Mariya Takeuchi: Tượng đài của dòng nhạc City Pop Nhật Bản
Âm nhạc Nhật Bản
Bài: Rin
Ảnh bìa: jprime.jp
"Plastic Love" - tình ca đi cùng năm tháng
"Plastic Love" là ca khúc theo phong cách City Pop (kết hợp giữa Funk và Disco - thịnh hành vào những năm 1970, 1980) nằm trong album "Variety" - phát hành ngày 25/04/1984. "Variety" là album đầu tiên Mariya làm nhạc và viết lời cho toàn bộ ca khúc, trước đó, bà hát nhạc do các nhạc sĩ khác sáng tác.
Đúng như tên “Variety - Sự đa dạng”, album cho người nghe trải nghiệm nhiều loại nhạc: nhạc đồng quê trong “One Night Stand”, Lounge Jazz trong “Broken Heart”, Bossa Nova trong “Mizu To Anata To Taiyo To”, thậm chí là nhạc Pop của Anh trong “Mersey Beat De Utawasete”.
"Variety" đã đạt vị trí số 1 trong bảng xếp hạng Oricon Nhật Bản năm 1984. Một năm sau, ca khúc "Plastic Love" được ra mắt dưới dạng đĩa đơn và đạt vị trí 86 của bảng xếp hạng này. Trang âm nhạc Noisey của tạp chí Vice đã dành lời có cánh cho "Plastic Love": "Là bài hát Pop tuyệt vời nhất thế giới", còn ban nhạc Gorillaz gọi Mariya là “Nữ nghệ sĩ tuyệt vời của dòng nhạc Funk Nhật Bản”.
Nhưng sức hút của "Plastic Love" không chỉ dừng lại ở những năm 1980. Năm 2017, ca khúc có cú twist ngoạn mục trên mạng xã hội Youtube, khiến ngay cả Mariya cũng ngỡ ngàng. Ngày 5/7/2017, một tài khoản Youtube mang tên “Plastic Love” đã đăng tải ca khúc. Đến tháng 12/2018, "Plastic Love" đạt 24 triệu lượt xem.
Tuy nhiên vì xung đột bản quyền hình ảnh (hình ảnh trong video là bìa đĩa đơn Sweetest Music năm 1980 - do nhiếp ảnh gia Alan Levenson chụp), "Plastic Love" bị gỡ khỏi Youtube. Đến tháng 5/2019, bài hát xuất hiện trở lại. Tại thời điểm 24/5/2021, lượt xem đã đạt con số 63.921.387. Ngoài ra, "Plastic Love" còn được đăng tải dưới dạng “Playing Games” của Miki J trong album “Japanese Boogie & Disco, Vol. 1 & 2” của hãng đĩa Anh: Midnight Riot.
Theo Kenvin Allocca - Trưởng bộ phận Văn hóa và Xu hướng của Youtube: thành công của "Plastic Love" không phải do thuật toán đề xuất những video tương tự mà xuất phát từ tình yêu đặc biệt của người hâm mộ.
Vì ca khúc ra đời vào năm 1984 trong thời kỳ "bong bóng kinh tế" tại Nhật, Mariya cho rằng, có thể người nghe muốn tìm lại chút hoài niệm về giai đoạn lịch sử đặc biệt đã qua. Với bản thân ca sĩ, ca khúc được viết trong tâm thế hân hoan hơn là hoài niệm. Ở thời điểm sáng tác album "Variety", Mariya đang mang thai và rất hạnh phúc. Bà muốn viết một bài Rock, một ca khúc nhạc đồng quê, một bài dân ca và cũng muốn sáng tác một ca khúc phong cách nhạc Dance, mang âm hưởng của thể loại City Pop, thêm một ca khúc "gì đó" có 16 beats và lời bài hát ghi lại cuộc sống ở thành thị. Đó là lý do cho sự đa dạng thể loại của album "Variety".
