Hơn 100 triệu bản đã được tiêu thụ tại ít nhất 30 quốc gia trên toàn thế giới, bộ truyện tranh Doraemon thực sự tạo nên một dấu ấn, một thành công mọi thời đại trong lĩnh vực kinh doanh truyện tranh thiếu nhi tại Nhật. Được bình chọn là “Anh hùng đáng yêu nhất Châu Á”, là biểu tượng văn hóa, là nhân vật hoạt hình đầu tiên được Bộ Ngoại giao chọn làm Đại sứ Văn hóa Nhật Bản, hình ảnh mèo máy Doraemon đã vượt khỏi ranh giới nhân vật hư cấu trong thế giới Manga để hoà nhập vào cuộc sống con người.
Nhân chuyến đến Việt Nam vào trung tuần tháng 10 trong khuôn khổ chương trình “Doraemon với An toàn giao thông”, Kilala đã có dịp gặp gỡ ông Zenshow Ito - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Fujiko Pro., đơn vị khai thác bản quyền toàn bộ hình ảnh và các tác phẩm Doraemon, và được nghe những chia sẻ thú vị.
Doraemon thực sự tạo nên ấn tượng sâu đậm trong thế giới trẻ thơ. Bên cạnh thành công về xuất bản, theo ông hình ảnh Doraemon còn có tác động xã hội nào khác?
Tại Nhật Bản, từ 50 năm qua chúng tôi đã đưa hình ảnh Doraemon vào công tác giáo dục, đặc biệt là giáo dục về An toàn giao thông (ATGT) cho học sinh từ bậc tiểu học, vì đó là độ tuổi dễ tiếp thu và ghi nhớ các bài học tốt, tạo nền tảng cho các em từ nhỏ luôn ý thức về vấn đề trật tự ATGT. Còn ở Việt Nam, tác giả Doraemon là Fujiko F. Fujio đã đến Hà Nội vào những năm 90, cùng Nhà xuất bản Kim Đồng thành lập quỹ Hỗ trợ Giáo dục Trẻ em Việt Nam mang tên Doraemon. Quỹ học bổng này hàng năm đều có những đóng góp rất thiết thực cho học sinh Việt Nam.
Được biết ông đã đến Việt Nam nhiều lần, ông có thấy điều gì tương đồng giữa trẻ em Việt Nam và Nhật Bản?
Tôi đã đến Việt Nam được 10 lần, trong đó 8 lần đến Hà Nội, tôi nhận thấy rất rõ sự tương đồng của trẻ em Nhật – Việt là đều cùng yêu thích hình ảnh mèo máy Doraemon.
Doraemon đã rất quen thuộc với độc giả thiếu nhi khắp thế giới, việc khai thác hình ảnh của Doraemon hẳn gặp rất nhiều thuận lợi?
Lần này tôi cùng Doraemon đến Việt Nam không phải để quảng bá các tập truyện, mà mục đích chính là đưa hình ảnh Doraemon tham gia vào công tác tuyên truyền ATGT cho học sinh tiểu học ở Hà Nội và TP.HCM, tiếp tục phát triển quỹ hỗ trợ học bổng cho trẻ em mang tên Doraemon. Thực sự ngay tại Nhật, mọi người quan tâm đến hình ảnh Doraemon ở góc độ kinh doanh, giải trí, nhưng về mặt cống hiến cho xã hội thì ít người biết đến. Do vậy sau chuyến đi này, tôi sẽ thúc đẩy các hoạt động truyền thông ở Nhật để người Nhật hiểu thêm rằng hình ảnh mèo máy Doraemon còn có khả năng cống hiến nhiều điều cho xã hội.
Cảm nhận của ông khi đưa Doraemon đến Việt Nam lần này?
Khi tập đoàn báo Mainichi đề xuất ý tưởng sử dụng hình ảnh mèo máy Doraemon vào việc cống hiến cho xã hội Việt Nam, giúp học sinh ý thức và quan tâm nhiều hơn nữa đến vấn đề ATGT, tôi đồng thuận ngay vì đây là một ý tưởng tuyệt vời. Vào những năm 70, thời điểm truyện tranh Doraemon xuất hiện, trong một năm tại Nhật Bản có đến hơn 17.000 người tử vong do tai nạn giao thông, và đó là vấn đề nghiêm trọng cho toàn xã hội thời bấy giờ (người ta gọi đó là “Chiến tranh giao thông” bởi số lượng người tử vong tương đương với thời kỳ Chiến tranh Nhật – Thanh (Nisshin Senso từ 1894 – 1895 tại Nhật, PV). Đến năm 2015, số người thương vong do tai nạn giao thông tại Nhật là 4.200 người, còn ở Việt Nam là hơn 8.000 người. Nếu có thể sử dụng hình ảnh Doraemon để tuyên truyền ATGT, giúp Việt Nam giảm thiểu được tai nạn giao thông, cá nhân tôi cảm thấy đó là điều vô cùng ý nghĩa.
