Sự biến mất của đồ điện tử Made in Japan
Kinh doanh Nhật Bản
•
Oct 4, 2021
Bài:Tsuyuri
Trước đây, Nhật Bản được xem là quốc gia thống trị ngành công nghiệp điện tử trên toàn thế giới nhưng trong một thập niên trở lại đây, ngày càng khó bắt gặp các món đồ điện tử “Made in Japan”.
Nhật Bản từng nổi tiếng với những mặt hàng điện tử tiên phong trong việc kết hợp kỹ thuật tiên tiến với sự bền đẹp vượt thời gian. Khi đó, nhắc đến hàng Nhật là nhắc đến những “ông lớn” như Sony – cha đẻ của máy Walkman, Sharp – đi đầu trong thị trường màn hình LCD hay Toshiba – tập đoàn đầu tiên sản xuất hàng loạt máy tính xách tay.
Ảnh: PIXTA
Những tưởng vị thế thống trị của Nhật Bản sẽ mãi trường tồn trên bản đồ hàng điện tử thế giới, nhưng trong một thập niên trở lại đây, ngày càng khó bắt gặp các món đồ điện tử “Made in Japan” trong một “rừng” các sản phẩm của Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc. Không chỉ đơn thuần thể hiện xu hướng và thị hiếu của thị trường đã bị xoay chiều, hiện trạng này còn là minh chứng cho cuộc sụp đổ của ngành công nghiệp điện tử Nhật Bản, khi các tên tuổi đình đám trước đây dần biến mất, bị mua lại hoặc chật vật trong một mớ khó khăn chất chồng.
Hiện trạng thị trường điện tử Nhật Bản
Ba mươi năm trước, trên đường phố Tokyo tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của một biển quảng cáo nào cho một thương hiệu điện tử nước ngoài. Những cái tên nổi bật khi đó là Sharp, Sony, Aiwa, Sanyo, Victor (JVC), National, Toshiba, Hitachi,… Đó từng là thời hoàng kim của điện tử gia dụng Nhật Bản. Hiện nay, nhiều tên tuổi trong số đó đã lu mờ hoặc thậm chí biến mất. Sharp bán mình cho Hon Hai, Sanyo rơi vào tay Haier, Aiwa hay National không trụ nổi như thương hiệu phụ và bị Sony, Panasonic khai tử. Hàng loạt các hãng Nhật thu hẹp hay tháo chạy khỏi sản phẩm máy tính, rồi điện thoại di động.
Ảnh: Nippon
Nhìn ra thị trường quốc tế, sản phẩm điện tử gia dụng của Nhật Bản đang ngày càng lép vế trước hàng hóa của các nhãn hàng nước ngoài đến từ các nước như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, vốn được đánh giá là chất lượng cao với giá phải chăng. Trong khi đó, không biết từ lúc nào, hàng Nhật trong mắt người tiêu dùng đã trở nên “đắt đỏ vì có nhiều tính năng thừa thãi” và “bền đến mức không cần thiết”.
/banner
Điều gì đã xảy ra với ngành công nghiệp điện tử của Nhật Bản?
Nguyên nhân đầu tiên cho sự “xuống sức” của các công ty Nhật đến từ chính những ưu điểm vốn có của họ. Trong rất nhiều ngành sản xuất của Nhật Bản, mục tiêu đặt ra luôn là sự hoàn hảo ngay từ đầu. Cách tiếp cận để tới được sự hoàn hảo đó phải dựa trên sự loại bỏ các ý tưởng mới mẻ nhưng nhiều rủi ro. Do vậy mà sản phẩm đưa ra thường có xu hướng hoàn thiện hơn, tinh tế hơn so với sản phẩm trước, nhưng lại ít sự đột phá. Ngay cả quá trình phát triển, quảng bá và bày bán sản phẩm cũng thường được dựa trên những kinh nghiệm đã có, được tiến hành theo một kế hoạch thận trọng, tỉ mỉ, tốn nhiều thời gian và công sức. Và chính vì sự chuẩn bị chu đáo như vậy, khi kết quả bán ra tốt hơn hay xấu hơn so với dự kiến, hoặc không theo đúng với kế hoạch, đều phải tốn thêm nhiều thời gian và công sức để có thể điều chỉnh chiến lược lại sao cho phù hợp.
