Kilala.vn đã có diện mạo mới    Trải nghiệm ngay

Paralympic 1964: Thế vận hội thay đổi cuộc sống người khuyết tật Nhật

Xã hội Nhật Bản    • Aug 26, 2021

Bài: Rin

Paralympic Tokyo 1964 là Thế vận hội đầu tiên mà các vận động viên khuyết tật Nhật Bản tham gia thi đấu, đánh dấu bước ngoặt quan trọng làm thay đổi quan niệm của xã hội Nhật về người khuyết tật.

Nhờ Paralympic Tokyo 1964, cuộc sống của người khuyết tật ở Nhật Bản đã có bước chuyển biến rất lớn, từ những ánh nhìn thương hại sang được trao quyền, nâng cao vị thế, làm chủ cuộc đời và sống theo cách mình mong muốn. Tuy nhiên, để người khuyết tật Nhật Bản có cơ hội tham gia vào Paralympic Tokyo, cố Tiến sĩ, bác sĩ Yutaka Nakamura, người được mệnh danh là “cha đẻ của Paralympics Nhật Bản”, đã đấu tranh không ngừng nghỉ, vượt lên mọi định kiến của xã hội dành cho người khuyết tật để biến giấc mơ làm chủ cuộc sống của họ thành sự thật.

doi-tuyen-nhat-paralympic-1964
Đội VĐV Paralympic Nhật tham dự Thế vận hội 1964. Ảnh: the japan times

Cuộc đấu tranh của Yutaka Nakamura - “cha đẻ Paralympic Nhật Bản” 

Sinh năm 1927 tại tỉnh Oita, Yutaka Nakamura là bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình tại Bệnh viện Quốc gia Beppu. Trong thời gian là Trưởng khoa chỉnh hình ở bệnh viện này, ông Yutaka đã có chuyến công tác sang Hoa Kỳ và châu Âu để nghiên cứu về điều trị phục hồi chức năng trong 7 tháng kể từ tháng 02/1960. Vào tháng 05/1960, trong chuyến công tác đến châu Âu, ông đã có dịp ghé thăm Trung tâm Chấn thương cột sống quốc gia (National Spinal Injuries Centre) thuộc bệnh viện Stoke Mandeville ở Anh. Tại đây, ông được giảng dạy bởi Tiến sĩ, nhà thần kinh học người Anh gốc Đức Ludwig Guttmann, người được xem là “cha đẻ của Thế vận hội Paralympic”. 

Yutaka-Nakamura
Tiến sĩ Yutaka Nakamura (ngoài cùng bên phải) đang ôm con trai cả Taro và Tiến sĩ Ludwig Guttmann (ngoài cùng bên trái). Ảnh: paralympic.org

Ludwig Guttmann đã thiết lập một chương trình phục hồi chức năng, trong đó, chơi các môn thể thao là một phương pháp trị liệu cho các quân nhân bị chấn thương cột sống trong Thế chiến thứ hai. Chính Guttmann cũng là người đã tổ chức Thế vận hội Stoke Mandeville đầu tiên vào năm 1948, sau đó, nó được phát triển thành Thế vận hội Paralympic ngày nay. Các bệnh nhân ở bệnh viện Stoke Mandeville ngồi trên xe lăn tích cực chơi bóng bàn và bóng rổ, những bộ môn thể thao này cực kỳ hiệu quả để phục hồi chức năng. Nhiều người xuất viện sau 6 tháng và có thể tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội. Khi chứng kiến nhiều bệnh nhân chấn thương cột sống trải qua quá trình điều trị đặc biệt của thầy Guttmann có tốc độ phục hồi ấn tượng, Yutaka đã quyết tâm đem phương pháp trị liệu bằng thể thao này về Nhật Bản. 

