Ở Nhật, không thể vừa đạp xe đèo nhau vừa ôm eo?
Du học Nhật Bản
Bài & Ảnh: Chibi Lê (25 tuổi, Cựu du học sinh Đại học Wakayama)
Hôm đó là ngày 30/12, mình và nhóm bạn cùng nhau đạp xe đến nhà người quen để ăn mừng tất niên. Khi tàn tiệc thì cũng đã gần nửa đêm rồi. Lúc ấy trong nhóm có một bạn nữ nhà ở gần đấy nên định cuốc bộ về, nhưng mọi người không cho vì đêm khuya đường sá khá vắng vẻ. Thế là mình xung phong đèo bạn về. Ở Nhật, phương tiện di chuyển chủ yếu của du học sinh tụi mình và cả học sinh - sinh viên người Nhật là xe đạp, và là loại mà người miền Nam thường gọi là “xe đạp mini”, có yên phía sau và cái giỏ ở phía trước. Mình cứ thế mà thản nhiên đèo bạn nữ ấy về thôi, xe mình có yên mà.
Lúc đến con dốc ngay trước nhà bạn ấy thì bỗng dưng có 2 chú cảnh sát ngoắc mình vào. Tụi mình sợ xanh cả mặt, líu ríu xuống xe rồi tấp vào lề. Sau khi biết tụi mình là du học sinh, chú cảnh sát hỏi đến tên trường rồi địa chỉ nhà. Nghe đến “tên trường”, mình còn hoảng hơn nữa vì cứ sợ sở cảnh sát báo về trường biết thì mình sẽ bị kỷ luật. Thấy mình hốt hoảng quá, các chú ấy mới giải thích rằng, ở Nhật việc đèo nhau bằng xe đạp là vi phạm luật giao thông. Mặc dù xe có yên nhưng chỉ được dùng để chở hành lý, đồ đạc mà thôi. Sau đó mình mới vỡ lẽ, đúng là qua Nhật đã lâu nhưng mình chưa thấy người Nhật nào đèo nhau bằng xe đạp bao giờ. Những bà mẹ chở em bé nhỏ thì gắn hẳn một cái ghế ngồi chuyên dụng. Sau khi giải thích thì các chú ấy cho tụi mình đi và còn nói là chỉ nhắc nhở thôi chứ không báo về trường đâu, nhưng lần sau không được vi phạm nữa. Tụi mình mừng hết lớn, vâng vâng dạ dạ rồi 2 đứa dắt xe… cuốc bộ về nhà luôn.
Ngoài chuyện không được sử dụng cái yên xe để chở… người, còn một số quy tắc khác khi sử dụng xe đạp ở Nhật mà các bạn nên biết, như phải bật đèn khi di chuyển vào ban đêm. Đèn này được gắn sẵn ở bánh xe, nếu đèn xe bạn bị hư hoặc bị rơi mất thì phải mua lại cái mới gắn thay vào. Và dù xe đạp nào cũng có một cái chuông nhưng bạn không được phép sử dụng trong khu dân cư để… tránh gây ồn.