Chuẩn bị cho những xáo trộn về tâm lí
Có những bé sẽ rất háo hức với việc mẹ có thêm em bé cho mình: “Mẹ ơi, vì sao mẹ chưa sinh em bé?”, nhưng cũng có những bé không hề muốn chia sẻ với ai sự “độc quyền” mình đang có hiện tại: “Con không muốn có em bé đâu”. Thế nhưng dù muốn hay không thì việc có em bé thứ hai vẫn là sự thật sau 9 tháng nữa.
Vì thế cho đến trước khi em bé ra đời, điều ba mẹ cần chuẩn bị nhất chính là đối phó với những xáo trộn tâm lí của anh/chị lớn trong các tình huống sau khi em nhỏ ra đời. Khi đã có sự thấu hiểu thì ba mẹ sẽ dễ dàng chấp nhận việc trẻ trở nên “hư” hơn, hay nhõng nhẽo, dựa dẫm vào bố mẹ nhiều hơn trước.
Những việc nên làm trước khi sinh em bé
Cho trẻ đến thăm những em bé mới sinh
Chỉ cần 1 - 2 chuyến đến thăm những em bé mới sinh cũng giúp trẻ hình dung ra được “một em bé thật” sắp đến nhà mình trông sẽ thế nào.
Lấy ảnh ngày xưa của trẻ ra coi
Để trẻ biết rằng ngày xưa mình cũng đã từng là em bé.
Cùng nhau đọc những câu chuyện về em bé, tình cảm anh em
Mình thường đọc rất nhiều câu chuyện cho con trai nghe về việc có em bé, anh chăm em như nào, và em rất vui khi được anh chăm sóc ra sao. Ví dụ như câu chuyện khi anh bị đau thì mẹ xoa chỗ đau cho anh, sau đó em bị đau ở trán và anh cũng bắt chước mẹ xoa chỗ đau ở trán cho em. Và việc em bé quẫy tay chân chứng tỏ rất thích được anh xoa cho mình. Nhờ đó bé vô cùng háo hức với việc mình sẽ được chăm sóc em, như cách mẹ đã làm cho mình.
Thường xuyên chơi trò đố vui
Trẻ em rất thích bắt chước hành vi của người lớn và rất muốn được chăm sóc em giống như mẹ đã làm với mình, nên ba mẹ có thể bắt đầu đi từ những gợi ý như thế. Hoặc ba mẹ có thể cho trẻ chơi trò chăm sóc búp bê để trẻ tập làm quen trước.
Hãy luyện tập cho trẻ thói quen tự lập trước khi sinh em
Có nhiều ba mẹ thường chỉ chú ý chuẩn bị mọi thứ liên quan đến em bé thứ hai mà quên mất mình cần phải rèn luyện cho anh/chị lớn những thói quen tự phục vụ trong sinh hoạt hàng ngày như: tự xúc ăn, tự cởi/mặc quần áo, tự dọn đồ chơi, tự đánh răng rửa mặt, tự đi giày dép, tự chuẩn bị đồ đi học, giúp đỡ ba mẹ việc nhà. Đến khi có em bé rồi mà anh/chị lớn vẫn luôn phải chờ mẹ làm thay cho mọi việc thì việc nuôi dạy cả hai đứa con sẽ vô cùng vất vả.
Những bà mẹ Nhật một mình nuôi 2, thậm chí là 3 - 4 đứa con mà không có người giúp việc hay ông bà ở bên đều rất chú trọng đến việc rèn luyện thói quen tự lập cho anh/chị lớn ngay từ trước khi bé thứ hai ra đời.
