TẠI SAO NHẬT BẢN LẠI ĐƯỢC GỌI LÀ “XỨ PHÙ TANG”?

Chắc hẳn trong số chúng ta, những người yêu mến đất nước Nhật Bản xinh đẹp, đã từng có lúc tự hỏi vì sao quốc gia này lại được gọi là “Xứ Phù Tang”? Không chỉ có tên gọi này, Nhật Bản còn được gọi bằng những danh xưng mỹ miều khác như “Xứ sở hoa anh đào”, “Đất nước Mặt trời mọc”, hay theo góc nhìn của người châu Âu, từ “Japan” có nghĩa là một vùng đất có nhiều vàng. Vậy thì ý nghĩa của “Phù Tang” là gì? Và những tên gọi khác kia có bắt nguồn từ đâu?

Những tên gọi đầu tiên
của đất nước Nhật Bản

Khoảng nửa cuối thế kỷ II, Nhật Bản là một vùng đất chịu nhiều sự tranh giành của các thế lực hùng mạnh. Cho đến giữa thế kỷ III, Nhật Bản vẫn chưa phải là một quốc gia thống nhất mà là một vùng đất được cai quản bởi khoảng 30 tiểu quốc. Vào cuối thế kỷ III đến đầu thế kỷ V, một trung tâm chính trị có tên gọi là “Yamato – 大和” đã được thành lập, có vị trí trải dài từ miền bắc đảo Kyushu đến đảo Honshu. Từ đó, Yamato trở thành tên gọi đầu tiên của Nhật Bản. Ngày nay, người Nhật thường sử dụng từ Yamato như một biểu tượng cho lòng tự hào và tự tôn dân tộc. Thuật ngữ “Yamato Nadeshiko – 大和撫子” thường được dùng để miêu tả một người phụ nữ Nhật Bản chuẩn mực với vẻ ngoài thuần khiết, cốt cách thanh cao, nữ tính và quý phái.

Vào các thế kỷ VI, VII và VIII, khi người Nhật tiếp thu chữ Hán từ Trung Hoa, ngay lập tức họ cho ra đời tư liệu sử “Nihonshoki – 日本書紀” vào năm 792. Theo Nihonshoki, vào thời cổ đại, Nhật Bản có đến ba tên gọi khác nhau, đó là “Toyo Ashihara no Mizuho no Kuni – 豊葦原の瑞穂の国”, “Ashihara no Nakatsukuni – 葦原中国”và “Yamato – 大和”. Trong khi đó, các nước láng giềng như Trung Hoa và Triều Tiên lại gọi Nhật Bản là “Wa – 和” .

Tại sao Nhật Bản lại được gọi là
“Xứ Phù Tang”?

“Phù Tang” trong tiếng Nhật được phát âm là “Fusou – 扶桑”, bắt nguồn từ từ cổ “Fusau – ふさう”. Đây là một tên gọi được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc cổ đại. Trong thần thoại Trung Quốc, điển hình là cuốn “Sơn Hải Kinh – 山海経” (Sengaikyo), “Fusou” được miêu tả là một cây đại thụ huyền bí nằm ở vùng biển phía Đông, và Mặt trời sẽ bắt đầu mọc lên từ nơi ấy. Sau đó, vào năm 629, khi sách sử “Lương Thư – 梁書” của Trung Quốc xuất hiện, những minh chứng về việc có tồn tại một đảo quốc ở phía Đông càng được thêm phần sáng tỏ. Khi đó, mọi người cho rằng ở nơi đảo quốc ấy hiện hữu rất nhiều loài cây Fusou, từ đó khởi sinh ra tên gọi “Fusou-koku – 扶桑国”, tức “Phù Tang Quốc”. Và đó cũng chính là đất nước Nhật Bản hiện nay.

Có rất nhiều tài liệu chỉ ra rằng Nhật Bản đã từng sử dụng từ “Fusou” như một tên gọi khác cho đất nước của mình, chẳng hạn như sử thư được viết vào năm 1094 đã lấy tiêu đề là “扶桑略記 – Fusou Ryakki”, tức “Phù Tang Lược Ký”, hay thậm chí từ trước đó rất lâu mà cụ thể là vào những năm đầu tiên của thời Jogan (859), Nhật Bản sử dụng danh xưng “Fusou” như một cách thể hiện thiện chí trong các hoạt động về ngoại giao, Phật giáo và giao lưu thơ ca với Trung Quốc. Sau đó, một tấm bản đồ được vẽ vào thời Muromachi (1336 –1573) cũng được lấy tên là “Nihon Fusou-koku no Zu – 日本扶桑国之図”, tức “Nhật Bổn Phù Tang Quốc Chi Đồ”.

Ngoài ra, còn một số thuyết cho rằng, theo truyền thuyết cổ phương Đông, có một loại cây dâu thiêng được gọi là “Fusou”, chỉ sinh trưởng ở những nơi Mặt trời mọc và là chỗ nghỉ chân của thần Mặt trời sau khi cưỡi xe du hành ngang qua bầu trời theo hướng từ Đông sang Tây. Nhật Bản nằm ở phía Đông của lục địa châu Á, với tên gọi “Nihon – 日本”, có nghĩa là “gốc ở Mặt trời” nên nghiễm nhiên được đồng nhất với xứ sở của loại dâu thiêng trong huyền thoại trên. Do đó, trong các tác phẩm văn học, người ta thường sử dụng tên gọi “Fusou – Phù Tang” với hàm ý ca ngợi hay thán phục vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ của quốc gia này.

