêng ngay từ những tháng đầu đời. Tuy nhiên, ở Nhật với văn hóa đề cao tính cộng đồng và sự gắn kết, bố mẹ Nhật không quá chú trọng dạy con đề cao giá trị cá nhân mà hướng con đến sự kết nối, hòa hợp trong tập thể. Gia đình chính là đơn vị tập thể đầu tiên của mỗi đứa trẻ. Những giá trị sơ khai về sự gắn kết, hòa hợp cộng đồng, trẻ sẽ được học từ gia đình.
Trong gia đình Nhật, trẻ được phép ngủ cùng phòng với bố mẹ cho đến tiểu học, một số được tập ngủ riêng sớm hơn nhưng một số khác cũng ngủ với bố mẹ lâu hơn. Ngược lại, ở Mỹ chỉ có 15% trẻ từ 2 tuần tuổi đến 2 tuổi được ngủ cùng phòng với bố mẹ.
Kiểu ngủ hình chữ 川 của bố mẹ Nhật
Trong quan niệm của bố mẹ Mỹ, trẻ là một cá thể độc lập cần làm quen với tính độc lập trong môi trường sống ngay từ lúc chào đời. Để giúp trẻ bỏ dần nhu cầu nội tại phụ thuộc vào mẹ khi ngủ và nhanh chóng làm quen với môi trường ngủ không có mẹ, trẻ em Mỹ được tập đi ngủ với núm vú giả và thú bông khi vừa mới chào đời.
(Ảnh minh họa: PIXTA)
Cũng cùng ý thức giáo dục trẻ về tính độc lập đó, nhưng trong quan niệm của bố mẹ Nhật, trẻ là một cá thể tự nhiên trước khi trưởng thành độc lập cần trải qua giai đoạn ấu thơ có sự hỗ trợ của bố mẹ để dần trở thành một cá thể hoàn toàn độc lập hài hòa bên trong tập thể. Chính vì thế, ở Nhật có một khái niệm riêng để chỉ việc con cái ngủ cùng với bố mẹ - “kawa no ji mitai” - ví hình ảnh gia đình ngủ cùng nhau giống như chữ 川 có nghĩa là dòng sông. Nét bên trái là cha, nét bên phải là mẹ, ở giữa chính là các con. Cách ngủ này thể hiện rõ nét quan niệm tự lập bên trong sự gắn kết lẫn nhau của gia đình Nhật.
Trong xã hội hiện đại, cùng với sự giao thoa văn hóa, nếp sinh hoạt “kawa no ji” của những gia đình Nhật trẻ cũng có nhiều sự Tây hóa và biến thể. Theo nghiên cứu của nhà giáo dục học Yuoko Shinoda (Khoa giáo dục học Đại học Tokyo), những ông bố bà mẹ Nhật trẻ cho con ngủ theo 4 kiểu: 44% gia đình vẫn duy trì “kawa no ji”; 27% gia đình có kiểu ngủ người mẹ nằm giữa hai bố con nằm hai bên, 17% gia đình cho bé ngủ cùng mẹ và bố ngủ riêng, 3% gia đình để bé ngủ phòng riêng tách biệt với bố mẹ.
Những lợi ích khi trẻ ngủ cùng bố mẹ
Khi được ngủ theo kiểu “kawa no ji” bé không chỉ gần gũi cả bố lẫn mẹ mà chính người mẹ cũng nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ của chồng trong việc nuôi dưỡng và chăm sóc giấc ngủ của con.
Trẻ ngủ một mình nguy cơ SIDS (tình trạng đột tử ở trẻ dưới1 tuổi), rối loạn căng thẳng càng cao. Bé thường ốm vặt, đổ mồ hôi trộm và sốt về đêm. Đó là những biểu hiện thông thường nhưng đôi khi lại là những dấu hiệu bất thường đầy nguy hiểm. Cùng ngủ với trẻ, bố mẹ sẽ dễ dàng quan sát, nhận biết những dấu hiệu bất thường trong tình trạng sức khoẻ của trẻ để ngăn ngừa kịp thời các nguy cơ xấu.
Trẻ ngủ cùng bố mẹ sẽ ít gặp những vấn đề về sức khoẻ hơn. Kết luận này được giải thích như sau: Khi trẻ ngủ cùng bố mẹ, trẻ sẽ cảm nhận được sự an toàn và ít lo lắng hơn nên sẽ không sản sinh ra hoóc môn stress như cortisol ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của trẻ.