Mariya có thói quen viết nhạc trước, sau đó thêm lời ca để phù hợp với giai điệu. Bà nói về "Plastic Love" như sau: "Bài hát mang giai điệu sang trọng nhưng lời ca khúc lại kể một câu chuyện tình buồn. Một phụ nữ đã mất đi người đàn ông cô thật sự yêu thương, dù có bao nhiêu người khác theo đuổi, cô cũng không thể xóa đi cảm giác cô đơn từ sự mất mát trước đây".
Nhìn lại toàn bộ sự nghiệp của mình, Mariya chia sẻ: “Variety vẫn là album có ý nghĩa nhất đối với tôi, chính nó đã giúp tôi độc lập trong sự nghiệp của mình. Dĩ nhiên, 5 album ra đời vào giai đoạn đầu đều quan trọng theo một số lý do. Nhưng nếu không có Variety, tôi không thể đạt được thành công như hiện nay.
Những ảnh hưởng âm nhạc đầu tiên
Mariya Takeuchi sinh ra và lớn lên tại thành phố Taisha, quận Hikawa, tỉnh Shimane (nay thuộc thành phố Izumo, tỉnh Shimane). Bà là con thứ 3 trong một gia đình có 6 anh chị em (2 trai, 4 gái). Gia đình Mariya rất yêu âm nhạc nên ngay từ nhỏ, bà được tiếp xúc với nhiều nền âm nhạc đến từ khắp nơi trên thế giới: nhạc Pop, Jazz của Mỹ, nhạc Pháp, nhạc Ý...Cuộc sống bình yên tại nơi có nhiều núi và biển bao quanh như thành phố Imuzo, tỉnh Shimane, tác động không ít đến sự nghiệp âm nhạc của Mariya Takeuchi.
Khi nói về những ảnh hưởng âm nhạc ban đầu, bà bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến nhạc của Connie Francis, Paul Anka (Mỹ), ca sĩ Mina Mazzini (người Ý), ca sĩ người Pháp: Marjorie Noel.
Năm lớp 3 tiểu học, khi nghe ca khúc “A Hard Day’s Night” của nhóm nhạc Anh lừng danh - "The Beatles" - phát trong một quảng cáo về chocolate trên truyền hình, Mariya nói rằng: “Tôi đã trải qua cú sốc về âm nhạc”. Nhạc của "Fab Four" (biệt danh của 4 thành viên "The Beatles") mở ra một thế giới hoàn toàn mới, khác hẳn với những chuẩn mực âm nhạc truyền thống trước đó, truyền cảm hứng "xê dịch" cho nữ nghệ sĩ. Lúc này, Mariya đã học chơi Piano và Guitar.
Năm 1973, khi đang là học sinh năm 3 trung học, Mariya tham gia chương trình trao đổi sinh viên quốc tế “AFS” và đến học tại trường cấp hai Rock Falls, thị trấn Rock Falls, bang Illinois, Mỹ.
Bà kể rằng cuộc sống ở thị trấn giống bộ phim “American Graffiti”. Mariya nhận ra thanh thiếu niên tại Mỹ tự do hơn so với Nhật Bản: họ không phải mặc đồng phục, để tóc dài qua tai, rất nhiều người trẻ lái xe ở khắp mọi nơi. Biệt danh của bà lúc này là Mako. Đáp ứng yêu cầu của các bạn học muốn Mariya hát nhạc Nhật Bản, bà đã đứng trước đám đông, chơi guitar, hát các ca khúc dân gian cũng như nhạc của "The Beatles". Chọn những ca khúc này để thể hiện "nhạc Nhật Bản" vì ở thời điểm đó, Mariya không thể biểu diễn các điệu nhảy truyền thống hoặc chơi bất kỳ loại nhạc cụ nào.