Yutaka-Nakamura-3
Bác sĩ Yutaka Nakamura đang làm việc tại Bệnh viện Quốc gia Beppu. Ảnh: asahi

Lời dạy của Ludwig Guttmann: “Đừng lo lắng về những điều bạn đánh mất, hãy cứ làm tốt nhất những gì bạn có” đã truyền động lực cho Yutaka phát động tổ chức “Đại hội thể thao Viễn Đông và Nam Thái Bình Dương dành cho người khuyết tật” (FESPIC Games) vào năm 1975 tại Oita. Sau đó, sự kiện này đã được phát triển thành Thế vận hội Asian Para và Cuộc thi Marathon Xe lăn quốc tế Oita. Đặc biệt, Yutaka cũng là trưởng đoàn thể thao Nhật Bản tại Thế vận hội Paralympic Tokyo 1964 và liên tục đảm nhiệm vai trò trưởng phái đoàn Paralympic của Nhật ở 4 kỳ Thế vận hội tiếp theo đến năm 1980. Tuy nhiên, để có thể đưa đoàn VĐV Nhật tham gia Paralympic, bác sĩ Yutaka đã phải đấu tranh không ngừng nghỉ khi bị công chúng cáo buộc là kẻ bóc lột người khuyết tật. Vượt lên trên tất cả, ông đã biến giấc mơ thi đấu thể thao của người khuyết tật Nhật trở thành hiện thực tại Paralympic 1964, giúp phá vỡ những định kiến cổ hủ của xã hội lúc bấy giờ. Do vậy, ông được các đồng nghiệp trìu mến gọi bằng biệt danh “Nakamura Taifu – Bão Nakamura”. 

Taro-Nakamura
Bác sĩ Taro Nakamura, con trai của Yutaka Nakamura vẫn tiếp tục nối gót cha mình. Ảnh: paralympic.org

Không dừng lại ở đó, vào năm 1965, ông còn thành lập Trung tâm phúc lợi xã hội “Taiyonoie” (Japan Sun Industries) ở quê hương Oita, nơi người khuyết tật được điều trị phục hồi bằng thể thao, cũng như tạo cơ hội việc làm thông qua chương trình dạy các kỹ năng chuyên môn, hướng đến cuộc sống độc lập, tự chủ. Bác sĩ Yutaka khẳng định: “Họ cần cơ hội, chứ không phải sự bảo vệ”. Ông đã dành cả cuộc đời cống hiến vì người khuyết tật Nhật Bản đến khi qua đời vào năm 1984 ở tuổi 57. Con trai Taro Nakamura vẫn tiếp nối con đường của cha mình khi tiếp quản trung tâm Taiyonoie và trở thành bác sĩ cho đoàn thể thao Paralympic Nhật Bản tại Thế vận hội Paralympic Sydney năm 2000, Athens năm 2004. 

Xem thêm: Ý nghĩa của buổi lễ khai mạc Paralympic Tokyo

/banner

Chia sẻ từ hai VĐV Nhật tham dự Paralympic Tokyo 1964

Hideo Kondo, 86 tuổi là cựu VĐV tham dự Paralympic Tokyo 1964, đã thi đấu ở 6 nội dung trong đó có bắn cung và bóng rổ trên xe lăn, cho biết rằng sự kiện này là trải nghiệm đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời của ông. Vào năm 16 tuổi, Hideo bị chấn thương tuỷ sống trong khi làm việc. Nhưng sau đó, ông đã được mời tham gia chơi các môn thể thao khi điều trị phục hồi chức năng ở trung tâm Japan Sun Industries do bác sĩ Yutaka Nakamura sáng lập và được tuyển chọn để trở thành VĐV Paralympic Tokyo 1964. 

Hideo-Kondo
Hideo Kondo (bên phải) đang trò chuyện với các VĐV người Ý tại làng vận động viên Paralympic 1964.  Ảnh: kyodonews

[subscribe]

Hideo chia sẻ, vào thời bấy giờ, cách người khuyết tật Nhật Bản được đối xử xuất phát từ sự thương hại của cộng đồng. Tuy nhiên, khi tham dự Paralympic 1964 và có dịp trò chuyện với các VĐV nước ngoài như Ý trong làng VĐV, Hideo nhận ra rằng họ có thành tích thể thao được nhiều người coi trọng và cũng không bị xem là tàn phế hay phụ thuộc. Điều này hoàn toàn khác so với sự nhìn nhận của xã hội Nhật dành cho người khuyết tật. Hideo nói rằng các sự kiện thể thao như Paralympic đã làm thay đổi quan niệm của xã hội về người khuyết tật. 