Ông có kỳ vọng gì về việc sử dụng hình ảnh mèo máy Doraemon trong chương trình “Doraemon với An toàn giao thông” và những hành động cụ thể của chương trình?
Khi nhận lời tham gia vào chương trình, qua những chuyến đi đến các trường THCS ở hai thành phố lớn của Việt Nam, tôi cảm nhận rõ trẻ em Việt Nam rất thông minh, mạnh khoẻ, đây là tài sản của quốc gia, và là nguồn lực cho tương lai. Vốn quý này không chỉ Doraemon mà cả xã hội phải góp sức bảo vệ, gìn giữ. Chúng tôi đã thực hiện các hoạt động cụ thể như thi sáng tác khẩu hiệu “Doraemon với an toàn giao thông”, mở các lớp học về ATGT qua hình ảnh chú mèo máy Doraemon, phát sổ tay tuyên truyền về ATGT tại 20 trường tiểu học và THCS tại Hà Nội và TP.HCM. Chúng tôi cũng kết hợp cùng Nhà xuất bản Kim Đồng đưa hình ảnh Doraemon vào dụng cụ học tập, như bút, thước kẻ, trên đó tuyên truyền các khẩu hiệu về an toàn giao thông. Khi sử dụng, các em sẽ đọc, tiếp cận, và từ đó hình thành thói quen trong tâm thức về trật tự ATGT. Tôi kỳ vọng chương trình sẽ trở thành một hoạt động thường niên và phạm vi lan rộng đến khắp các trường tiểu học và THCS trên toàn Việt Nam.
Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho buổi trò chuyện này!
Ông Zenshow Ito
Doraemon chính thức đến Việt Nam từ 11/12/1992, tạo nên một “cơn địa chấn” trong ngành xuất bản, nhiều gia đình Việt cả 3 thế hệ cùng đọc Doraemon. Tính đến nay, truyện tranh Doraemon vẫn giữ nguyên vẹn sức hấp dẫn với người đọc Việt, có số lượng phát hành đứng thứ 2 thế giới (sau Nhật Bản).
Quỹ học bổng Doraemon được tác giả bộ truyện tranh Doraemon – ông Fujiko F. Fujio thành lập từ 1996 với số vốn ban đầu 3 tỷ đồng, toàn bộ tiền bản quyền bộ truyện tranh Doraemon xuất bản tại Việt Nam từ 1992 – 1996 được tác giả dành tặng cho quỹ Doraemon nhằm hỗ trợ giáo dục trẻ em Việt Nam.
“Doraemon với An toàn giao thông” là chương trình do tập đoàn Báo Mainichi Nhật Bản, công ty Fujiko Pro. – đơn vị giữ bản quyền khai thác các tác phẩm của Fujiko F. Fujio, cùng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công An, Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức tại Việt Nam từ 2016 nhằm tuyên truyền, giáo dục pháp luật về An toàn giao thông cho trẻ em Việt Nam. Qua 3 lớp học thí điểm, cảnh sát giao thông sẽ truyền đạt những kiến thức về an toàn giao thông cho học sinh thông qua hình ảnh mèo máy Doraemon ngộ nghĩnh, dễ thương, giúp các bài học thêm hào hứng, dễ nhớ, với những bài tập tình huống khi vượt đèn đỏ, băng qua đường bất ngờ, quan sát khi tham gia giao thông, quy tắc đi bộ, đội mũ bảo hiểm đúng cách, đi xe đạp an toàn... Chương trình được thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam, thí điểm tại 20 trường tiểu học và THCS ở Hà Nội và TP.HCM.
Ông Zenshow Ito (đứng cạnh Doraemon) cùng mèo máy Doraemon giao lưu với các học sinh trường Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội.
Nguyễn Đình/kilala.vn