Từ xưa đến nay, rong biển luôn là một phần rất quan trọng trong chế độ ăn uống của người Nhật. Thậm chí không ít nhà nghiên cứu cho rằng đây chính là một trong những bí quyết để khoẻ mạnh và trường thọ của người Nhật.
Vùng biển xung quanh quần đảo Nhật Bản là nơi sinh sống của nhiều loại
rong biển, các dòng chảy liên tục đảm bảo nước biển ở đây luôn sạch sẽ,
mang đến những lá rong biển ngon lành và bổ dưỡng. Các loại rong biển
được thu hoạch theo mùa, trừ Konbu ưa thích những vùng nước lạnh nên
được thu hoạch vào mùa đông, hầu hết các loại rong biển khác được thu
hoạch vào mùa xuân. Các loại rong biển ở Nhật rất phong phú và không đắt tiền, lại chứa nhiều vitamins và khoáng chất như Vitamin C, canxi và sắt...
Kilala xin giới thiệu đến bạn 8 loại rong biển thường gặp nhất trong ẩm thực Nhật Bản. Lần sau khi đến nhà hàng Nhật, hãy tìm hiểu xem trong thực đơn có những loại rong biển nào nhé.
1. Wakame
Wakame là loại rong biển phổ biến nhất ở Nhật Bản. Wakame có hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu chất xơ, canxi, sắt và các vitamin. Wakame được bán dưới dạng khô hoặc tươi. Mỗi 10g wakame khô cần ngâm trong 1 lít nước để nở hoàn toàn. Wakame có thể dùng làm salad, ăn kèm với sashimi, trộn giấm hay nấu súp. Tuy nhiên, không nên ngâm hoặc nấu quá lâu, vì wakame sẽ bị nhũn, bở, không còn ngon nữa. Mùa xuân là thời điểm tuyệt vời nhất để thưởng thức Wakame, vì lúc ấy là mùa thu hoạch rong tươi. Lá rong tương có màu xanh trong, đẹp và vị dai giòn ngon lành hơn wakame khô.
2. Konbu
Loại rong biển này là nguyên liệu quan trọng để nấu dashi, loại nước dùng cơ bản cần thiết cho hầu hết các công thức nấu ăn của Nhật Bản. Kombu thường được bán ở dạng khô. Loại rong biển này hầu như không chứa protein, nhưng giàu canxi, carotene, sắt và iốt. Konbu là một loại thức ăn khó tiêu hóa nên phải được nấu chín kỹ. Nó góp phần tạo nên hương vị đậm đà tinh tế trong các món súp và món hầm của Nhật Bản (nabe). Đa số konbu mọc ở Hokkaido và có chiều dài từ 60cm đến 2m. Lọai konbu có hương vị tuyệt nhất là Rishiri Konbu.
3. Nori
Những tấm Nori khô và mỏng như giấy trở nên nổi tiếng khắp thế giới vì được dùng để cuộn sushi (maki-sushi). Rong biển được thu hoạch vào mùa thu, rửa sạch và cán mỏng, phơi khô dưới ánh mặt trời, sau đó được sấy và cắt thành tấm mỏng như chúng ta thường thấy. Nori chứa nhiều protein và các vitamin A, B1, kẽm, sắt và canxi. Nhật là nơi sản xuất Nori nhiều nhất thế giới, cả về số lượng và chủng loại. Ngoài những tấm Nori để cuộn sushi, trên thị trường còn bán nhiều loại Nori tẩm ướp gia vị để ăn vặt.
4. Hijiki
Loại rong biển này thường được bán ở dạng khô, các sợi nhỏ màu đen. Bạn phải ngâm nước trong khoảng một giờ và rửa sạch trước khi sử dụng. Rong Hijiki mang đến hương vị đậm đà khi được xào chung với cà rốt, thịt gà…
5. Kanten
Còn được gọi là thạch agar, loại rong biển có vị rất nhạt nhẽo thường được sử dụng như một chất tạo đông như gelantin. Kanten được làm từ rong biển tengusa. Khi được phơi khô, loại rong biển này trông giống như một miếng bọt biển. Kanten giàu chất xơ nhưng có không calo và được cho là giúp giảm mỡ máu và huyết áp, vì vậy nó là một thực phẩm ăn kiêng lý tưởng.
6. Mozuku
Một loại rong biển màu nâu sẫm. Mozuku được thu hoạch vào mùa xuân và 90% của Mozuku ở Nhật Bản được thu hoạch tại các hòn đảo cực nam của Okinawa. Nhiều công trình khoa học đang nghiên cứu về đặc tính chống ung thư của loại rong này.
7. Ogonori
Một loại rong biển sợi nhỏ, chỉ dùng để ăn lạnh như món salad hoặc ăn kèm sashimi. Bắt buộc phải bảo quản lạnh với muối.
8. Tōsaka
Tōsaka có ba màu khác nhau, màu đỏ (aka-Tōsaka), xanh (ao-Tōsaka) và trắng (shiro-Tōsaka). Giống như ogonori, loại rong biển này cũng chỉ được ăn lạnh, trong món salad hoặc ăn kèm sashimi.