Nhật Bản đặt mục tiêu ra mắt ô tô bay vào năm 2025
Kinh doanh Nhật Bản
Bài: Rin
Nguồn: mainichi.jp
T ừng là phương tiện chỉ có trong những bộ phim khoa học viễn tưởng, giấc mơ bay trên chiếc ô tô nay đã trở thành hiện thực khi công ty công nghệ Nhật Bản SkyDrive Inc. thử nghiệm thành công ô tô bay vào năm ngoái. Hiện tại, Chính phủ Nhật cùng các công ty liên doanh trong lĩnh vực này đặt mục tiêu vận hành chuyến bay chở hành khách bằng ô tô bay vào năm 2025. Đây cũng là thị trường béo bở được nhiều nhà sản xuất ô tô lớn tại Nhật để mắt.
Nhật Bản thử nghiệm thành công ô tô bay có người lái
Vào tháng 03/2020, Sky Drive Inc., một công ty thành lập năm 2018, đã tung ra đoạn phim ngắn gần 3 phút mang tên “The future world with flying Cars – Thế giới tương lai với ô tô bay” miêu tả cuộc sống vào năm 2030, khi ô tô bay trở thành phương tiện giao thông thịnh hành và mỗi người đều sở hữu riêng một chiếc. Nội dung phim xoay quanh việc một nhân viên văn phòng người Nhật sử dụng ô tô bay để đi làm.
Ô tô bay của anh xuất phát từ một toà chung cư ở ven biển cách văn phòng Tokyo khoảng 50km và đến nơi chỉ trong chưa đầy 30 phút. Khi vừa lái ô tô ra khỏi chung cư, vì tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra ngay phía trước, ô tô của anh đã khởi động tính năng bay.
Sở hữu khu vực bay và đường bay riêng trên bầu trời, ô tô của anh nhanh chóng cất cánh lên đường bay, nơi có rất nhiều ô tô bay khác. Đặc biệt, ngay trong buồng lái, anh còn có thể vẫy tay với những người xung quanh. Đoạn phim pha trộn giữa thực tế và kỹ xảo mang lại cảm giác thích thú cho người xem.
Những tưởng đây chỉ là bộ phim viễn tưởng nhưng thực ra nó thuộc dự án ô tô bay đang được công ty Sky Drive Inc. nghiên cứu trong nhiều năm. Năm 2020, công ty đã cho ra mắt mẫu ô tô bay nhỏ số hiệu SD-03, một phương tiện cất và hạ cánh thẳng đứng (eVTOL) được lái bởi một phi công. SD-03 có một chỗ ngồi, dài 4m, cao 2m, hoạt động với 8 động cơ và 2 cánh quạt ở mỗi góc. Vào ngày 25/08/2020, SD-03 eVTOL đã được lái thử nghiệm tại Toyota Test Field rộng 10.000m2 và bay lên không trung ở độ cao khoảng từ 1 – 2m trong khoảng 4 phút. Dù ô tô bay được điều khiển bởi người lái nhưng vẫn có hệ thống máy tính hỗ trợ để đảm bảo quá trình bay an toàn và ổn định. Trong lúc đó, nhân viên kỹ thuật tại hiện trường luôn theo sát tình trạng bay và hoạt động của SD-03 để dự phòng các tình huống bất ngờ xảy ra. Theo Sky Drive Inc., SD-03 có thể bay trong khoảng 10 phút với vận tốc 50km/giờ.
SkyDrive có khởi đầu khá “khiêm tốn”, là một dự án được phát triển bởi các tình nguyện viên mang tên Cartivator vào năm 2012, với nguồn tài trợ từ các công ty hàng đầu Nhật Bản: nhà sản xuất ô tô Toyota Motor Corp., công ty điện tử Panasonic Corp. và nhà phát triển trò chơi điện tử Bandai Namco. Vào năm 2017, một chuyến bay thử nghiệm đã diễn ra. Tuy không thành công nhưng dự án tiếp tục được đội ngũ SkyDrive cải thiện, do vậy, mẫu ô tô bay mới nhất SD-03 đã nhận được thêm vốn tài trợ 3,9 tỷ yên từ các nhà đầu tư cũ và Ngân hàng Phát triển Nhật Bản.
Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu ra mắt ô tô bay vào năm 2025
Tomohiro Fukuzawa – CEO của công ty SkyDrive hy vọng ô tô bay có thể sản xuất thương mại và trở thành sản phẩm ứng dụng trong đời sống vào năm 2023, nhưng ông cũng thừa nhận việc thiết kế sao cho phương tiện này an toàn là điều vô cùng quan trọng. Tomohiro cho biết thêm: “Trong số hơn 100 dự án ô tô bay trên thế giới, chỉ số ít là thành công với một phi công trên phương tiện này. Tôi hy vọng nhiều người sẽ muốn thử lái ô tô bay và cảm thấy an toàn. Chúng tôi sẽ bắt đầu các chuyến bay với những địa điểm cất và hạ cánh cụ thể, rồi dần dần mở rộng phạm vi bay".
Vì ô tô bay là phương tiện giao thông nên nó thuộc quyền quản lý của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản. Khác với máy bay và trực thăng, ô tô bay cất và hạ cánh thẳng đứng bằng điện nên chúng có thể trở thành phương tiện giao thông cá nhân giúp loại bỏ một số vấn đề của máy bay như đường bay, chi phí thuê phi công, tránh được tình trạng tắc đường dưới mặt đất cũng như gây ra ít tiếng ồn hơn so với trực thăng.
Theo tờ Mainichi, Chính phủ Nhật Bản rất lạc quan về triển vọng của ô tô bay với định hướng phát triển trở thành dịch vụ kinh doanh vào năm 2025 và mở rộng sang sản xuất thương mại hoá vào những năm 2030, nhấn mạnh tiềm năng kết nối với các khu vực hẻo lánh và cung cấp nhiều tuyến đường huyết mạch khi thảm hoạ xảy ra. Đặc biệt, Chính phủ có kế hoạch sử dụng ô tô bay làm phương tiện di chuyển giữa sân bay quốc tế Kansai và Hội chợ triển lãm thế giới Expo 2025 Osaka Kansai vào năm 2025 với khoảng cách gần 30km. Hiện tại, bên cạnh SkyDrive, nhiều nhà sản xuất khác cũng đang tập trung nghiên cứu loại phương tiện này.
Morgan Stanley – một công ty dịch vụ tài chính lớn của Mỹ đã ước tính quy mô thị trường liên quan đến ô tô bay vào khoảng 1.000 tỷ USD trên toàn thế giới trong năm 2040. Ngoài sản xuất và bán ô tô bay, các doanh nghiệp liên quan còn có thể kinh doanh bảo trì bãi cất cánh, hạ cánh, các dịch vụ bay và bảo hiểm thiệt hại. Dự đoán được cơ hội kinh doanh khổng lồ, ngoài dự án ô tô bay SkyDrive, vào tháng 1/2020, công ty Toyota Motor Corp. đã công bố đầu tư khoảng 43 tỷ yên vào dự án ô tô bay của công ty Mỹ Joby Aviation. Chủ tịch Akio Toyoda của Toyota đã tuyên bố rằng: “Hiện thực hoá việc di chuyển trên không đã là giấc mơ của chúng tôi kể từ khi thành lập”. Công ty Joby Aviation đã mua lại Bộ phận phát triển Taxi bay của Uber Technologies Inc. và có kế hoạch ra mắt “flying mobility service – dịch vụ di chuyển bay” ở Mỹ vào năm 2024.
Tuy nhiên, để thương mại hoá ô tô bay, có rất nhiều vấn đề cần được giải quyết, trong đó ưu tiên hàng đầu là đảm bảo ô tô không bị rơi. Việc duy trì ô tô bay cân bằng bằng cách sử dụng nhiều cánh quạt cùng một lúc đòi hỏi công nghệ điều khiển tiên tiến và nếu phần mềm phát triển không tương xứng có thể dẫn đến nguy cơ va chạm. Ngoài ra, cũng có khả năng các loại pin và nguồn điện đang sử dụng bắt lửa, nếu nguồn điện bị ngắt, các cánh quạt sẽ ngừng quay. Thêm vào đó, ô tô được dự kiến sẽ bay ở độ cao vài trăm mét nên nếu cánh quạt ngừng hoạt động, so với một chiếc máy bay ở độ cao lớn hơn, thời gian khôi phục sẽ ít hơn. Và một câu hỏi lớn đặt ra là liệu xã hội có chấp nhận loại phương tiện này hay không?
Theo giáo sư Gaku Minorikawa tại Đại học Hosei với nhiều năm nghiên cứu về ô tô bay, “Chúng ta nên tạo ra nền tảng cho sự phát triển của ô tô bay. Ngoài việc chỉ định các thành phố với khu vực cho phép bay, chúng ta có thể xem xét sản xuất thương mại chúng giống với máy bay trực thăng vốn đã quen thuộc trước”.
kilala.vn