Thú vị khay tiền lẻ “free” tại cửa hàng Nhật ở quận 1
Kinh doanh Nhật Bản
Bài: Phương Anh, Ảnh: Plus Mainichi
Cửa hàng Nhật Bản Plus Mainichi (88 Mạc Thị Bưởi, phường Bến Nghé, quận 1) khiến nhiều khách hàng ngỡ ngàng khi có một khay tiền lẻ để khách hàng lấy miễn phí.
“Cứ tự nhiên, Mỗi người 1 lần tối đa 500đ thôi nhé”
Từ giữa tháng 5, khay tiền lẻ xuất hiện ở ngay quầy tính tiền của cửa hàng Plus Mainichi khiến nhiều khách bất ngờ xen lẫn thú vị.
(Ảnh: Plus Mainichi)
Đừng tưởng rằng tiền lẻ không quan trọng! Bạn đã gặp phải trường hợp phải gửi xe hay trả một món đồ có giá lẻ mà chỉ còn tiền có mệnh giá lớn như 200.000, 500.000 đồng? Khi ấy, bạn phải đổi tiền với bạn bè hoặc chấp nhận bị người giữ xe hay người bán hàng “nhìn với ánh mắt viên đạn”.
Một trường hợp khác, mỗi lần đi mua sắm ở cửa hàng, siêu thị... số tiền thanh toán thường hay có số tiền phía sau (mấy trăm đồng gì đó...), do không có tiền lẻ nên bạn buộc phải đưa tiền chẵn và thay vì được thối 500 đồng thì nhân viên lại thối bạn… một viên kẹo dù bạn không thích!
Để tránh trường hợp khiến khách hàng không hài lòng từ việc nhỏ nhất, quản lí cửa hàng đã nghĩ ra cách để một khay tiền 500 đồng, 200 đồng ở quầy thu nhân để khách có thể dễ dàng lấy khi cần. (Ảnh: Plus Mainichi)
Một góc không gian bán sản phẩm văn phòng phẩm, đồ lưu niệm của cửa hàng Plus Mainichi. (Ảnh: Plus Mainichi)
Cửa hàng bán nhiều loại thực phẩm, mĩ phẩm, sản phẩm gia dụng,... từ Nhật Bản. (Ảnh: Plus Mainichi)
Câu chuyện về Văn hoá tiền lẻ ở Nhật
Được biết, ý tưởng này của cửa hàng xuất phát từ Văn hoá tiền lẻ ở Nhật. Theo anh Phương - quản lí cửa hàng, "Có nhiều siêu thị, cửa hàng ở Nhật đặt ngay quầy thanh toán 1 khay đựng xu lẻ 1 yên và có thêm 1 bảng thông báo "Cứ lấy tự nhiên. Mỗi người tối đa 4 yên thôi nhé". Khách mua hàng khi tính tiền nếu tổng hóa đơn có phần lẻ, nhưng lúc đó không có tiền lẻ thì có thể lấy tiền trong khay này để thanh toán, khỏi mất công “phá tiền chẵn”. Chỉ một chi tiết nhỏ nhưng thật sự khiến khách hàng cảm thấy dịch vụ của cửa hàng tốt và xứng đáng để quay lại, thoải mái hơn khi mua sắm. Hơn hết, điều đó thể hiện sự cần kiệm, quý từng đồng tiền của người Nhật."