Bài viết: Anh Đặng Ảnh: PIXTA Thiết Kế: Daisuke
Nhắc đến ẩm thực Nhật Bản, các bạn sẽ nghĩ ngay đến món gì nào? Hầu hết câu trả lời đầu tiên mà mọi người đưa ra là Sushi. Và cái tên tiếp theo mà rất nhiều người nhắc tới đó chính là mì Ramen. Có thể nói, đây là món ăn mà bất cứ tín đồ ẩm thực Nhật Bản nào cũng sẽ không thể bỏ qua. Theo một trang web thống kê ở Nhật, tính đến năm 2018, cả nước Nhật có khoảng 30.599 cửa hàng mì Ramen lớn nhỏ, tức trung bình có khoảng 24 cửa hàng mì Ramen trên 100.000 người. Với mức độ phổ biến như vậy, Ramen được mọi người nghiễm nhiên khẳng định là món ăn quốc hồn quốc túy của Nhật Bản. Tuy nhiên, sự thật là có nhiều dẫn chứng cho thấy đây là một món ăn đến từ Trung Quốc, và nguồn gốc thật sự của mì Ramen cho đến nay vẫn còn là một dấu chấm hỏi lớn...
Mì Ramen là món ăn “hàng quán” phổ biến nhất ở Nhật chứ không phải là Sushi! Tức là hầu hết mọi người đều đi ra ngoài quán bán mì Ramen để ăn mì, chứ hiếm có ai tự nấu mì Ramen truyền thống ở nhà để thưởng thức (tất nhiên nấu mì Ramen ăn liền thì không tính rồi). Một tô mì Ramen nghi ngút khói với các thành phần chính là nước súp, mì sợi, thịt heo, ăn kèm rong biển sấy khô, măng khô và hành lá,... Nghe thì đơn giản, nhưng kỹ thuật làm ra sợi mì và nước dùng để khiến những thực khách khó tính nhất cũng phải ngả mũ thì đó là cả một câu chuyện ẩm thực mang cái tầm và cái cái tâm của những đầu bếp Nhật.
Như đã giới thiệu ở trên, với mật độ cứ 100.000 người là có đến 24 cửa hàng mì Ramen, chúng ta có thể hình dung các cửa hàng mì Ramen ở Nhật cạnh tranh khốc liệt đến mức nào. Không chỉ cố gắng giữ vững chất lượng món ăn để duy trì danh tiếng, những cửa hàng này còn phải thường xuyên tìm tòi ra những phương pháp nâng tầm hương vị để làm phong phú hơn cho món mì quốc dân này. Vậy mì Ramen ra đời từ khi nào, và tại sao nó lại chiếm được cảm tình lớn không chỉ với người Nhật mà còn với cả các thực khách nước ngoài như thế?
Mì Ramen có nguồn gốc từ đâu vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời rõ ràng và chính thức. Theo rất nhiều nguồn tin thì mì Ramen bắt nguồn từ Trung Quốc. Có rất nhiều giả thuyết và câu chuyện xoay quanh nguồn gốc của mì Ramen. Trong đó có 3 câu chuyện được lan truyền nhiều nhất và cũng được đề cập trong cuốn sách “The Untold History of Ramen: How Political Crisis in Japan Spawned a Global Food Craze” của tác giả George Solt.
Câu chuyện thứ nhất là về người được cho là người Nhật đầu tiên ăn mì Ramen – chúa công Tokugawa Mitsukuni. Có một vị học giả người Trung Quốc bị đi đày từ thời Minh tên là Shu Shunsui. Mặc dù không có bất kì ghi chép nào nhắc đến sự tồn tại của những nguyên liệu làm mì Ramen trong số hành lỳ tùy thân của vị học giả này, nhưng lại có nhiều tài liệu cho rằng chính vị học giả đã chỉ cho Tokugawa Mitsukuni cách thêm gia vị vào món súp mì để ăn ngon hơn. Và sau đó nó được lan truyền là món mì Ramen đầu tiên ở Nhật Bản.
Câu chuyện thứ 2 về nguồn gốc của mì Ramen là vào thời kỳ Nhật Bản mở cửa các thành phố cảng. Có rất nhiều người Trung Hoa đã đến và mang theo món mì mà họ gọi tên là “Laa mein”. Món mì sau đó được tương truyền là tổ tiên của món mì Ramen ngày nay mặc dù món mì Tàu ngày ấy rất khác so với phiên bản Ramen mà chúng ta yêu thích hiện nay.
