Những lá bài Karuta nhỏ nhắn thường được người Nhật chơi cùng gia đình và họ hàng trong dịp đầu năm mới. Được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới qua các bộ phim truyền hình và anime, đâu là sức hút của bộ bài cổ xưa này?
Những lá bài Karuta nhỏ nhắn thường được người Nhật chơi cùng gia đình và họ hàng trong dịp đầu năm mới. Được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới qua các bộ phim truyền hình và anime, đâu là sức hút của bộ bài cổ xưa này?
Nhiều người thường nghĩ Karuta có nguồn gốc từ Nhật Bản, nhưng thực chất, những lá bài này có xuất xứ từ châu Âu, cụ thể là Bồ Đào Nha. Karuta (かるた) được biến âm từ chữ “carta” trong tiếng Bồ, chỉ các loại bài lá. Cách chơi bài lá được du nhập vào Nhật Bản từ giữa thế kỉ 16 bởi một thương nhân người Bồ Đào Nha tên là Francisco Xavie khi ông mang theo bộ bài Tây đến đây. Thời gian trôi qua, những lá bài Tây đã được người Nhật biến tấu và lồng ghép để trở thành bộ bài Karuta như ngày nay.
Karuta ban đầu được lấy cảm hứng từ Kai-Awase (貝合わせ), một trò chơi bắt nguồn từ thời Heian (794 - 1185). Trên các vỏ sò được vẽ những hình ảnh tinh xảo, thường là các bức họa từ tập “Truyện cổ Genji”. Nhiệm vụ của người chơi là tìm ra các cặp vỏ sò có hình ảnh tương ứng với nhau.
Về hình thức, bài Karuta thường có dạng chữ nhật với kích thước nhỏ bằng lòng bàn tay và được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau. Trên mặt các lá bài cũng được vẽ nhiều hình ảnh độc đáo như động vật, hoa lá, những câu thơ, tục ngữ, hay các bức vẽ người Nhật thời xưa. Nếu như các lá bài Tây như J, Q, K có hình ảnh của quý tộc phương Tây trong thế giới cổ đại, ở lá bài Karuta chúng ta sẽ được thấy hình ảnh 100 vị thi nhân nổi tiếng của Nhật Bản.
Karuta khá đa dạng với nhiều biến thể khác nhau, nhưng có 3 loại bài phổ biến nhất là Uta garuta, Iroha karuta và Hanafuda.
Theo phiên âm trong tiếng Nhật, “歌 - Uta” có nghĩa là bài hát hoặc bài thơ cổ, còn “がるた - Garuta” là biến âm của Karuta. Nói cách khác, đây là loại bài ngâm thơ. Trên những lá bài Uta garuta được in các bài thơ trong tập “百人一首 - Hyakunin Isshu” (Bách nhân nhất thủ) hay còn gọi là tập “Thơ trăm nhà”. Đây là tập thơ cổ ra đời vào khoảng năm 1235, là tập hợp 100 bài thơ của 100 nhà thơ khác nhau sống trong khoảng thế kỉ VII đến thế kỉ XII. Tất cả các bài thơ đều được làm theo thể Tanka (Đoản Ca) dài 5 câu với 35 âm tiết. Bởi vậy, đây được coi là loại bài khó chơi nhất vì người chơi phải nhớ tất cả các câu thơ trong 100 bài thơ.
Bộ bài Uta garuta sẽ được chia thành hai bộ nhỏ là “読札 - Yomifuda” (bài đọc), in những bài thơ hoàn chỉnh, hình ảnh và tên tác giả của bài thơ đó; bộ còn lại được gọi là “取り札 - Torifuda” (bài lấy), mỗi lá Torifuda sẽ tương ứng với một lá Yomifuda và in những dòng cuối của mỗi bài thơ. Mỗi bộ nhỏ bao gồm 100 lá bài.
Những người chơi bài sẽ được chia làm 2 nhóm ngồi trên chiếu Tatami. Người điều khiển trò chơi (người ngâm thơ) sẽ giữ trong tay đầy đủ 100 lá bài Yomifuda, còn những lá Torifuda sẽ đặt trước mặt các đấu thủ. Khi một lá Yomifuda được ngâm, người chơi cần nhanh chóng tìm ra thẻ Torifuda có ghi nửa sau của bài thơ tương ứng.