Ảnh: PIXTA
Trong khi đó, mô hình phát triển sản phẩm trên thế giới đã chuyển sang chiều hướng ngược lại. Hàm lượng phần mềm trong sản phẩm tăng lên làm cho vòng đời sản phẩm ngắn đi. Tốc độ đưa ra sản phẩm mới trở thành yếu tố quyết định thay cho chất lượng sản phẩm. Dựa trên phương thức tinh gọn (lean), các hãng nước ngoài đưa ra những sản phẩm có tính năng đáp ứng vừa đủ nhu cầu thị trường, do đó có thể xoay vòng vốn một cách nhanh chóng và dần chiếm lĩnh thị trường. Trong khi đó, các công ty Nhật vẫn tự ru ngủ mình về sự ưu việt trong chất lượng và nhìn vào các công ty nước ngoài với đánh giá “hàng nước ngoài, nhất là hàng Trung Quốc, là các sản phẩm thiếu tính cẩn thận”. Chính nhận định sai lầm này đã khiến cho các công ty Nhật Bản “mắc cạn” và thua trên toàn cục.
Sharp
“Công nghệ giống như thứ nước chấm bí truyền”. Đó là lời của Katsuhiko Machida, người nằm giữ cương vị chủ tịch của Sharp từ năm 1998 đến 2007. Machida đã đầu tư toàn bộ nguồn lực vào việc sản xuất màn hình tinh thể lỏng với niềm tin rằng việc giữ kín bí mật công nghệ sẽ giúp kỹ thuật chế tác màn hình LCD có chất lượng vượt trội của Sharp không thể bị sao chép. Sharp dồn tiền của xây dựng nhà máy Kameyama theo mô hình khép kín và quả thật đã giữ được lợi thế trong một thời gian ngắn.
Ảnh: Sharp
Nhưng chỉ ít lâu sau, các nhà sản xuất Hàn Quốc và Trung Quốc đã bắt chước một cách hoàn hảo công nghệ của Sharp và vượt lên dẫn đầu trong việc sản xuất màn hình LCD lớn. Giá sản phẩm rớt nhanh, Sharp thua lỗ và bị đẩy đến bờ vực phá sản, trước khi bị Hon Hai (Đài Loan) thôn tính vào năm 2016. Lúc này, Sharp trở thành một nhà cung cấp màn hình LCD cho Apple với giá rẻ mạt trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với các nhà cung cấp khác.
Panasonic
Không chỉ có Sharp, Panasonic hiện đang đi theo vết xe đổ của tập đoàn này. Panasonic bắt đầu hợp tác với Tesla trong việc sản xuất pin EV vào năm 2011. Tuy nhiên, chính bởi sự chậm chạp trong việc mở rộng quy mô sản xuất của Panasonic đã khiến Tesla bắt tay với các nhà sản xuất khác như LG Chem (Hàn Quốc) và CATL (Trung Quốc). Hơn nữa, vào tháng 9 năm 2020, Tesla bất ngờ tiết lộ rằng họ đang tiến hành tự sản xuất pin. Vị thế của Panasonic bỗng trở nên hết sức mong manh. Rớt xuống vai trò của nhà thầu phụ và để mất đi phần lợi nhuận béo bở vào tay khách hàng là cái kết khó tránh khỏi với những doanh nghiệp dù có trong tay công nghệ nhưng không chấp nhận rủi ro để tạo ra sản phẩm hay dịch vụ đột phá, mang giá trị gia tăng cao.
Ảnh: Vneconomy
30 năm qua, lãnh đạo của các công ty Nhật Bản chỉ tìm mọi cách ngăn chặn thua lỗ, giống như kẻ chỉ còn đủ sức che chắn trước những đòn đánh của đối phương. Họ tránh so găng được thua và cơ hội lật ngược thế cờ cứ tuột dần.
Toshiba
Sai lầm trong định hướng chiến lược cũng khiến không ít công ty Nhật phải trả giá. Trong đó, điển hình là trường hợp của Toshiba. Những công ty điện – điện tử lớn của Nhật Bản như Toshiba hay Hitachi được tổ chức như những tập đoàn kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, sản phẩm trải rộng từ lò phản ứng hạt nhân, tên lửa cho đến máy sấy tóc. Việc kinh doanh dàn trải và thiếu minh bạch tạo tiền đề cho việc lấp liếm những sai lầm. Số vốn đầu tư khổng lồ lên tới 660 tỷ yên vào công ty phát triển lò hạt nhân Westinghouse Electric vào năm 2006, khi đó đang trong tình trạng kinh doanh hết sức tồi tệ, đã đẩy mảng kinh doanh lò phản ứng thành cái lò đốt tiền của Toshiba.