Câu chuyện thứ 3 và cũng được cho là câu chuyện hợp lý nhất. Đó là câu chuyện về một quán ăn tên Rai Rai Ken ở Tokyo năm 1910. Quán ăn này đã thuê những nhân viên đến từ Trung Quốc và họ đã phục vụ một món mì gọi tên là “Shina soba”. Món mì Shina soba được phục vụ với sợi mì cắt đơn giản, thịt heo và vài món ăn kèm cùng nước dùng được làm từ xương heo và muối. Món mì Shina soba (sau này được gọi là Chuka soba) này đã nhanh chóng phổ biến nhờ giá thành rẻ và mức năng lượng nó mang lại cho các công nhân lao động thời bấy giờ. Đầu thời kỳ Showa (trước chiến tranh thế giới lần thứ 2), Ramen trở thành một món ăn rất phổ biến ngoài hàng quán. Có thể nói, chính trong giai đoạn này, Ramen bắt đầu ghi những dấu ấn sâu sắc đầu tiên trong nền văn hóa ẩm thực của Nhật Bản.
Sau chiến tranh thế giới thứ 2 là khoảng thời gian bắt đầu sự thăng trầm của món mì tuyệt vời này.
Bại trận trước Đồng minh, phát xít Nhật tan rã, đẩy nước Nhật vào trong một gian đoạn tăm tối: lương thực thiếu thốn, nạn đói hoành hành khắp nơi. Việc ra ngoài để thưởng thức một tô mì Ramen lúc bấy giờ trở thành xa xỉ. Chính phủ thắt chặt các vấn đề cung cấp thực phẩm, và việc kinh doanh thức ăn kiếm lợi nhuận là việc bị cấm. Bán mì Ramen ở các khu chợ đen trở thành việc bất hợp pháp lúc bấy giờ. Mì ramen lúc này như một món ăn bị “thất sủng” sau khi bị gắn mác “xa xỉ phẩm”.
Nhưng mọi thứ lại thay đổi khi gạo trở nên khan hiếm trên thị trường, các loại bột mì rẻ tiền từ Mỹ nhập về thị trường Nhật rất nhiều. Các sản phẩm làm từ bột mì bắt đầu “làm mưa làm gió” như bánh xếp chiên (gyoza), mì xào (yakisoba) hay bánh xèo (okonomiyaki)…, và dĩ nhiên len lỏi vào đó, những tô mì ramen đã quay lại.
Đặc biệt, từ sau năm 1950, thời kỳ được gọi là “Phép màu Nhật Bản” và là thời kỳ bùng nổ của kinh tế Nhật, Nhật Bản nhận được rất nhiều các công trình, dự án xây dựng. Và số lượng công nhân, thợ hồ cho các công trình này tăng lên chóng mặt. Mì ramen, một lần nữa quay trở lại ngôi vị đỉnh cao của mình, khi trở thành một món ăn tiện lợi được phục vụ nhanh chóng ngoài hàng quán, đem lại nguồn năng lượng đủ đầy cho các công nhân xây dựng công trình.
Sự phát minh ra mì Ramen ăn liền năm 1958 của doanh nhân người Nhật Bản gốc Đài Loan – Ando Momofuku (nhà sáng lập kiêm chủ tịch tập đoàn Nissin Foods) – đã giúp mang món ăn này đến với nhiều người hơn trước. Ý tưởng phát minh ra mì ăn liền đến từ việc chứng kiến người dân phải xếp hàng dài để mua mì ăn trong nạn đói, khiến ông trăn trở, mong muốn làm ra một loại mì có thể chế biến tại nhà một cách nhanh chóng, giúp mọi người vượt qua những lúc thiếu thốn lương thực. Và thành công của vị vua ẩm thực Ando, với sáng chế “mì ăn liền” không những đã giúp “cứu đói” người dân Nhật, mà còn mang tên tuổi của món mì Ramen vươn xa hơn ra khỏi tầm quốc gia. Một lần nữa mì Ramen đã lấy lại vị trí xứng đáng của nó trong lòng người Nhật cũng như chính thức ghi dấu ấn sâu đậm trong lịch sử ẩm thực Nhật Bản.
Bắt đầu từ thập niên 80 đến nay, mì Ramen đã trở thành một biểu tượng văn hóa của Nhật Bản, được nhiều nhà nghiên cứu, nhà phê bình quan tâm và đánh giá trên nhiều gốc độ và phương diện. Năm 1994, Bảo tàng về mì ramen được mở cửa tại Yokohama đã thu hút lượng lớn khách du lịch hàng năm, đến tìm hiểu về món mì này .
