Thiên đường của Otaku ở Nhật Bản (P1): Akihabara
Du lịch Nhật Bản
Bài: Dương Gia Thịnh
1) Akihabara - 秋葉原
Tọa lạc ở phía đông Tokyo. Akihabara vốn trước đây nổi tiếng là một khu phố điện tử sầm uất. Lý do cho biệt danh “Trái tim của văn hóa Otaku” tại thành phố này, chính là vì sự phát triển của Akihabara cũng tương ứng với sự ra đời của các Otaku.
Sự xuất hiện của các Otaku
Theo Senoo Kenichiro, một trong những người tham gia các dự án phát triển Akihabra suốt hơn 10 năm và là tác giả của nhiều tựa sách nghiên cứu về Akihabara. Ông cho rằng Otaku của năm loại chính: Technology Otaku, Hardware Otaku, Software Otaku, Contents Otaku và Moe-kei Otaku.
Sau thế chiến thứ hai, Akihabara là nơi bán Radio và linh kiện điện tử, sinh ra nhiều người rất thích lắp ráp, mò mẫm và chế tạo các thiết bị điện tử này. Từ đó, chúng ta có Technology Otaku. Sau khi các máy tính cá nhân bắt đầu ra đời vào cuối thập niên 70, đến một thời điểm, phần mềm và phần cứng trở nên tách biệt hoàn toàn. Những người đam mê chế tạo các phần cứng trở thành Hardware Otaku, còn những người thích vọc các phần mềm trở thành Software Otaku.
Và rồi, xuất hiện những người kết hợp phần mềm và phần cứng để tạo ra các nội dung kỹ thuật số. Họ là những người làm về đồ họa, animation hoặc tương tự. Từ đó, chúng ta có Contents Otaku.
Sau đó, cùng với sự phát triển của các nội dung liên quan đến anime, manga, game. Ban đầu những nội dung chỉ ở định dạng 2D. Sau đó dần dần phát triển lên 3D, ví dụ như những mô hình thu nhỏ hay còn gọi là "figure". Xa hơn nữa, phiên bản người thật của những nội dung này hình thành, đó chính là các pop idol hay các hầu gái. Những người yêu mến các nội dung này, chính là Moe-kei Otaku.
Thành phố của những kết nối
Bước khỏi ga Akihabara, thông qua cổng “Khu phố điện tử”, tất cả những du khách đến đây có lẽ đều phải bất ngờ với quang cảnh trước mắt. Dưới nền trời xanh ngắt, rưc rỡ sắc xuân của một buổi chiều cuối tháng tư, là những biển quảng cáo cỡ bự đầy màu sắc vẽ hình các nhân vật anime treo ở khắp các con phố. Khắp các cửa hàng, dù là các cửa hàng chỉ bán các mặt hàng điện tử bình thường hay đồ ăn cũng bật các bài nhạc anime đáng yêu, sôi động. Các bạn nữ dễ thương trong trang phục hầu gái đứng khắp nơi mời gọi khách hàng vào quán nước của mình. Mọi thứ như bừng sáng, đầy sức sống, tương phản một cách dữ dội với khung cảnh yên ả, có phần buồn bã và điêu tàn do suy thoái kinh tế và già hóa dân số gây ra ở các miền quê. Thậm chí, so với cả những khu phố sầm uất như Shibuya hay Ginza, không khí ở Akihabara xem chừng thoải mái và tươi tắn hơn.
Tất nhiên, nơi đây nổi tiếng với những cửa hàng văn hóa 2D, của những pop idol, cà phê hầu gái,… Nhưng điều khiến tôi cảm thấy thú vị hơn cả chính là cái cách mà những người cùng sở thích giao tiếp và kết nối với nhau tại đây.
Bước vào một quán cà phê hầu gái, bạn sẽ được những bạn nữ xinh đẹp mặc đồ hầu gái chào đón bạn và gọi bạn là chủ nhân của họ. Họ sẽ trang trí thức ăn, đồ uống, rồi cùng bạn hô những câu thần chú ma thuật bằng chất giọng cao vút đáng yêu của mình để “phù phép” cho đồ ăn ngon hơn. Họ sẽ chơi game, trò chuyện cùng bạn, thậm chí vào một số thời gian nhất định, họ sẽ hát múa, biểu diễn cho bạn xem.
Và thực chất, do có khá nhiều quán cafe hầu gái, nên họ sẽ tự tạo cho mỗi quán một phong cách riêng.
Ví dụ như quán @Home Cafe sẽ theo phong cách Moe đặc trưng với những nàng hầu mặc váy ngắn, đồng phục đính kèm những chiếc nơ lớn và nhiều phụ kiện khác để tôn lên sự nữ tính. Tên món ăn cũng sẽ cực kỳ dễ thương, chẳng hạn như món nước “Furifuri Shakashaka”, khi chọn món này, thực khách sẽ được lắc và pha nước với các nàng hầu pha chế. Hay món “Pipiyopiyopiyo Piyokosan Rice” – món cơm cuộn trứng được các nàng hầu trang trí theo yêu cầu thực khách bằng tương cà.
Ngược lại, Cure Maid Cafe lại mang trở về những nàng hầu “nguyên bản”. Nghĩa là họ sẽ mặc đúng đồng phục nàng hầu thời Victoria của Anh với những chiếc váy dài đến mắt cá, cùng phong cách phục vụ tao nhã và sang trọng. Các món ăn cũng được phục vụ theo phong cách tiệc trà chiều kiểu Anh với trà và bánh ngọt.