Dù có em thì con vẫn phải là số một
Nguyên nhân lớn nhất khiến cho anh/chị không yêu em, thậm chí ghét em chính là do trẻ cảm thấy mình đã bị ba mẹ “vô tình bỏ rơi” và tình yêu bị “san đi một nửa” cho một em bé “từ trên trời rơi xuống”. Không ít trường hợp anh/chị sẽ vô cùng tủi thân vì cảm thấy “Ôi cả nhà từ ông bà đến bố mẹ chỉ chăm chăm vào em bé mà bỏ quên mình”. Trong giai đoạn này, rất nhiều trẻ sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lí, “muốn được quay lại thời kì em bé” để ba mẹ quan tâm đến mình nên thường mè nheo, vòi vĩnh hơn, khóc lóc đòi mẹ ôm, bế nhiều hơn. Vì thế ba mẹ cần phải ứng xử thật tinh tế trong thời kì này như sau:
Chứng tỏ trẻ vẫn luôn luôn là số 1
Khi bé lớn có nhu cầu gì hay mong muốn được mẹ làm cho cái gì như muốn được bế, ôm hay chơi cùng, thì ba mẹ hãy đặt em nhỏ xuống hoặc nhờ ai đó hỗ trợ để đáp ứng nhu cầu tình cảm này của trẻ. Đôi khi chỉ cần 10 phút dành cho bé lớn thôi cũng giải quyết được rất nhiều vấn đề về cảm xúc của trẻ.
Hãy tạo ra khoảng thời gian riêng tư
Ba/mẹ có thể chia nhau ra, hoặc nhờ ông/bà hay họ hàng trông giúp em nhỏ để dành một khoảng thời gian nho nhỏ nhưng chất lượng “hẹn hò” riêng với anh/chị lớn như đi ăn kem, siêu thị, công viên … để trẻ vẫn cảm nhận được mình là người quan trọng với ba mẹ.
Hãy thường xuyên ôm/bế trẻ thật chặt
Đừng nghĩ rằng trẻ đã lớn rồi thì không cần ôm/bế nữa. Ngược lại những trẻ lớn 4-5 tuổi thường có nhu cầu được ba mẹ ôm chặt hay bế trong lòng càng lớn. Việc thấy em bé được ba mẹ ôm/bế như một việc hiển nhiên sẽ khiến trẻ cũng muốn được ôm ấp, nâng niu như thế.
Những việc nên làm để anh/chị em hòa thuận
Đừng nói "Con là anh/chị mà, đừng..., con phải nhường em"
Ba mẹ Việt Nam thường hay có suy nghĩ là làm anh/chị thì phải biết nhường nhịn em. Vì thế trong rất nhiều tình huống khi muốn anh/chị chia sẻ và quan tâm hơn đến em, ba mẹ và người lớn thường dùng câu cửa miệng “Con là anh/chị mà, phải nhường em chứ”. Câu nói này sẽ càng làm cho anh/chị em xa rời và ghét nhau hơn đấy.
Nhớ gọi tên của trẻ khi xưng hô với em
Đừng dùng đại từ nhân xưng anh/chị chung chung để xưng hô trước em như “Anh/chị bế em đi này”. Bởi vì khi được ba mẹ dùng tên riêng để gọi, trẻ sẽ cảm thấy được coi trọng hơn và không bị áp lực “làm anh/chị thì phải…”.
Rủ trẻ tham gia vào việc chăm sóc em
Ví dụ như “Trung ơi, em bé đang khóc đó, con có thể vỗ về em giúp mẹ được không nhỉ” hay “Ôi em bé tè ướt hết bỉm rồi. Trung lấy giúp mẹ bỉm thay cho em nhé”. Ba mẹ đừng quên nói lời cảm ơn và khích lệ với trẻ sau mỗi hành động ấy, chẳng hạn như “Cảm ơn con. Ba mẹ rất vui. May quá, có anh Trung giúp mẹ chăm em”…
Hãy nói cho trẻ biết em bé rất yêu con
“Em bé đang rất vui”, “Em bé bảo cảm ơn anh Trung vì đã chơi với em đấy”, “Em bé bảo rất yêu anh Trung đấy”, “Em bé bảo được anh Trung vuốt má thật thích, được chơi cùng với anh thật thích đấy”… chính là những câu nói khiến anh/chị cảm thấy rất vui sau những việc mình vừa làm với em.
Nguyễn Thị Thu/ kilala.vn