Sau một năm du học, năm 1974, Mariya trở về Nhật Bản. Bà đã chọn học ngành Văn học Anh tại Đại học Keio, Tokyo. Vào mùa xuân cùng năm, Mariya giành chiến thắng trong cuộc thi ngâm thơ tiếng Anh toàn quốc do The Japan Times tổ chức và nhận được giải thưởng là chuyến du lịch đến Hawaii. Cơ hội đến này giúp nghệ sĩ mở rộng thêm tầm nhìn nghệ thuật của mình.
Khởi đầu nhiều may mắn với album đầu tay
Những năm 1970, cộng đồng âm nhạc Tokyo rất gắn kết với nhau. Khi chuyển đến học Đại học tại Tokyo, Mariya Takeuchi đã sống trong vòng tròn âm nhạc đặc biệt này. Vào tháng 3 năm 1978, bà nhận được lời mời thu âm cho một ca khúc trong album "Sessions" của ca sĩ Sugi Masamichi. Giọng ca đặc biệt của bà khiến những nghệ sĩ chuyên nghiệp bất ngờ và họ khuyến khích Mariya “debut”. Dù trước đó, bà chia sẻ, việc gặp gỡ các nhạc sĩ chuyên nghiệp thật sự rất thú vị nhưng phải có một nghề nghiệp chính thống để kiếm sống và Mariya chỉ muốn làm âm nhạc như một sở thích.
Tháng 8 năm 1978, khi đang học năm 3 Đại học, nghệ sĩ đã ký hợp đồng với hãng thu âm RCA. Đến tháng 11, album đầu tay “Beginning” và đĩa đơn “Modotte oide, Watashi no Jikan - 戻っておいで・私の時間 - Please come back, my time” đã được ra mắt.
Mariya nói rằng, vào thời điểm đó, bà chưa biết nên định hướng ra sao cho sự nghiệp của mình nên đã quyết định thử sức với âm nhạc. Khi "chân ướt chân ráo" vào ngành công nghiệp âm nhạc, nữ nghệ sĩ đơn giản chỉ muốn thỏa mãn đam mê. Mariya muốn làm album, viết nhạc và lưu diễn. Vượt ngoài kỳ vọng, bà được giới giải trí đối xử như một nghệ sĩ thực thụ với rất nhiều lời mời cho các show truyền hình hay làm người dẫn chương trình. Khi đó, Mariya cho rằng, những điều này khiến bà "khá mệt mỏi".
Với tình yêu da diết dành cho âm nhạc, trong giai đoạn đầu ca hát, từ năm 1978 đến năm 1982, nghệ sĩ ghi dấu ấn với 5 album và 7 đĩa đơn. Hai đĩa đơn: “September" (1979) và "Fushigi na Peach Pie (不思議なピーチパイ)" (1980) nổi đình đám thời bấy giờ. Album "Love Songs" (1980) xếp vào top 1 bảng xếp hạng âm nhạc Oricon Nhật Bản. Năm 1981, ca khúc "Apple Papple Princess" (アップル・パップル・プリンセス) của Mariya Takeuchi đã xuất hiện trong chương trình "Minna no Uta" nổi tiếng của đài NHK.
Bộ đôi quyền lực J-pop: Mariya Takeuchi và Tatsuro Yamashita
Tháng 4/1982, Mariya Takeuchi kết hôn với nhạc sĩ Tatsuro Yamashita, trở thành cặp nghệ sĩ quyền lực của giới giải trí Nhật Bản, được ví như Beyonce và Jay-Z của J-pop.
Bà gặp chồng mình vào giữa những năm 1970. Lúc này, Yamashita đang hoạt động với vai trò nhạc sĩ trong ban nhạc Sugar Babe. Mariya kể lại lần đầu tiên bà thấy Yamashita khi vẫn còn là sinh viên. Lúc đó, Yamashita đang tham gia một buổi biểu diễn miễn phí cho Yamaha tại Shibuya. Mãi đến khi Mariya gửi lời mời hợp tác với nhóm Sugar Babe trong album đầu tay của mình, họ mới chính thức gặp gỡ.
