DHS Thu Trang: “Ở Nhật, tôi tìm thấy gia đình thứ hai"
Du học Nagasaki
Bài: Inako/ Ảnh: nhân vật cung cấp
“Em rất buồn khi nghĩ mình sắp phải rời xa nơi này, vì ở đây có những người thương em như con, mong em thành đạt và chờ đợi em trở về” - cô sinh viên năm 4 của trường Đại học Quốc tế Nagasaki xúc động chia sẻ.
Cô gái nghèo đến Nhật nhờ chữ “duyên”
Có một câu nói của Trang khiến tôi ấn tượng về em ngay từ những phút trò chuyện đầu tiên, đó là từ khi đến Nhật, em bắt đầu tin vào chữ “duyên”. Cách đây 4 năm, khi vẫn còn là một cô học sinh cấp 3 ở miền quê Hà Nam nghèo khó, thành tích học tập không quá xuất sắc và cũng không đủ khả năng tài chính để theo học đại học, tình cờ biết được trường Nhật ngữ Đông Du đang chiêu sinh để đưa học sinh sang Nhật học tập, Trang liền nộp đơn ứng tuyển vào những ngày cuối cùng của hạn nộp hồ sơ.
Bên cạnh kì sát hạch với cách thức ra đề tương tự như tuyển sinh đại học, Trang cùng các thí sinh khác phải tham dự một kì phỏng vấn vô cùng căng thẳng và gắt gao. Kết quả được công bố ngay trong buổi chiều hôm đó, và may mắn đã mỉm cười với Trang khi em nằm trong danh sách được chọn. Với sự hỗ trợ của trường Đông Du, em học tiếng Nhật tại đây khoảng nửa năm thì được bảo lãnh sang Nhật để học nghề nấu ăn tại trường Cao đẳng Nagasaki.
Sau 2 năm học tập và tốt nghiệp Cao đẳng Nagasaki, cuộc đời Trang có một ngả rẽ mới bởi vào thời điểm đó, tìm một công việc liên quan đến nấu ăn tại Nhật khá khó khăn. Em cũng không có đủ khả năng tài chính để học lên trường chuyên về dinh dưỡng ở một tỉnh thành khác, trong khi đó hai trường Cao đẳng Nagasaki và Đại học Quốc tế Nagasaki lại thuộc cùng hệ thống trường tư nên nếu liên thông lên sẽ được miễn 250,000 yên tiền nhập học (khoảng 50 triệu VND). Vì lẽ đó, Trang quyết định liên thông vào ngành chuyên ngôn ngữ thuộc khoa Xã hội nhân văn tại trường Đại học Quốc tế Nagasaki để trau dồi thêm khả năng ngôn ngữ của mình.
Sau 1 năm học tập, vào cuối tháng 5 năm nay Trang đã nhận được thông báo trúng tuyển vị trí phiên dịch viên cho một công ty quản lí tu nghiệp sinh tại tỉnh Yamaguchi có phân xưởng tại Việt Nam, có thể bắt đầu công việc vào tháng 4 năm sau và dự tính sẽ ở lại Nhật làm việc trong vòng 5 năm nữa. Khi chia sẻ về quyết định ở lại Nhật dù biết rõ rằng chế độ làm việc tại các doanh nghiệp Nhật vô cùng “khó thở”, Trang cho biết mình không ngại cực khổ vì cho rằng “công việc nào cũng có cái khổ của nó”, và hơn hết em luôn cảm thấy mình có một sự “hòa hợp” nhất định với nước Nhật – điều đã khiến em có thể thích nghi với cuộc sống tại đây một cách dễ dàng ngay từ những ngày đầu tiên.
"Nagasaki giống như quê hương thứ hai"
Kể về cuộc sống của mình tại Nagasaki trong hơn 3 năm rưỡi qua, Trang cho rằng mình là một người “may mắn” khi xung quanh luôn có những thầy cô, đồng nghiệp, bạn bè tốt bụng bảo ban, giúp đỡ: “Do lứa của em là lứa du học sinh đầu tiên của trường Cao đẳng Nagasaki nên được thầy cô đối đãi rất tận tình. Lúc mới sang, tụi em được thầy cô lên đến tận sân bay đón, sau đó được ăn cơm ở trường, dẫn đi tham quan, hướng dẫn làm giấy tờ…”.
