Tương lai của ngành Khoa học Xã hội ở Nhật
Du học Nhật Bản
NGUYÊN GIANG tổng hợp. Ảnh: PIXTA
Gần một nửa trong số 60 trường đại học quốc gia Nhật Bản có kế hoạch bãi bỏ ngành khoa học xã hội và nhân văn bắt đầu từ năm học 2016 hoặc sau đó, theo cuộc khảo sát do tờ Yomiuri Shimbun thực hiện với hiệu trưởng của các trường đại học.
Cụ thể, 26 trường đã có kế hoạch bãi bỏ các phòng ban đào tạo ngành học này và ngừng tuyển sinh với tổng số ít nhất 1.300 chỉ tiêu, chủ yếu là ở các ngành đào tạo giảng viên. Một phần trong số các chỉ tiêu bị trống sẽ được phân bổ cho các ngành mới thành lập. Cuộc khảo sát được cho là đã nêu bật làn sóng cải cách sâu rộng đối với toàn bộ ngành khoa học xã hội và nhân văn ở Nhật Bản.
Bãi bỏ hay chuyển đổi?
Trong tháng 6 vừa qua, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản đã gửi một thông cáo đến các trường đại học nhằm kêu gọi bãi bỏ ngành khoa học xã hội và nhân văn hoặc chuyển đổi sang các lĩnh vực khác.
Các ngành dự định loại bỏ hoặc chuyển đổi bao gồm Luật, Kinh tế và các ngành đào tạo giảng viên, cả ở cấp độ đại học và sau đại học.
Tờ Yomiuri Shimbun đã tiến hành cuộc khảo sát với hiệu trưởng của tất cả 86 trường đại học quốc gia trên toàn quốc để thăm dò về phản ứng với thông cáo của Bộ Giáo dục cũng như kế hoạch cải cách của họ kể từ cuối tháng 7. Có 81 trường đại học đã gửi phản hồi.
Nhiều trường có kế hoạch bãi bỏ các khóa học "không chứng chỉ" - không đòi hỏi sinh viên phải đạt được chứng chỉ giảng dạy trong ngành đào tạo giảng viên - và phân bổ hạn ngạch hiện tại cho các khoa mới được thành lập.
Đại học Fukui đã quyết định không tuyển sinh cho năm học 2016 về khoa học khu vực, là khóa học không có chứng chỉ thuộc ngành nghiên cứu giáo dục và khu vực. Hạn ngạch 60 sinh viên của khóa học này sẽ được phân bổ cho một ngành mới về nghiên cứu quốc tế và khu vực.
Đại học Shinshu thì có kế hoạch ngừng tuyển sinh cho hai khóa học đào tạo giảng viên, và chuyển đổi khoa kinh tế học hiện nay sang một ngành nghiên cứu về kinh tế và luật.
Các trường đại học Nhật Bản hiện đang bị buộc phải xem xét lại nền tảng tổ chức của họ một cách triệt để, chủ yếu là do tỷ lệ sinh giảm và sự cạnh tranh quốc tế gay gắt giữa các trường đại học.
So với sự sáng tạo của các ngành công nghiệp mới và sự đổi mới công nghệ bắt nguồn từ các nghiên cứu khoa học và công nghệ thì khoa học xã hội và nhân văn gặp nhiều khó khăn hơn để chứng minh thành quả hữu hình của mình.
Nhiều doanh nghiệp đã chỉ trích các trường đại học về việc không bồi dưỡng những kỹ năng thực tế cho sinh viên, làm họ gặp nhiều khó khăn hơn trong công việc sau khi tốt nghiệp.
Ý kiến chia rẽ
Theo kết quả khảo sát thì phản ứng của các trường đại học đối với thông cáo của Bộ Giáo dục bao gồm cả ủng hộ lẫn chỉ trích.
Đại học Niigata cho biết: “Nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn rất quan trọng cho một nền giáo dục đại học, nhưng nó cần được xem xét lại để đảm bảo chất lượng".
Tuy nhiên, Đại học Shiga thì cho rằng: "Nền dân chủ không thể được bảo tồn nếu ‘kiến thức trí tuệ' của khoa học xã hội và nhân văn bị gạt sang một bên".
Những trường đại học bao gồm Đại học Tokyo, Đại học Kyoto và một số trường chuyên ngành như Đại học Thương mại Otaru không có kế hoạch bãi bỏ hoặc thay đổi cơ cấu tổ chức. Một số trường khác thì cho biết là vẫn chưa thể quyết định hoặc đang cân nhắc.
Thông cáo cũng kêu gọi mỗi trường đại học tự lựa chọn một trong ba mục tiêu trong tương lai - đóng góp khu vực, chuyên ngành, và đạt tiêu chuẩn giáo dục toàn cầu - nhằm nhận được sự hỗ trợ tài chính của Bộ Giáo dục từ năm học 2016 trở đi.
Trong số 86 trường tham gia cuộc khảo sát, có 56 trường chọn “Đóng góp khu vực”, 12 chọn “Chuyên ngành”, và 15 trường chọn “Đạt tiêu chuẩn toàn cầu”.