Kho tàng ca kịch nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản thường được nhắc đến với Noh, Kyogen và
Kabuki. Một điều ít người biết đến đó chính là tất cả mọi vai diễn từ già đến trẻ, từ nam
giới đến nữ giới xuất hiện trên sâu khấu Noh, Kyogen và Kabuki hiện nay đều chỉ do nam giới
đảm nhận. Tại sao lại như vậy?
Bài: Quỳnh ĐanẢnh: PIXTAThiết kế: Daisuke
Đầu tiên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về nguồn gốc và đặc điểm nổi trội của 3 loại hình nghệ
thuật sân khấu truyền thống Nhật Bản này.
KỊCH NOH VÀ KYOGEN
Vào thời Nara (710 – 794), cùng với trào lưu du nhập văn hóa Trung Hoa, một loại hình âm nhạc
mang phong cách đại lục có tên là Sangaku (散楽) cũng bắt đầu được biết đến tại Nhật Bản. Cùng với
Nhã nhạc Gagaku (雅楽), Sangaku chủ yếu được trình diễn trong cung đình. Vào khoảng giữa thời
Heian (794 – 1185), Sangaku dần được bản địa hóa và bắt đầu biểu diễn rộng rãi trong xã hội với
cái tên mới là Sarugaku (猿楽). Sarugaku chính là nền tảng của kịch Noh (能) và Kyogen (狂言) sau
này.
KỊCH NOH
Loại hình nghệ thuật mang tính ước lệ và thẩm mỹ cao
Vào thời Muromachi (1336 – 1568), dưới sự bảo trợ của Mạc phủ Ashikaga, nhà soạn kịch Kanami và
con trai của ông, Zeami, kịch Noh từ một môn nghệ thuật vay mượn từ nước ngoài đã dần có những
bước biến chuyển quan trọng để trở thành loại hình nghệ thuật đặc sắc, mang đậm quan niệm thẩm
mỹ u huyền (Yugen) của Nhật Bản. Khi Noh được biểu diễn cùng với Kyogen, nó còn được gọi bằng
một cái tên khác là Nogaku (能楽).
Đến thời Edo (1603 – 1868), Nogaku chính thức được Mạc phủ bảo hộ và trở thành bộ môn nghệ thuật
dành riêng cho tầng lớp quý tộc cầm quyền. Dù vậy, Noh vẫn được các tầng lớp xã hội khác yêu
thích và đón nhận.
Có thể nói, Noh là một loại hình sân khấu kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc, vũ đạo, thơ ca mang
tính ước lệ và thẩm mỹ cao. Nhân vật của kịch Noh được chia thành 3 nhóm: Shite, Waki và Kyogen.
Nhóm Shite gồm có Shite (nhân vật chính), Tsure-shite (hỗ trợ cho Shite). Trong nhiều vở kịch
Noh, Shite xuất hiện ở nửa màn kịch đầu như một người bình thường và nửa màn kịch sau với thân
phận hồn ma. Vì vậy, một nửa thế giới trong kịch Noh là hiện thực và nửa còn lại là thế giới của
linh hồn. Nhóm Shite luôn đeo mặt nạ khi diễn xuất. Nhóm Waki gồm Waki (đối trọng của Shite) và
Tsure-waki (hỗ trợ cho Waki). Nhóm này không đeo mặt nạ và bắt buộc phải do diễn viên nam thủ
vai. Nhóm Kyogen sẽ trình diễn trong thời gian Shite thay trang phục.
Hài kịch Kyogen
Mảnh ghép hoàn hảo cho những vở kịch Noh
Kyogen là những vở hài kịch châm biếm những câu chuyện xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của
người dân với những mô típ điển hình như người hầu và lãnh chúa, những ông chồng lười, những bà
vợ lắm mồm, những chàng võ sĩ ngờ nghệch,... Phần lớn Kyogen được trình diễn như một phần không
thể tách rời với kịch Noh. Nhưng có khi Kyogen vẫn được trình diễn độc lập. Lúc này, sân khấu sẽ
trở thành một nơi để nghệ sĩ giao lưu với khán giả bằng những mẩu chuyện hài hước và những tràng
cười thoải mái. Nghệ sĩ trình diễn Kyogen mặc trang phục đơn giản, đạo cụ thường là một chiếc
quạt xếp. Nét độc đáo và kịch tính của Kyogen chủ yếu được thể hiện qua lời thoại, động tác và
kỹ năng diễn xuất của nghệ sĩ.