Năm 1976, nhóm Sugar Babe tan rã, Yamashita trở thành nghệ sĩ độc lập, ký hợp đồng với hãng thu âm RCA. Vì cùng làm việc với RCA, nên cả hai có nhiều thời gian gặp gỡ. Bất cứ khi nào có lời đề nghị tham gia show truyền hình, Mariya đều tìm đến Yamashita để được tư vấn. Bà chia sẻ: “Ấn tượng đầu tiên của tôi về anh ấy không tốt lắm, về mặt âm nhạc, tôi thật sự thích anh ấy, nhưng về tính cách, anh ấy có vẻ không hòa đồng lắm”.
Càng về sau, Mariya ngày càng dựa vào Yamashita và tin tưởng nhiều hơn. Mối quan hệ của họ cũng gắn kết mạnh mẽ. Vào cuối năm 1981 sau khi phát hành album thứ 5 - "Portrait" (PORTRAIT), nữ ca sĩ tuyên bố sẽ nghỉ ngơi một thời gian, tạm dừng các buổi hòa nhạc và phát hành. Bà và nhạc sĩ Yamashita kết hôn 6 tháng sau đó.
Mariya mang thai ngay và tạm dừng biểu diễn một thời gian nhưng vẫn tiếp tục sáng tác nhạc cho nhiều ca sĩ và thần tượng khác như: Hiroko Yakushimaru, Naoko Kawai, Miho Nakayama...Năm 1984, Mariya quay trở lại, tiếp tục tạo nhiều kỷ lục trong ngành công nghiệp âm nhạc Nhật Bản thời bấy giờ.
Nghệ sĩ lớn tuổi nhất đứng đầu bảng xếp hạng đĩa đơn Nhật Bản
Từ khi trở lại hoạt động âm nhạc vào năm 1984, Mariya đã ra mắt 7 album, tất cả đều xếp hạng 1 trong bảng xếp hạng âm nhạc Oricon Nhật Bản. Ngoài ra, 8 đĩa đơn cũng lọt top 10 của bảng xếp hạng này. Ngày 7/1/2020 vừa qua, công ty âm nhạc Oricon Inc đã công bố: Mariya Takeuchi là ca sĩ lớn tuổi nhất đứng đầu bảng xếp hạng đĩa đơn hàng tuần. Trước đó, vị trí này thuộc về ca sĩ Keisuke Kuwata vào năm 2019, khi ông sắp bước sang tuổi 63.
Tính đến năm tháng 9 năm 2014, Mariya đã ra mắt 12 album phòng thu, 42 đĩa đơn, 5 tuyển tập. Phim tài liệu “Souvenir: Mariya Takeuchi Live” ra mắt năm 2000, ghi lại các buổi hòa nhạc và khoảnh khắc hậu trường hiếm thấy trong suốt sự nghiệp của của bà.
Album “Impressions” (phát hành năm 1994) với hơn 3 triệu bản chỉ tính riêng tại Nhật Bản, trở thành album bán chạy nhất trong sự nghiệp của Mariya. Kỷ niệm 40 năm hoạt động nghệ thuật, vào ngày 21/8/2019, Mariya đã phát hành album “Turntable” gồm 3 đĩa với 62 bài hát, sáng tác nhạc cho phim “Aiai Gasa”, phim truyền hình NHK “Nukemairu”.
Cũng trong năm này, nghệ sĩ tổ chức họp fan tại Tokyo, Osaka.
kilala.vn
Bên cạnh hoạt động âm nhạc, Mariya còn rất giỏi kinh doanh. Tháng 5/2018, bà trở thành thế hệ thứ 4 tiếp quản lữ quán ấm cúng của gia đình tại thành phố Izumo, tỉnh Shimane, mang tên Takenoya Ryokan. Lữ quán được thành lập vào năm 1877 bởi Shigezo Takeuchi - dành cho du khách đến tham quan đền thờ Izumo gần đó. Mariya tiếp quản cơ ngơi từ người anh trai đã cao tuổi, cải tạo nó trước khi trao cho thế hệ thứ 5.