Uta Garuta được người Nhật coi là một môn thi đấu, được tổ chức hàng năm tại Đền Omi Jingu vào mùng 2 Tết. Người chơi sẽ được xếp hạng thi từ A đến D, người đứng đầu sẽ được phong danh hiệu Meijin với nam và Queen với nữ.
Đây là loại bài xuất hiện từ thời Edo (1603 - 1868), thường dùng cho trẻ em chơi. Một bộ bài có tổng cộng 96 lá, trong đó 48 lá in các câu tục ngữ (Yomifuda), các lá còn lại in các hình ảnh kèm một chữ Hiragana ở góc trên cùng (Torifuda).
Luật chơi bộ bài cũng tương tự như Uta garuta, người đọc sẽ cầm bộ Yomifuda gồm 48 lá tục ngữ và phải đọc những gì viết trên đó, trong khi những người xung quanh sẽ phải tìm lá Torifuda tương ứng. Người tìm ra trước sẽ thắng vòng đó và được nhận quân bài. Chung cuộc, người sở hữu nhiều bài nhất sẽ thắng.
Iroha karuta được thiết kế để giúp trẻ em dễ dàng ghi nhớ bảng chữ cái Hiragana.
Hanafuda hay còn gọi là “bài hoa”, là loại bài in các loài hoa, cây cối và động vật tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Mỗi tháng sẽ có 4 lá bài và mỗi lá sẽ được vẽ cách điệu theo đặc trưng của từng mùa. Giống với bài Tây, bài Hanafuda cũng gồm 4 chất là Kasu, Tanzaku, Tane và Hikari.
- Kasu (カス): có nghĩa là
"rác", là lá bài có điểm thấp nhất, chỉ có 1 điểm. Hình ảnh của Kasu thường là cây
hoặc hoa đứng một mình, mỗi tháng sẽ có 2 hoặc 3 lá Kasu.
- Tanzaku (短冊): Tanzaku trong tiếng Nhật có nghĩa là những mảnh giấy nhỏ dài để người ta viết thơ hoặc điều ước lên đó. Tanzaku trong bộ bài Hanafuda có 5 lá, gồm 2 loại là Akatan (赤短) với hình mảnh giấy màu đỏ và Aotan (青短) với hình mảnh giấy màu tím. Mỗi lá bài này là 5 điểm.
- Tane (タネ): những lá bài Tane thường có hình động vật hoặc một đồ vật tượng trưng cho văn hóa Nhật Bản. Tane có tổng cộng 9 lá, mỗi lá giá trị 10 điểm.
- Hikari (光): đây là những lá bài cao điểm nhất với mỗi lá là 20 điểm và mỗi bộ bài Hanafuda sẽ có 5 lá Hikari.
Mỗi ván Hanafuda thường kéo dài 2 – 5 phút và một trận đấu sẽ kéo dài trong 12 ván hoặc ít hơn tùy vào thỏa thuận người chơi. Khi chơi Hanafuda, khác với 2 loại bài còn lại, người được điểm cao hơn sẽ là người chiến thắng. Số điểm được tính dựa vào những lá bài trên tay bạn. Lá bài được đánh ra để bắt các lá bài trên sàn chung, tạo thành các bộ gọi là Yaku (gồm 5 lá bài nhiều điểm). Mỗi Yaku lại tượng trưng cho một số điểm nhất định.
Hanafuda là loại bài phức tạp nhất trong các loại bài Karuta, từ cầu trúc, nét vẽ đến cách chơi. Tuy vậy, loại bài này thường được người Nhật chơi để giảm căng thẳng sau khi làm việc.
Ngày nay, Karuta đã trở nên phổ biến trên các phương tiện truyền thông và được người Nhật xem là một nét văn hóa nhằm thu hút khách quốc tế. Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Karuta được biết đến qua các bộ phim, anime, truyện tranh nổi tiếng như Chihayafuru hay Conan movie 21. Có thể thấy Karuta không chỉ phổ biến đối với người Nhật mà còn cả với người nước ngoài.
Những lá bài Karuta xinh đẹp đã trở thành một trò chơi rèn luyện trí nhớ và là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Nhật.