Quay ngược lại thời kỳ bắt đầu bùng nổ văn hóa ăn mì Ramen, tức giai đoạn năm 1980. Trong những năm này, có một thế hệ hoàn toàn mới ra đời, đó là những người được sinh ra và lớn lên trong thời kỳ hậu chiến – khi Nhật Bản bắt đầu vươn mình ra hòa nhập với văn hóa phương Tây. Những người thuộc thế hệ này bắt đầu học hỏi để xây dựng một nền ẩm thực khác với trước đây. Các cửa tiệm mì Ramen bắt đầu xuất hiện nhiều hơn, trong một hình ảnh hoàn toàn mới. Từ cách đặt tên quán, cách bài trí cho đến đồng phục của đầu bếp đều được thay đổi. Sự thay da đổi thịt về hình thức cửa tiệm, cộng với những chương trình truyền hình về các đầu bếp Ramen xuất hiện trên tivi thường xuyên thời bấy giờ đã góp phần tạo ra một hiện tượng có một không hai: mọi người trở nên yêu thích việc xếp hàng dài ở một quán mì Ramen nổi tiếng. Thậm chí đi du lịch đến bất kỳ tỉnh thành nào, việc nếm thử mì Ramen địa phương ở đó đã trở thành một xu hướng cực kỳ thịnh hành.
Về phần món mì Ramen, từ tô mì truyền thống lần đầu tiên được phục vụ tại quán Rai Rai Ken năm nào, với các thành phần như: nước súp mì vị soyu, ăn kèm thịt heo xá xíu, chả cá Narutomaki, rong biển và cải bó xôi luộc, cho tới ngày hôm nay đã xuất hiện rất nhiều những hương vị khác nhau.
Các phiên bản biến thể của mì Ramen ở các địa phương đã góp phần tạo nên sắc thái riêng cho món ăn này, xứng đáng với danh hiệu “món mì quốc dân Nhật Bản”. Cùng điểm lại các loại mì Ramen mà người Nhật đã sáng tạo nên sau nhiều thập kỷ nhé. Tổng hợp các loại mì Ramen từ những địa phương, có thể chia mì Ramen thành 7 loại chính:
Các món ăn kèm với các loại mì kể trên cũng thay đổi đa dạng hơn: từ thịt heo xá xíu, thịt gà, hành lá, giá đỗ, menma (măng muối) cho đến rong biển sấy, hạt ngô, wakame, chả cá kamaboko, narutomaki, và còn có cả... phô mai.
Như vậy có thể thấy, từ tô mì Ramen truyền thống có nguồn gốc từ Trung Hoa, người Nhật đã sáng tạo ra rất nhiều các thể loại mì Ramen khác nhau. Từ nước dùng cho đến món ăn kèm cũng được thêm vào nhiều loại mới, dựa trên sở thích và khẩu vị của người dân Nhật ở các vùng miền khác nhau. Sự bắt kịp xu hướng và sáng tạo trong công việc đã giúp người Nhật biến mì Ramen thành một nét văn hóa ẩm thực riêng cho mình, khiến cả thế giới phải công nhận mì Ramen là món ăn biểu tượng của Nhật Bản.
Nếu như có giai đoạn trong quá khứ, mì Ramen từng bị xa lánh vì là một món ăn xa xỉ, thì ngày nay nó đã trở thành một món ăn “quốc dân” với muôn hình vạn trạng các thể loại. Ở Nhật, bạn có thể lựa chọn ăn mì Ramen ăn liền ở nhà, hay chạy ra tiệm mì đầu ngõ xì xụp một bát mì Ramen nóng hôi hổi. Hoặc thậm chí một ngày đẹp trời bạn cũng có thể mời bạn bè đi đến một nhà hàng mì Ramen đạt chuẩn sao Michelin danh giá để thưởng thức.
Trải qua nhiều cột mốc thăng trầm, ngày nay người Nhật có quyền tự hào khi cái tên mì Ramen đã ghi đậm dấu ấn với thực khách thế giới là một món ăn “quốc hồn quốc túy” của Nhật Bản. Phát minh mì ăn liền lấy cảm hứng từ mì Ramen đã giúp mang món ăn này phủ sóng toàn thế giới. Và với phiên bản mì Ramen vũ trụ “Space Ramen”, phát minh cuối cùng của nhà sáng lập Momofuku Ando, đã giúp mang mì Ramen vượt ra khỏi trái đất, trở thành món mì đầu tiên trên thế giới được đem ra ngoài không gian. Với tất cả những thành công to lớn ấy, chúng ta có thể tin rằng sự duy trì và phát triển của mì Ramen sẽ vẫn tiếp tục cùng năm tháng. Bởi mì Ramen không phải đơn giản chỉ là một món ăn mà nó đã trở thành biểu tượng văn hóa với những câu chuyện đầy tính nhân văn đằng sau nó.