Có thể nói, trong một không gian sân khấu bài trí đơn giản hầu như không có sự hỗ trợ về hệ
thống chiếu sáng, Noh và Kyogen là sự kết hợp giữa hai yếu tố đối lập nhưng lại bổ sung và hòa
quyện với nhau. Nếu Noh lột tả tính bi của tuyến nhân vật thượng đẳng thì Kyogen thể hiện tính
hài trong mọi khía cạnh của đời sống dân dã. Nếu Noh là sự hòa quyện của ca vũ kịch trong một
không gian đầy vẻ huyền bí thì Kyogen lại đưa khán giả tạm thời thoát ra khỏi không gian ma mị
của Noh để bước vào bầu không khí hài hước được khai thác từ đời sống hàng ngày. Giá trị mà
Nogaku bao gồm Noh và Kyogen mang đến cho khán giả chính là không gian trầm mặc để mỗi người suy
tư, tưởng tượng. chiêm nghiệm cả nét bi lẫn hài của sân khấu nhưng cũng là lẽ thường của cuộc
sống mà thôi.
Noh và Kyogen
Mảnh đất nghệ thuật chỉ dành riêng cho đàn ông?
Như đa số các quốc gia khác ở cùng thời kỳ (trong đó có thể kể đến Anh Quốc, Ý và Hy Lạp), Nhật
Bản cũng từng ban hành lệnh cấm phụ nữ tham gia vào các hoạt động sân khấu công cộng. Có thể
nói, đây chính là nguyên nhân chủ yếu khiến cho phụ nữ hoàn toàn vắng bóng trong dàn diễn viên
kịch Noh và Kyogen. Tất cả các vai diễn từ già đến trẻ, từ nam giới cho đến nữ giới đều chỉ do
các diễn viên nam đảm nhận. Mizue Mori, một giảng viên đại học về tôn giáo Nhật Bản, đồng thời
từng hoạt động lăm năm trong vai trò một nữ diễn viên kịch Noh nghiệp dư đã giải thích rằng,
trong thời kỳ Edo, các nghệ sĩ nữ trở nên mờ nhạt dần khi giới quý tộc của Mạc phủ Tokugawa
quyết định củng cố quyền lực kiểm soát của cánh đàn ông không chỉ đối với hộ gia đình mà còn đối
với tất cả các lĩnh vực trong xã hội, trong đó có sân khấu kịch Noh.
Ngày nay, mặc dù xã hội Nhật Bản đã xóa bỏ định kiến phân biệt giới tính ở nhiều lĩnh vực, nhưng
đối với một số loại hình nghệ thuật sân khấu lâu đời như Noh và Kyogen, việc tất cả các diễn
viên đều là nam giới dường như đã trở thành một lề luật khó có thể phá bỏ.
KỊCH KABUKI
So với Noh và Kyogen, Kabuki (歌舞伎) ra đời muộn hơn rất nhiều. Lịch sử của loại hình nghệ thuật
này bắt đầu vào những năm đầu của thời Edo (1603 – 1868), khi Noh và Kyogen đã tồn tại trước đó
hơn 300 năm.
Kabuki
Loại hình ca vũ kịch được tạo dựng bởi phụ nữ
Vào năm 1603, khi Izumo no Okuni -– một cô gái trẻ đẹp giúp việc trong đền thờ Thần đạo ở Kyoto
– bắt đầu trình diễn một phong cách vũ kịch mới thì ngay lập tức vũ điệu này được đón nhận rộng
rãi và trở nên nổi tiếng đến mức cô được yêu cầu đến biểu diễn tại cung đình. Có thể nói, Kabuki
ra đời như một trường phái ca vũ kịch mang đậm yếu tố nữ bởi do một phụ nữ sáng tạo và thể hiện.