Trang kể thêm về bạn bè người Nhật của mình: “Trong suốt năm học đầu tiên, du học sinh và người Nhật chỉ được học chung các giờ thực hành, thời gian còn lại tụi em phải học tại lớp tiếng Nhật riêng. Đến kì nghỉ hè tụi em cũng không được nghỉ mà phải lên trường học kiến thức chuyên môn theo giáo trình riêng do nhà trường biên soạn. Sang năm 2 thì tất cả sinh viên đều được học chung với nhau, cứ thứ 6 cách tuần cả lớp lại được cho đi nông trại để trồng cây, trồng rau nên nhờ đó em mới có nhiều cơ hội tiếp xúc với các bạn người Nhật hơn”.
“Người Nhật có nhiều người khá ít nói, như hàng xóm ở khu nhà em trọ trong 2 năm đầu đều là người Nhật nhưng ít khi nào giao du với nhau, có gặp cũng chỉ chào hỏi đơn giản. Nhưng bên cạnh đó em cũng quen biết với nhiều người bản địa vui vẻ, cởi mở nên dần dần cũng hòa nhập được với cộng đồng ở đây” – Trang vui vẻ nhận xét.
“Nếu được chọn lại, em vẫn muốn chọn Nagasaki” là câu nói từ Trang khiến tôi cảm nhận được những tình cảm chân thành của em dành cho vùng đất này. “Các sempai của em đều nói sống ở Nagasaki vất vả hơn ở các vùng khác rất nhiều vì nơi này có nhiều khu du lịch nên vật giá khá cao trong khi lương lại không cao. Em lại quan niệm chính bởi hiện tại mình đang ở tận cùng của sự vất vả nên mai này dù có khó khăn thế nào chắc chắn mình đều có thể vượt qua được. Hơn nữa so với những thành phố lớn như Tokyo, em vẫn yêu mến Nagasaki hơn bởi cuộc sống ở nơi này rất yên bình, không ào ạt, xô bồ”.
Đặc biệt, Trang dành cho nơi mình đã gắn bó làm việc trong suốt 3 năm 2 tháng qua, một công ty chuyên về sushi, một tình cảm vô cùng nồng hậu. Tại đây, cô gái quê gốc Hà Nam vốn thiếu thốn tình thương của cha từ thuở lọt lòng mẹ đã kết thân được một chị gái đồng nghiệp người Nhật có hoàn cảnh tương tự như mình, “lúc nào cũng làm chung, ăn chung, đi chơi chung và hiểu ý nhau đến mức chỉ nháy mắt cũng hiểu người kia muốn nói gì”; được các đồng nghiệp lớn tuổi và các khách hàng quen yêu quý, tặng quà bánh và chở về nhà mỗi cuối tuần…
Nhẩm tính chỉ còn 3 tháng lưu lại Nagasaki, Trang xúc động chia sẻ: “Khoảng thời gian sống ở đây chỉ thấy mỗi ngày trôi qua một cách bình thường, còn mong mau chóng được tốt nghiệp thôi. Nhưng đến lúc sắp phải chia xa thì lại thấy nuối tiếc, vì chưa có nơi đâu lại tạo cho em nhiều tình cảm như Nagasaki này. Đối với em, nơi đây giống như quê hương thứ hai của mình vậy. Em rất buồn khi nghĩ mình sắp phải rời xa Nagasaki và nơi làm thêm hiện tại, vì em biết ở đây luôn có những người thương em như con, mong em thành đạt và chờ đợi em trở về”.
Thưởng thức tác phẩm của Thu Trang tại Cao đẳng Nagasaki:
Tìm hiểu thêm về các trường đại học tại Nagasaki: nagasaki.kilala.vn/university.html
Inako/ kilala.vn