"Cây cô đơn": biểu tượng tinh thần mạnh mẽ của người Nhật
Du lịch Nhật Bản
Bài: Natsume
Sau trận sóng thần năm 2011, khoảng 70.000 cây thông bên bờ biển Takata Matsubara đã bị cuốn trôi, chỉ còn một cây thông vẫn vững chãi đứng đó như tiếp thêm hi vọng cho người dân nơi đây.
Trước trận sóng thần, dải bờ biển Takata Matsubara nằm ở thành phố Rikuzentakata, tỉnh Iwate là địa danh thu hút khách du lịch nhờ vào 70.000 cây thông tỏa bóng tuyệt đẹp. Nơi đây từng lọt vào bảng xếp hạng 100 cảnh quan hàng đầu của Nhật Bản. Tuy nhiên, sau thảm họa kép lịch sử vào năm 2011, hầu hết mọi thứ ở nơi đây đều bị cuốn trôi, bao gồm những rặng thông, khoảng 90% bãi biến cũng biến mất do sụt lún từ trận động đất. Tuy nhiên, bằng một cách thần kì nào đó, có một cây thông còn trụ vững và được đặt tên là “Miracle Pine” – cây thông kì diệu đơn độc trên bờ biển.
Cây
thông kỳ diệu hơn 200 năm tuổi, cao 27m này đã trở thành biểu tượng cho
sự kiện cường và bền bỉ của người dân nơi đây. Tuy nhiên, do nhiễm độc
muối, nó đã không thể sống sau 18 tháng. Các chuyên gia đã tìm cách bảo
tồn cây bằng cách chèn khung xương kim loại vào gốc, thêm các cành
và lá làm từ nhựa tổng hợp. Hằng đêm, cây sẽ được thắp sáng như một cách
tưởng nhớ đến những người quá cố.
Ngày nay, “Miracle Pine” là một phần của Công viên Tưởng niệm dọc theo bờ sông của thành phố, phía trong là Đài tưởng niệm sóng thần Iwate, đã bắt đầu mở cửa tham quan vào tháng 9 năm 2019.
Rikuzentakata ở phía Nam tỉnh Iwate là một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi trận sóng thần năm 2011. Trung tâm thành phố gần như bị xóa sổ khỏi bản đồ khi những con sóng cao 13m cuốn trôi phần lớn nhà cửa. Ngày nay, độ cao của trung tâm thành phố cũ đã được nâng lên hơn 10m và các nỗ lực tái thiết vẫn đang được tiến hành.
Ước tính, thảm họa đã làm 1.700 người chết, khoảng 30 trẻ dưới 16 tuổi tại thời điểm đó trở thành trẻ mồ côi, khoảng 150 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ. “Đối với chúng tôi, những người sống sót sau thảm họa, sự tồn tại của cây thông này đã tiếp thêm sức mạnh và hi vọng để chúng tôi có thể sống tiếp”, thị trưởng của Rikuzentakata – ông Futoshi Toba, người có vợ bị thiệt mạng trong trận sóng thần, chia sẻ.
Sau thảm họa, việc khôi phục lại thành phố cũng như rừng thông đã được chính quyền tỉnh Iwate và thành phố Rikuzentakata tiến hành nhờ vào hạt giống của những cây thông cũ được thu thập bởi một người phụ nữ ở thị trấn lân cận một năm trước trận sóng thần. Mục tiêu của họ là trồng 40.000 cây thông trong khu vực. Ông Katsuji Chida, phó trưởng nhóm, cho biết: “Chúng tôi muốn truyền lại những rặng thông như một báu vật của người dân địa phương”.
Xem thêm: Đồng hồ bị hỏng trong vụ 3.11 hoạt động trở lại sau 10 năm
Hướng dẫn đến "Miracle Pine":
- Bằng tàu: Từ ga Ichinoseki, đi tuyến JR Ofunato đến Kesennuma và đổi sang xe buýt JR đến Rikuzentakata. Tại Rikuzentakata, xe buýt JR dừng tại trạm Kiseki no Ipponmatsu bên cạnh Đài tưởng niệm sóng thần Iwate và tại trạm Rikuzentakata ở trung tâm thành phố.
- Bằng xe bus: Iwateken Kotsu vận hành các chuyến xe buýt không thường xuyên giữa Ichinoseki (Ga Ichinoseki) và Ofunato, dừng ở Rikuzentakata trên đường đi. Tại đây, xe dừng tại trạm Rikuzentakata ở trung tâm thành phố.
kilala.vn
Takata Matsubara (高田 松原) là một khu rừng thông nằm trên bờ biển Thái Bình Dương của thành phố Rikuzentakata, tỉnh Iwate, Nhật Bản. Nơi đây gồm 6.200 cây thông đỏ Nhật Bản được trồng bởi thương nhân địa phương Kanno Mokunosuke vào năm 1667, với dự định tạo thành một bức tường biển sống để bảo vệ làng khỏi gió to, triều cường và sóng thần. Rừng thông đã được mở rộng vào thời Kyoho (1716-1736) bởi con trai ông là Shichizaemon và cháu trai Hachisaburo với 70.000 cây, là sự kết hợp của thông đỏ và thông đen Nhật Bản dọc theo bãi biển kéo dài 2km.
Khu vực này đã được ca ngợi vì vẻ đẹp tuyệt vời và trở thành một phần của Công viên Quốc gia Rikuchu Kaigan vào năm 1964, thu hút hàng nghìn du khách mỗi năm.
Takata Matsubara trước khi bị tàn phá đã cứu người dân nơi đây khỏi sóng thần do trận động đất Sanriku năm 1896, trận động đất Sanriku năm 1933 và trận động đất Valdivia năm 1960. Tuy nhiên, trong trận động đất và sóng thần Tohoku năm 2011, gần như toàn bộ khu rừng đã bị cuốn trôi hoàn toàn, ngoại trừ một cây thông duy nhất.