Cũng chính vì vậy mà những điệu múa trong Kabuki toát lên sự hấp dẫn đầy nhục cảm.
Từ đó, các cô kỹ nữ đã bắt chước các điệu múa trong Kabuki như một trong những kỹ thuật hành
nghề nhằm thu hút đàn ông. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến yếu tố nghệ thuật của Kabuki cũng
như làm cho đạo đức xã hội bị suy đồi. Vì lẽ đó, năm 1629, chính quyền ra quyết định cấm phụ nữ
diễn xuất trong Kabuki cũng như trong bất kỳ một hình thức sân khấu nào khác. Quy định này đã
tạo ra một sự ảnh hưởng lớn đến vai trò của nam diễn viên trên sân khấu của các loai hình nghệ
thuật truyền thống cho đến tận ngày nay. Thay cho diễn viên nữ, các nam diễn viên trẻ bắt đầu
đóng thế vai nữ trên các sân khấu Kabuki.
Tuy nhiên, các vở Kabuki theo xu hướng này vẫn khiến các diễn viên nam trẻ tuổi, đẹp trai trở
thành đối tượng của các khán giả đồng tính nam. Điều này dẫn đến lệnh cấm diễn viên nam trẻ hành
nghề được chính quyền ban hành vào năm 1652. Từ năm 1653 trở đi, các vai diễn trong Kabuki đều
do diễn viên nam ở độ tuổi trung niên đảm nhận. Họ được gọi là Oyama hay Onnagata (女形).
Những bước đi khó khăn trong nghề của phụ nữ dù lệnh cấm đã được gỡ bỏ
Sau hơn 250 năm phụ nữ bị cấm trình diễn Kabuki, vào năm 1879, chính quyền Meiji cuối cùng cũng
đã gỡ bỏ lệnh cấm này. Mặc dù ngay sau đó, một vài đoàn kịch Kabuki cũng bắt đầu thu nạp phụ nữ
vào diễn xuất cho các vai chính, hay thậm chí là sự xuất hiện của một đoàn kịch Kabuki chỉ dành
cho nữ gọi là Ichikawa Kabuki-za, nhưng hành trình để các diễn viên nữ tiến vào thế giới của
Kabuki vẫn luôn đầy rẫy khó khăn. Họ không được xã hội công nhận và cũng phải đối mặt với việc
đối đãi thiếu công bằng trong chính đoàn kịch của mình. Diễn viên nam vẫn được ưu ái và đón nhận
hơn hẳn diễn viên nữ. Trong đoàn kịch, chỉ khi nào diễn viên nam không thể có mặt, hoặc không
còn bất cứ ai dự phòng, thì diễn viên nữ mới được xuất hiện. Cho đến ngày nay, các vai Oyama do
nam diễn viên đảm nhận vẫn đóng vai trò quan trọng trong các vở kịch Kabuki và gần như không thể
thay thế.
TẠM KẾT
Mặc dù vẫn còn tồn tại những vướng mắc về việc phân biệt giới tính, nhưng không thể phủ nhận cả
ba loại hình nghệ thuật này được giữ gìn và bảo tồn đến tận ngày nay chính bởi thông điệp rất
riêng được truyền tải vô cùng tinh tế và sâu sắc. Khi thật sự thấu hiểu chúng, khán giả sẽ cảm
nhận được không gian khơi gợi trí tưởng tượng mà Noh mang đến cùng với những tràng cười sảng
khoái khi nắm bắt được ý đồ châm biếm trong các mẩu chuyện hài của nghệ sĩ Kyogen. Và nếu muốn
ngắm nhìn một sân khấu được bài trí tuyệt đẹp cùng sự diễn xuất tuyệt vời của các diễn viên nam
Oyama, một vài tiếng đồng hồ, có khi là cả ngày cho một vở Kabuki là không hề lãng phí. Quả vậy,
với sự tồn tại và được thừa nhận của Noh, Kyogen, Kabuki, sức sống mãnh liệt của văn hóa truyền
thống một lần nữa lại được chứng minh trong dòng chảy của xã hội hiện đại Nhật Bản.