Kilala.vn đã có diện mạo mới    Trải nghiệm ngay

8 lý do khiến người Nhật chậm đưa ra quyết định

Công sở Nhật Bản    • Jun 22, 2018

Nguồn: RocketNews24/ Dịch: Nguyên Giang/ Ảnh: PIXTA

Trong khi một số ngành công nghiệp nhất định của Nhật Bản, như điện tử, đang tranh đấu để tồn tại trong một thế giới ngày càng toàn cầu hóa, việc tại sao Nhật Bản lại để lọt nhiều mối kinh doanh vào tay các đối thủ cạnh tranh nước ngoài vẫn đang được nhiều người quan tâm tìm hiểu. Đa số đều nghĩ rằng phần lỗi chủ yếu nằm ở chỗ các doanh nghiệp Nhật Bản rất chậm chạp khi đưa ra bất cứ quyết định nào.

Đối với các công ty nước ngoài, đó cũng là một trong những vấn đề dễ gây nản lòng khi kinh doanh ở Nhật. Dưới ảnh hưởng của bộ máy quan liêu phức tạp, một xã hội bị phân cấp nặng nề và xu hướng né tránh rủi ro bằng mọi giá, giới lao động Nhật Bản dường như luôn đưa ra quyết định kém hiệu quả nhất thế giới. Điều gì ẩn chứa đằng sau sự lưỡng lự dần dần trở thành thói quen này? Dưới đây là 8 nguyên do về tập quán chung đã dẫn đến sự thiếu quyết đoán ở người Nhật.

1. Người Nhật né tránh rủi ro, xa rời thách thức

Nhiều người cho rằng văn hóa Nhật Bản có sự "kháng cự tâm lý mạnh mẽ" với bất kỳ điều gì mới mẻ. Khi đưa ra quyết định trong công việc, nhiều nhân viên thường né tránh bất cứ điều gì bị xem là nguy cơ hay thách thức đối với công ty họ. Điều này có nghĩa là họ sẽ trì hoãn đưa ra quyết định cho đến khi chắc chắn 100% là cấp trên sẽ chấp thuận nó.

2. Suy nghĩ “thay đổi tổ chức thì rất tốt, chỉ cần đừng làm tôi thay đổi”

Có lẽ hầu hết chúng ta đều mắc lỗi ở tiêu chuẩn kép này: nhiều lao động ở Nhật ủng hộ công ty họ thay đổi miễn sao... đừng ảnh hưởng đến họ. Và bởi vì không có cá nhân nào sẵn lòng thử thách với những điều mới lạ, cho nên bất cứ kế hoạch thực hiện một ngành nghề kinh doanh mới nào rồi cũng sẽ nhanh chóng quay về hướng cũ khi mọi người đều phớt lờ kế hoạch mới.

3. Chỉ làm những gì đã biết

Phần khó nhất của việc đưa ra quyết định, trong bất kể nền văn hóa nào, là người đưa ra quyết định cuối cùng đều phải chịu trách nhiệm một khi nó không thành công. Nếu bạn sợ chịu trách nhiệm trong trường hợp ý tưởng mới quá tồi, có lẽ sẽ an toàn hơn nếu cứ làm theo những ý tưởng cũ đã hữu dụng nhiều năm trong quá khứ. Đây là cách làm được nhiều người lao động Nhật Bản lựa chọn cho mình, do đó rất khó để họ nắm bắt những ý tưởng mới.

4. Học sinh được dạy “giải quyết chuyện dễ trước”

Hầu hết trẻ em Nhật Bản đều được dạy làm bài kiểm tra theo hướng xử lý câu dễ trước, sau đó nếu có thời gian thì làm bài khó hơn. Người lớn thì biến nó thành kỹ năng làm việc của họ. Đường lối của phương Tây thì ưu tiên tìm cách giải quyết những vấn đề nào có giá trị nhất cho công ty về lâu dài, sau đó mới quay lại giải quyết những cái dễ dàng hơn, mà thường chúng có giá trị rất thấp.

5. Thiếu văn hóa “rủi ro cao, lợi nhuận cao”

Gạt qua một bên những tranh cãi về mặt đạo đức, giới chủ ngân hàng Phố Wall sẵn sàng lao vào bất kỳ lĩnh vực nào cho dù họ chưa chuẩn bị sẵn sàng để gánh chịu rủi ro bất thường. Việc đặt cược vào những công ty khởi nghiệp nhỏ hoặc đầu tư vào các mặt hàng dễ biến động là vô cùng nguy hiểm, nhưng đó lại là nơi sinh ra các khoản lời kếch xù... nếu bạn đi đúng hướng. Tuy nhiên các công ty nước ngoài thường phàn nàn là doanh nghiệp Nhật Bản chẳng hề mặn mà gì với việc xem xét cái gọi là "rủi ro cao, lợi nhuận cao". Ví dụ, thay vì đua vào lĩnh vực máy nghe nhạc MP3 tương đối lạ lẫm như iPod của Apple, thì Sony lại có vẻ khá an phận với mảng MiniDisc của mình.