Một số tên gọi khác của Nhật Bản

Trong một văn tự cổ của Trung Hoa được viết vào đầu thế kỷ VII có đề cập đến Nhật Bản với tên gọi là “Nihon – 日本”, âm Hán Việt là “Nhật Bổn” hay “Nhật Bản”, với hàm ý về một đất nước nằm gần với Mặt trời. Đó cũng là tên gọi mà Thánh đức Thái tử Shotoku (574 - 662) đã dùng trong bức quốc thư gửi sang triều đình Trung Hoa, mở đầu cho chính sách cử người sang Trung Hoa học hỏi trong khoảng thời gian hơn 250 năm.

Lúc đó, Thái tử Shotoku, dù ở tư cách đại diện cho một tiểu quốc, đã viết rằng: “Thiên tử của Đất nước Mặt trời mọc kính gửi Thiên tử của Đất nước Mặt trời lặn”. Nếu xét về vị trí địa lý thì quả nhiên, phía Tây của Nhật Bản, nơi Mặt trời lặn là Trung Quốc và nhìn về phía Đông của Trung Quốc, nơi Mặt trời mọc sẽ thấy Nhật Bản. Chính vì lý do này mà hoàng đế nhà Tùy đã không thể chối cãi và đành phải nuốt giận. Mặt khác, những dòng chữ của Thánh đức Thái tử cho thấy phần nào ý thức về một quốc gia với nền văn hóa có tính tự chủ cao đã được thể hiện ở Nhật Bản từ rất sớm.

Cùng với cách viết giống nhau nhưng khác âm đọc, Nhật Bản hiện đại còn được biết đến với tên gọi “Nippon – にっぽん”. Nippon trở thành tên gọi chính thức của Nhật Bản từ năm 1934. Ngày nay, chúng ta có thể tìm thấy chữ Nippon trên những con tem hay trên những bộ đồng phục của các vận động viên thể thao khi họ tham gia trên đấu trường quốc tế.





Một điều khá thú vị là nếu theo ngôn ngữ phương Đông, tên gọi của Nhật Bản có nghĩa là “xứ sở của Mặt trời” thì vào thế kỷ XIII, nhà du hành người Ý – Marco Polo, khi đặt chân đến miền Nam Trung Quốc đã được người dân địa phương cho biết về một vùng đất nằm ở phía Đông gọi là “Ji-pang”. Ông đã giới thiệu về vùng đất này với độc giả châu Âu thời bấy giờ với tên gọi là “Cipangu” (phát âm là “Jipangu”) với ý nghĩa là “vùng đất của vàng”. Jipangu khi đọc sang tiếng Pháp là “Japon” và tiếng Anh là “Japan”.

Dù vậy, mãi cho đến năm 1543 mới diễn ra cuộc tiếp xúc trực tiếp của người châu Âu với Nhật Bản bằng sự kiện một chiếc thuyền Bồ Đào Nha trên đường đến Trung Hoa thì gặp bão, phải lánh nạn vào đảo Tanegashima của đảo quốc này. Ngay sau đó 6 năm, vào năm 1549, Francis Xavier bắt đầu truyền giáo tại Nhật Bản. Từ giữa thế kỷ XVI, Nhật Bản bắt đầu giao thương với Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan và Anh Quốc. Cứ như thế, thông tin về đất nước và con người Nhật Bản được các quốc gia châu Âu biết đến qua các thương nhân và các nhà truyền giáo đạo Cơ đốc.

Mặc dù, trên thực tế, người phương Tây không hề tìm thấy vàng bạc châu báu ở Nhật Bản như tên gọi của nó, song họ vẫn giữ cách gọi vốn đã được lưu truyền hơn 200 năm trước. Có lẽ, những giá trị mà Japan thể hiện với thế giới không chỉ dừng lại ở những giá trị về vật chất mà còn hướng đến các giá trị bền vững về tinh thần. Đó cũng là điều khiến Nhật Bản, trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử và thiên tai, vẫn chứng minh được sức sống tiềm tàng của mình chăng?

Bên cạnh đó, Nhật Bản còn được biết đến như xứ sở của loài hoa anh đào, dù hoa anh đào vẫn nở ở các quốc gia lân cận như Trung Quốc hay Hàn Quốc. Điều này xuất phát từ một lý do liên quan đến sự hình thành và phát triển của Thiền Tông cùng với sự lớn mạnh của tầng lớp võ sĩ (Samurai) trong suốt 700 năm lịch sử (1185 – 1868). Vòng đời của loài hoa rực rỡ này từ khi nở rộ trên cành cho đến lúc rơi rụng chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn ngủi khiến người võ sĩ cảm nhận rõ yếu tố vô thường của đời sống. Họ cảm nhận được chu kỳ sớm nở tối tàn của loài hoa này cũng giống như cuộc sống đầy bất trắc của mình. Thế nhưng, cũng giống như hoa anh đào chấp nhận lìa cành trong lúc đẹp nhất, những võ sĩ Nhật Bản cũng sẵn sàng đón nhận một cái chết kiêu hùng. Vì vậy, tầng lớp võ sĩ đã lựa chọn Sakura – hoa anh đào làm biểu tượng cho đời sống của mình.

Trong dân gian vẫn lưu truyền câu nói “Hana wa sakuragi. Hito wa bushi – 花は桜木人は武士”, được hiểu là “Trong các loài hoa, đẹp nhất là hoa anh đào. Trong nhân gian, không ai bằng võ sĩ” như một minh chứng cho mối liên hệ sâu sắc về nhân sinh quan của người Nhật với thiên nhiên tươi đẹp. Vì vậy, không có gì khó hiểu nếu hoa anh đào trở thành một trong những biểu tượng văn hóa đặc sắc của quốc gia này.