Ngoài ra còn có Akiba Zettai Ryouiki với phong cách cyberpunk, Maiddreamin với phong cách pop idols hay Akiba Guild với phong cách Casino. Nhưng nhìn chung, của tất cả các quán maid cafe đó đều đem lại một sự gần gũi giữa nhân viên và thực khách, thậm chí là những người hoàn toàn xa lại, cũng có thể quen biết nhau tại đây.
Bước ra đến một góc đường khác, là Akihabara Radio Kaikan – một trong những điểm nhấn lâu đời của Akihabara. Toà nhà này được xây từ năm 1962, sau đó được sửa sang lại vào năm 2014. Bên trong là những cửa hàng trưng bày figure các nhân vật anime, manga, game. Nhưng điểm thú vị là có khá nhiều cửa hàng bán đồ đã qua tay. Nghĩa là nếu bạn muốn bán một figure mà mình đã sở hữu hoặc thậm chí là một figure bạn tự làm, tự điều chỉnh, bạn có thể mang tới đây, đặt nó trong những tủ kính, dán giá lên và ai cảm thấy hứng thú sẽ mua nó.
Nếu bạn là một người yêu thích figure hay mô hình Gundam thì có thể đến Kotobukiya, Liberty Akihabara 8, Tamtam Hobby Shop. Nếu người Trung Quốc thích những thứ to lớn hoành tráng, thì người Nhật thích sự nhỏ nhắn nhưng tỉ mỉ. Thật thú vị khi được ngắm nhìn những con Robot được tạo nên bởi những mảnh ghép rất nhỏ mà từ đó, không chỉ theo một mẫu có sẵn, người chơi có thể tự mình tạo ra những phiên bản rất riêng.
Nhưng điều khiến tôi chú ý hơn cả khi dạo bước quanh ở một trong những cửa tiệm ấy, chính là khung cảnh: nép mình một bên những gian hàng đầy ắp và cao ngất, có một chiếc bàn nho nhỏ. Tại đó một người chơi Gundam lâu năm sẽ ngồi tỉ mỉ xếp những mô hình của mình. Những người cùng sở thích có thể lại đó bắt chuyện, cùng làm, cũng như chia sẻ về những kinh nghiệm, mẹo hay để làm ra một mô hình đẹp nhất.
Một nét văn hoá thú vị khác nổi bật ở Akihabara, chính là các pop idols. Cái tên “Akiba Idol” bắt đầu được biết tới từ những năm 1990, gắn liền với hình ảnh ca sĩ Haruko Moimoi biểu diễu trên những tuyến phố ở Akihabara trước khi chính thức thành danh. Trong những buổi diễn của mình, cô cũng khéo léo đưa vào những nét văn hoá otaku. Do đó, cô được mệnh danh là Akiba Idol tiên phong. Sau này, với ý tưởng “Những idol bạn có thể gặp” của nhóm nhạc AKB48, các quán cafe idol hay nhà hát idol lần lượt mọc lên. Tôi đã may mắn được đến và chứng kiến một buổi diễn như vậy ở Akihabara Idol Stage. Tại đó, điều khiến tôi phải tròn mắt ngạc nhiên chính là không chỉ các idol đang biểu diễn đầy sôi động trên sân khấu, mà bên dưới là những khán giả vỗ tay theo điệu nhạc, hô to tên idol mình yêu mến, vung vẫy nhưng cây light stick và nhảy theo họ. Thật thú vị, vì bằng cách này, cả người diễn và khán giả đều cảm thấy có sự kết nối với nhau. Đó là một sự giao tiếp không thông qua lời nói.
Tất cả dường như bứt mình ra khỏi cái xã hội căng thẳng và khó thở ngoài kia. Ở đây, thông qua những cách giao tiếp độc đáo, những người cùng sở thích tìm thấy nhau và dễ gần gũi với nhau hơn.
Thật nhiều mộng mơ và cũng thật nhiều hi vọng
Mặt trời dần buông, đã đến lúc tôi rời xa khỏi những con phố nhộn nhịp ở Akihabara để trở về vùng quê yên tĩnh mà tôi đang sống. Trên đường ra ga, tôi gặp một nhóm những bạn trẻ Cosplay đi dạo phố. Bất chợt, tôi mỉm cười, rồi tôi nhớ lại những tin tức mà tôi từng đọc về một ông lão chuyên mặc đồng phục nữ sinh hay hình ảnh các ông cơ bắp lực điền mặc chiếc váy ngắn của nhân vật họ yêu thích. Quả nhiên, Akihabara là nơi mọi người có thể thoái mái bộc lộ những sở thích một cách công khai mà không bị phán xét gì, bất chấp có vẻ hơi kỳ hoặc so với số đông đi nữa.
Đúng với những nhận xét được nêu ra trong phim tài liệu “Tokyo Idol” của đạo diễn Miyake Kyoko: “Akihabara giống như một cái phòng ngủ dành cho các Otaku”. Là phòng ngủ của họ thì họ có thể thoái mái làm bất cứ thứ gì mình thích và thoải mái mơ. Trong những giấc mơ đó họ được sống trong một thế giới khác, được trở thành một con người khác, được sống khác đi, được tạm thời rời khỏi thực tại có lẽ không hề tốt đẹp gì. Dù rằng giấc mơ nào cũng chỉ là tạm thời và họ phải tỉnh giấc. Nhưng thật nhiều giấc mơ thì cũng thật nhiều hi vọng. Mà hi vọng là tài sản quý giá nhất của loài người.
kilala.vn