Điều thú vị là, mặc dù MiniDisc đã nhanh chóng bị lãng quên ở phương Tây, nhưng cách đây 3, 4 năm, nhiều hệ thống âm nhạc tại gia do Nhật Bản sản xuất vẫn tích hợp máy chơi MiniDisc, và các loại đĩa này hiện vẫn được bán ra trên khắp cả nước. Rõ ràng là có điều gì đó lôi kéo tâm trí người Nhật quay về với định dạng truyền thống và tương đối ít rủi ro hơn.

6. Các cấp thấp hơn không có thẩm quyền

Các nhân viên bậc thấp ở Nhật thường xuyên phải kiểm tra lại với cấp trên của mình từng chi tiết nhỏ, đến mức tưởng như phải mất cả đời mới đi đến kết luận. Với hệ thống phân cấp nặng nề như ở Nhật, người lao động luôn phải thỉnh ý người giám sát hoặc ông chủ của họ về tất cả mọi thứ, làm cho tốc độ của quy trình đưa ra quyết định trở nên cực kỳ trì trệ. Điều này có thể ảnh hưởng đến tất cả mọi thứ, từ những giao dịch kinh doanh quốc tế cho đến việc giải quyết kế hoạch thanh toán của cửa hàng điện thoại di động địa phương, là nơi các nhân viên thường trả lời rằng họ không có thẩm quyền ra quyết định và mọi khiếu nại của khách hàng đều phải được thông qua một chuỗi những mệnh lệnh.

7. Tổng công ty là số một

Cũng giống như nhân viên cấp thấp buộc phải thỉnh ý cấp trên của mình về bất kỳ việc gì, các văn phòng chi nhánh có rất ít hoặc hầu như không có thẩm quyền đưa ra bất kỳ phán quyết nào. Tổng công ty là nơi có tiếng nói cuối cùng, bất kể đó là chuyện gì. Và khi công ty có văn phòng trên khắp thế giới, chỉ nội việc cố gắng phối hợp với múi giờ của Tokyo cũng đã làm họ bị tụt hậu.

8. Các cuộc họp luôn có quy mô lớn nhưng chỉ chung chung, không bao giờ có ý kiến cá nhân

Rất nhiều công ty nước ngoài cảm thấy khó hiểu khi chứng kiến người Nhật tổ chức các cuộc họp kinh doanh rất hoành tráng nhưng lại chẳng thảo luận được ý tưởng gì mới. Trong khi ở nước ngoài, cuộc họp là để động não và thảo luận về một kế hoạch kinh doanh mới và kêu gọi đến từng nhóm nhỏ nhân viên để đảm bảo rằng tất cả mọi người đều có cơ hội đưa ra ý tưởng của họ. Còn các cuộc họp của người Nhật có vẻ chỉ là cái cớ để giới quản lý tuyên bố kế hoạch kinh doanh mới và chỉ có thế. Số lượng nhân viên đông đảo tại cuộc họp dễ làm nản lòng bất kỳ ai có ý định đưa ra một ý tưởng mới lạ.

Cư dân mạng Nhật Bản cũng chẳng ngạc nhiên lắm với điều này. Nhiều người tán thành rằng xã hội Nhật Bản đang tạo ra môi trường kinh doanh thù địch với những ý tưởng mới và việc ra quyết định nhanh chóng. Nhưng họ cũng hoài nghi về khả năng thay đổi nó: “Việc thay đổi hệ thống giáo dục để theo đuổi cách dạy mới sẽ tốn nhiều thời gian và tiền bạc, và thực hiện điều đó trong thế hệ của chúng tôi là không thể”.

Bạn nghĩ những điều trên đây là lý do hợp lý cho việc các doanh nghiệp Nhật Bản đang gặp khó khăn trên thị trường thế giới, hay chỉ là ấn tượng không công bằng của chúng ta đối với đất nước Nhật Bản?

Theo Rocket News 24

padding
padding
padding
padding
padding
padding
KILALA vol.45

Chỉ từ 220.000 VND, bạn sẽ nhận được 4 số Kilala giao tận nhà và một trong những phần quà hấp dẫn.

KILALA vol.44

KILALA vol.44

KILALA vol.43

KILALA vol.43

KILALA vol.42

KILALA vol.42

KILALA vol.41

KILALA vol.41

KILALA vol.40

KILALA vol.40

KILALA vol.39

KILALA vol.39

KILALA vol.38

KILALA vol.38

KILALA vol.37

KILALA vol.37

KILALA vol.36

KILALA vol.36

KILALA vol.35

KILALA vol.35

Đăng ký bản tin

Đăng ký bản tin của KILALA để cập nhật những thông tin Nhật Bản mới nhất

go Top