Takashi Murakami chinh phục thế giới bằng “Smiling Flowers"
Kinh doanh Nhật Bản
Bài: Natsume
Bông hoa với mỗi cánh là một màu sắc khác nhau cùng nụ cười tươi đã trở nên quen thuộc với nhiều người, trở thành biểu tượng của văn hóa đại chúng.
Tại Việt Nam có lẽ chúng ta đã khá quen thuộc với hình ảnh bông hoa cười đầy màu sắc với phiên bản nhồi bông, hình dán, hình vẽ in trên áo thun… Đây là tác phẩm của họa sĩ Takashi Murakami với tên gọi “Smiling Flowers”. Bông hoa này có khuôn mặt tươi cười, 12 cánh hoa biểu thị cho 12 màu sắc khác nhau thể hiện sự hồn nhiên, vui tươi. Vì hình ảnh của Smiling Flowers khá tương đồng với Murakami nên nhiều người thường gọi vui là hoa Murakami.
Biểu tượng của văn hóa đương đạiNhững bông hoa Murakami nhìn rất vui vẻ và hạnh phúc, tuy nhiên trong bài chia sẻ cùng tạp chí NYTimes, Murakami cho biết rằng ban đầu ông không thích hoa, dù vậy đôi khi lại thấy chúng khá đáng yêu. Trong một lần, ông vô tình biết được câu chuyện của những nạn nhân sống sót sau thảm họa đánh bom Hiroshima và Nagasaki vào năm 1945, nhiều người trong số họ xem những bông hoa là biểu tượng của hạnh phúc, niềm hi vọng vào tương lai mới như những đóa hoa luôn nở rộ. Và Smiling Flowers ra đời để biểu trưng cho ý chí kiên cường vượt trên mọi nghịch cảnh của con người.
Takashi Murakami
Murakami sinh ngày 01/02/1962 tại Tokyo. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã thể hiện đam mê mãnh liệt với Manga, Anime và hi vọng lớn lên sẽ được làm việc trong ngành công nghiệp hoạt hình. Niềm đam mê này theo ông cho đến tận bây giờ, đến nỗi Murakami thường tự gọi mình là một Otaku. Về sau, ông theo học Đại học Nghệ thuật Tokyo và có tấm bằng Tiến sĩ về Nihonga – phong cách hội họa truyền thống của Nhật Bản.Cảm thấy bản thân không phù hợp với phong cách này, chính vì thế Murakami quyết định sang New York vào năm 1994 để theo học chương trình "PS1's International Studio Program". Là một người hâm mộ "Chiến tranh giữa các vì sao" thế hệ đầu tiên, ông cho rằng tác phẩm này đã tác động và thay đổi cuộc đời ông. Bên cạnh đó là những tác phẩm Close Encounters of the Third Kind, Apocalypse Now, Galaxy Express 999 và Tàu chiến không gian Yamato… cũng góp phần tạo nên một Murakami như ngày hôm nay.
Khi trở về Nhật Bản, nguồn cảm hứng từ phương Tây vẫn luôn “chảy” trong con người ông. Năm 1996, ông thành lập Studio Hiropon, tiền thân của công ty sản xuất nghệ thuật và quản lý nghệ sĩ, hiện được gọi là Kaikai Kiki Co. Ltd. Đến năm 2000, Murakami đã gây chấn động giới nghệ thuật khi tổ chức buổi triển lãm giới thiệu phong cách của riêng mình với tên gọi “Superflat” tại Bảo tàng nghệ thuật đương đại ở Los Angeles.
Cuộc triển lãm giới thiệu tác phẩm của các nghệ sĩ có kỹ thuật và phương tiện tổng hợp các khía cạnh khác nhau của văn hóa thị giác Nhật Bản, từ Ukiyo-e (bản in khắc gỗ của thời kỳ Edo) đến anime và văn hóa kawaii (văn hóa dễ thương, đặc biệt xuất hiện trong phim hoạt hình, chữ viết tay, các sản phẩm...). Với triển lãm này, Murakami đã nâng cao lý thuyết nghệ thuật Superflat của mình, trong đó nêu bật tính “phẳng” của văn hóa thị giác Nhật Bản từ hội họa truyền thống đến các nền văn hóa đương đại trong bối cảnh Thế chiến II.
Lần hợp tác đầu tiên của Murakami trong thế giới thời trang là với Issey Miyake Men của Naoki Takizawa. Đến năm 2002, Murakami bắt đầu hợp tác với Marc Jacobs để thiết kế lại họa tiết monogram của Louis Vuitton, mối lương duyên này kéo dài hơn 13 năm. Vào thời điểm hợp tác cùng LV, Murakami chia sẻ rằng ông không có nhiều hiểu biết trong giới thời trang hay kinh doanh hàng xa xỉ. Càng về sau, sự kết hợp của ông cùng các thương hiệu thời trang ngày càng nhiều và những sản phẩm ấy đều tạo nên một “cơn sốt” không nhỏ.
Không chỉ tham gia với vai trò thiết kế bìa album cho các nghệ sĩ, Murakami còn thể hiện tài năng của mình trong các MV, có thể kể đến như “You should see me in the Crown” của nữ ca sĩ Billie Eilish. Năm 2013, bộ phim hoạt hình điện ảnh đầu tiên của Murakami với tên gọi "Jellyfish Eyes" (tựa gốc là "Me me me no kurage") đã được công chiếu tại các rạp trên khắp Nhật Bản.
Năm 2008, Murakami được vinh danh là một trong "100 người có ảnh hưởng nhất" của tạp chí Time. Tháng 09/2010, Murakami trở thành nghệ sĩ đương đại thứ ba và người Nhật đầu tiên có buổi triển lãm tại Cung điện Versailles, Pháp.
kilala.vn