Học bổng báo Asahi – cơ hội và thách thức
Du học Nhật Bản
Bài: Đinh Thị Huệ
Ảnh: PIXTA
Những năm gần đây, trong dòng chảy ngày càng mãnh liệt của xu thế du học Nhật Bản, rất nhiều chương trình học bổng nổi lên, tạo ra nhiều cơ hội cho các bạn trẻ Việt Nam đến gần hơn với con đường du học. Một trong số đó phải kể đến học bổng báo Asahi – một trong những chương trình học bổng tư nhân lâu năm nhất cho DHS Việt Nam.
Quỹ học bổng Asahi – đơn vị sáng lập nên Chương trình du học học bổng báo Asahi – có lịch sử hơn 50 năm với khoảng 94.000 sinh viên đã tốt nghiệp. Đây là Quỹ học bổng nổi tiếng tại Nhật Bản, hỗ trợ những học sinh sinh viên nghèo vươn lên trong học tập. Ở Việt Nam, đây cũng là quỹ học bổng được rất nhiều người biết đến, nhưng cũng có nhiều ý kiến trái chiều về chương trình học bổng này. Tại sao lại như vậy?
Thời gian biểu của du học sinh học bổng báo
Bạn H.M.Toàn (Bắc Giang) – cựu du học sinh (DHS) từng làm tại một tiệm báo Asahi ở tỉnh Kanagawa chia sẻ: “DHS học bổng báo chỉ học được ca sáng chứ không học ca chiều, vì đặc thù của phát báo là có báo sáng và báo chiều. Báo sáng sẽ phát từ 4 – 6 giờ, báo chiều từ 15 – 17 giờ. Thời gian đầu chưa quen việc, chưa quen đường và chưa nhớ hết được những nhà cần phát thì mất đến 5 – 6 tiếng cho một ca phát. Nhưng sau này quen rồi thì tốc độ càng ngày càng nhanh”.
Tùy thuộc vào từng tiệm báo và khu vực phát báo mà thời gian làm của các bạn khác nhau. Nhưng về cơ bản, 1 ngày của một DHS học bổng báo như sau:
+ 3h: thức dậy, đến tiệm sắp xếp báo và tờ rơi báo sáng
+ 3h30 – 6h30: phát báo sáng
+ 9h – 13h: học ở trường
+ 13h – 15h: nghỉ trưa
+ 15h: đến tiệm sắp xếp báo chiều
+ 15h30 – 17h: phát báo chiều
+ 17h30: về nhà
+ 19h – 22h: học bài
+ 22h: đi ngủ
“Nghe thì thấy rất vất vả nhưng thực ra so với các bạn DHS tự túc đi làm thêm ở các quán ăn, cửa hàng tiện lợi, xưởng sản xuất… em thấy còn đỡ mệt hơn. Bọn em không phải lo toan tiền bạc vì có Quỹ học bổng trả học phí và ký túc xá cho hết rồi. Về mặt bằng chung, DHS phát báo bọn em học hành khá ổn, học 1 năm có thể lấy N2. Các bạn thi đậu đại học quốc lập, công lập cũng nhiều lắm.” – N.N.Mai (Điện Biên) một bạn nữ khóa tháng 10/2014 từng làm cho một tiệm Asahi tại Tokyo tâm sự.
Cơ hội cho những bạn trẻ hiếu học
Đi du học theo học bổng báo Asahi, học sinh sẽ được Quỹ học bổng chi trả toàn bộ học phí và ký túc xá, được làm thêm ở tiệm báo với mức lương trung bình từ 80.000 – 90.000 yên. Sau khi trừ sinh hoạt phí, các bạn hoàn toàn đủ khả năng tiết kiệm được khoảng 60.000 yên/tháng. Nếu học tại trường tiếng Nhật từ 1 năm rưỡi đến 2 năm, số tiền bạn tiết kiệm được sẽ còn lớn hơn nữa, đủ để thoải mái chi trả các chi phí cần thiết khi bạn học lên đại học, chuyên môn kể cả các trường tư lập học phí cao. Chưa kể, khi lên Đại học, cao đẳng, các bạn vẫn có cơ hội tiếp tục nhận học bổng báo Asahi. Vì vậy, có thể nói, học bổng báo Asahi nói riêng và các học bổng tư nhân của Nhật nói chung là cơ hội tuyệt với các bạn nên nắm bắt để thực hiện ước mơ du học của mình.
DHS học bổng báo và những thách thức
Thách thức đầu tiên các bạn phải đối mặt là vòng phỏng vấn khắt khe của Quỹ học bổng Asahi. Tiếp đó, các bạn sẽ phải học luật giao thông để thi lấy bằng lái xe máy tại Nhật. Sau khi sang Nhật, các bạn sẽ ngay lập tức được vào học tập trung để ôn thi bằng lái. Sau khi đỗ bằng lái, các bạn mới được tiếp nhận công việc phát báo.
Thời gian đầu tiên đảo lộn giờ giấc khiến nhiều bạn chưa quen ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ và đồng hồ sinh học. Đồng thời, việc chạy bộ và leo cầu thang bộ để phát báo đền từng nhà trong chung cư cũng sẽ cũng khiến các bạn dễ gặp các vấn đề về cơ bắp và xương khớp. Ngoài ra, bạn phải đối mặt với những ngày thời tiết xấu.
“Những ngày mưa hay tuyết đi phát báo thì “phê” lắm. Bình thường phát 3 tiếng thì ngày tuyết khéo khi phải 6 tiếng. Trơn trượt ngã xe, ướt báo phải về tiệm lấy lại là chuyện bình thưởng. Những ngày tuyết lớn, mình còn phải quấn xích vào bánh xe để chạy cho khỏi trơn.” – Đ.K.Hoàn (Nam Định) DHS Nhật khóa tháng 7/2003 kể lại.
“Phát báo có một cái khó nữa là khó xin nghỉ. Mỗi tuần bọn mình sẽ được nghỉ 1 ngày. Chủ nhật và ngày lễ thì được nghỉ báo chiều. Nhưng muốn nghỉ dài để đi du lịch hay thăm bạn bè thì cũng khó vì báo thì ngày nào cũng có. Mình nghỉ thì đồng nghiệp lại phải cố cả phần của mình nữa. Tuy nhiên, nghề này cũng mang đến nhiều niềm vui cho mình. Chẳng hạn như mình hay được mấy cụ già sống một mình bắt chuyện và cho quà. Mỗi khi thấy báo trong thùng thư nhà cụ được lấy rồi là yên tâm cụ vẫn khỏe và bình yên. Nhiều khi những việc nhỏ nhỏ thế thôi mà thấy có động lực để cố gắng.” – T.T.Anh (Nam Định) du học sinh kỳ tháng 4/2012 từng làm ở một tiệm Asahi tại Tokyo chia sẻ.
kilala.vn