Trong giai đoạn ấu thơ, trẻ cần được tạo dựng sự kết nối, gần gũi, nuôi dưỡng tình cảm với bố mẹ. Thời gian trước khi ngủ là thời gian vàng để bố mẹ trò chuyện cùng con, giúp con gần gũi, nuôi dưỡng tình cảm với bố mẹ. Thời gian trước khi ngủ là thời gian vàng để bố mẹ trò chuyện cùng con, giúp con tạo dựng lòng tin và cảm giác an toàn. Khi đủ tin tưởng và an tâm bé sẽ dễ dàng bộc bạch với bạn mọi khó khăn trong từng giai đoạn trưởng thành để bạn có thể là người bạn tin cậy cùng con lớn lên.
Ngủ chung với bố mẹ cũng là một nhân tố hình thành và định hình tính cách ở trẻ. Những trẻ có sự gắn kết với bố mẹ tốt hơn sẽ hạnh phúc và dễ thích nghi hơn. Một nghiên cứu ở Anh cho thấy những đứa trẻ chưa bao giờ ngủ với bố mẹ thường dễ sợ hãi, cáu gắt và ít khả năng thích nghi hơn.
Trải nghiệm tình cảm gia đình và tình yêu thương sẽ là tài sản vô hình của con trong suốt quá trình trưởng thành. Những đứa trẻ độc lập trong sự kết nối với người khác là những đứa trẻ có thể tự mình đối mặt và giải quyết những khó khăn của chính mình nhưng không đơn độc. Nhưng những đứa trẻ đơn độc sẽ một mình đối diện với khó khăn vì chúng tin rằng không ai có thể cho chúng sự giúp đỡ và chúng cũng không sẵn sàng để giúp đỡ bất kỳ ai. Chính vì thiếu đi sự liên kết đứa trẻ sẽ không thể cảm nhận đầy đủ ý nghĩa của hạnh phúc và cuộc sống.
Tính cách độc lập là điều bố mẹ mong muốn ở con nhưng hãy tôn trọng nhu cầu tình cảm nội tại của trẻ, hãy để trẻ ngủ cùng bạn cho đến lúc trẻ sẵn sàng tự lập. Xây dựng thói quen ngủ một mình không quá khó với một đứa trẻ luôn cảm nhận được tình yêu thương và sự an toàn ngay cả khi không có bố mẹ ở bên.
Những lưu ý khi cho trẻ ngủ cùng bố mẹ
1. Với những trẻ dưới 6 tháng tuổi không nên áp dụng kiểu ngủ “kawa no ji”. Vì giai đoạn này trẻ còn yếu ớt, cả bố và mẹ đang dần làm quen với việc có thêm thành viên mới, khi ngủ cùng không tránh khỏi những thói quen ngủ tự do gây nguy hiểm cho bé như gác tay chân lên người bé làm bé ngạt thở.
2. Phòng ngừa nguy cơ ngạt thở ở trẻ trong khi ngủ: Không gian ngủ của cả gia đình phải thoáng mát, rộng rãi, không nên có quá nhiều gối ôm, thú nhồi bông. Luôn giữ tư thế bé nằm ngửa. Khi ngủ cùng với trẻ dưới 1 tuổi bố và mẹ nên sử dụng mền riêng. Khi bố mẹ có dấu hiệu mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ thì không nên ngủ cùng bé để tránh bố mẹ say ngủ gác lên người bé.
3. Bố mẹ hút thuốc, sử dụng các chất kích thích, đang uống thuốc điều trị và đang nhiễm bệnh không nên ngủ cùng con.
4. Nếu gia đình có nhiều con: Theo nhà giáo dục học Yuoko Shinoda, với những bé có anh chị em gần bằng tuổi nhau thì cách ngủ xen kẽ người mẹ nằm giữa hai con; bé nhỏ nhất nằm giữa bố, mẹ và người bố ngủ ngoài cùng sẽ là cách ngủ lý tưởng nhất. Trong trường hợp bé có từ hai đến ba anh chị em bằng tuổi, bố mẹ cần tế nhị và công bằng, trong cách sắp xếp vị trí ngủ của các con vì trẻ rất nhạy cảm và luôn mong muốn nhận được tình yêu thương nhiều nhất từ bố mẹ. Sự thiên vị có thể ảnh hưởng xấu đến tình cảm anh chị em của bé.
Tú Anh/ kilala.vn