Ảnh: JapanTimes
Sự cố hạt nhân Fukushima làm đóng băng các dự án mở nhà máy điện hạt nhân tại nhiều nước, đẩy Toshiba sâu hơn vào ngõ cụt. Cùng với tác động của khủng hoảng tài chính, sức ép lên Toshiba ngày càng lớn và giám đốc tập đoàn bắt đầu buộc các bộ phận kinh doanh khác phải hoàn thành những mục tiêu tài chính phi lý để bù vào phần thiếu hụt.
Bộ phận máy tính cá nhân từng là niềm tự hào của Toshiba sau khủng hoảng tài chính cũng trở nên thua lỗ kéo dài. Đây là giai đoạn IBM bán lại bộ phận này cho Lenovo, và Toshiba đúng ra cũng cần có giải pháp dứt khoát khi không còn cạnh tranh được về quy mô với các công ty hàng đầu thế giới như Dell và HP. Bộ phận điện gia dụng cũng rơi vào tình trạng tương tự. Tuy vậy, công bố thua lỗ sẽ dẫn đến sức ép từ thị trường và cổ đông buộc phải tiến hành sa thải nhân viên, tái cơ cấu kinh doanh.
Ban lãnh đạo của Toshiba đã không chọn con đường này mà tìm cách trì hoãn bằng cách báo cáo sai về tài chính, hy vọng sự phục hồi sẽ đến trong tương lai. Trong 7 năm từ năm 2008, các bộ phận kinh doanh đã khai khống tổng cộng tới 151,8 tỷ yên lợi nhuận. Khi sự việc bị phát giác, Toshiba bắt đầu rơi vào vòng xoáy khủng hoảng. Sau khi bán bộ phận tivi và hình ảnh cho Hisense (Trung Quốc), bộ phận điện gia dụng cho Midea Group (Trung Quốc), bộ phận thiết bị y tế cho Canon vào năm 2016, thì tiếp theo đó vào năm 2017, Toshiba đành phải dứt ruột bán đi bộ phận chất bán dẫn – con gà đẻ trứng vàng – để không bị rơi vào tình trạng âm vốn.
Ảnh: Reuters
Năm 2018, 80% cổ phần của công ty con về máy tính cá nhân được nhượng lại cho Sharp và gần 20% còn lại đã được Sharp thâu tóm toàn bộ vào năm 2020, đặt dấu chấm hết cho 35 năm kinh doanh máy tính cá nhân kể từ khi Toshiba cho ra đời chiếc máy notebook đầu tiên trên thế giới. Niềm tự hào của công nghiệp điện – điện tử Nhật Bản giờ chỉ còn là một công ty về năng lượng và hạ tầng xã hội.
Tạm kết
Cũng như công nghiệp ô tô, ngành điện tử của Nhật Bản vốn có thế mạnh trong việc liên kết các phụ tùng để tạo ra những sản phẩm hoàn chỉnh. Chuyển qua công nghệ số, cấu trúc của các sản phẩm thay đổi thành các mô-đun dễ ghép nối, phân công sản xuất trở nên dễ dàng, ưu thế của các công ty Nhật dần bị triệt tiêu. Hàng loạt sản phẩm và linh kiện được tích hợp vào một sản phẩm là điện thoại di động, giá trị gia tăng chuyển dịch từ chất lượng sang tính năng mới và nền tảng dịch vụ.
Các công ty Nhật đã chậm chạp trong việc chuyển đổi để tạo ra những giá trị mới như vậy, trong khi lại không đủ quyết liệt để mở rộng quy mô sản xuất cũng như hạ giá thành nhằm cạnh tranh trong thị trường phổ thông. Việc tìm cách lấy lại vị thế đã mất bằng mô hình kinh doanh cũ không còn thực tế. Các nhà sản xuất Nhật Bản đang phải tái cơ cấu, rút khỏi những sản phẩm hay thị trường không mang lại lợi nhuận, tập trung nguồn lực vào các sản phẩm điện gia dụng mới tích hợp những tính năng thông minh và cấu trúc mạng lưới vạn vật kết nối (IoT) – lĩnh vực vẫn còn ít nhiều cơ hội tạo dựng được chỗ đứng.
Tháng 12/2020, một công ty chuyên sản xuất đồ điện gia dụng của Nhật Bản mang tên Balmuda đã được niêm yết trên sàn chứng khoán. Balmuda được thành lập năm 2013 tại Tokyo, chỉ tập trung vào thiết kế và phát triển sản phẩm, trong khi toàn bộ việc sản xuất đều được thuê ngoài. Sự thành công của Balmuda có thể là gợi ý cho một trong những hướng chuyển đổi của ngành điện – điện tử gia dụng Nhật Bản.
kilala.vn