Hideo-Kondo-hien-tai
Ông Hideo Kondo, chụp ở thành phố Aki, tỉnh Kochi vào ngày 21/6/2021. Ảnh: kyodonews

Khi trở thành một VĐV Paralympic, Hideo đã được hưởng nhiều đặc quyền riêng từ việc cư trú tại làng vận động viên. Nơi này được thiết kế phù hợp cho những người sử dụng xe lăn, cũng như trang bị nhiều vật dụng đặc biệt khác dành cho người khuyết tật. Thông qua đó, ông cho rằng nhà ở được thiết kế phù hợp, dễ tiếp cận với người khuyết tật chính là con đường hướng tới cuộc sống độc lập cho họ. "Việc chia sẻ những điều trên chính là sứ mệnh của tôi", Hideo nói thêm. Sau Paralympic Tokyo 1964, Hideo đã chuyển sang đảm nhiệm công việc tại chính quyền địa phương, nơi ông tham gia vào các dịch vụ, giải pháp hỗ trợ đặc biệt dành cho người khuyết tật, đồng thời thành lập nên cơ sở có thiết kế “không rào cản” dành cho người khuyết tật trong hơn 40 năm qua. 

Katsumi-Suzaki
Katsumi Suzaki (chính giữa) tham gia sự kiện bóng rổ nam trước Thế vận hội Tokyo, chụp vào tháng 11/1964. Ảnh: kyodonews

Giống với quan điểm tích cực về Paralympic 1964 của cựu VĐV Hideo Kondo, Katsumi Suzaki, 79 tuổi cũng đã chia sẻ câu chuyện cảm động của bản thân về kỳ Thế vận hội mang tính lịch sử với người khuyết tật Nhật Bản này. Katsumi đã thi đấu 6 nội dung của 4 môn thể thao bao gồm điền kinh và bơi lội. Theo chia sẻ, ông từng mất hy vọng vào tương lai khi bị chấn thương tuỷ sống trong một vụ tai nạn xe máy vào năm 20 tuổi. Thời điểm đó, người khuyết tật Nhật Bản không thể tìm công việc được trả lương. Nhưng khi tham gia Paralympic 1964, ông được chơi thể thao và nhận ra các VĐV Paralympic trên khắp thế giới đang sống một cuộc sống như bao người bình thường khác. Điều này đã tạo động lực cho ông tìm kiếm việc làm. Sau đó, Katsumi được nhận vào làm tại một nhà máy sản xuất tay giả và cố gắng làm việc để xoá bỏ những quan niệm sai lầm rằng người khuyết tật không thể làm việc hiệu quả như người bình thường. Katsumi nhấn mạnh rằng: “Paralympic chính là nơi cuộc sống của tôi nở hoa”. 

Katsumi-Suzaki-2
Katsumi Suzaki tại một sự kiện bóng bàn nam trước Thế vận hội Tokyo, chụp vào tháng 11/1964 và tại Japan Sun Industries, chụp vào tháng 3/2020. Ảnh: kyodonews

Tại Paralympic Tokyo 2020 đang được tổ chức ở Tokyo từ ngày 24/8 đến 5/9/2021, Ban Tổ chức cũng đã chú trọng đến từng thiết kế nhỏ để tạo nên cơ sở vật chất phù hợp, tiện nghi nhất cho các VĐV Paralympic từ các đường dốc, cầu thang, quầy lễ tân, lối ra vào, thang máy, thang cuốn… Cả Hideo và Katsumi đều cho rằng các kết quả tích cực mà Paralympic đem lại có thể vượt ra ngoài đấu trường thể thao và làm thay đổi xã hội Nhật Bản. Ông Katsumi hy vọng được nhìn thấy người khuyết tật có thể hoà nhập hoàn toàn vào xã hội, và hiện tại, ông cũng đang nỗ lực góp phần mình bằng cách trở thành một thành viên của đội tuyển Boccia* gồm cả VĐV khuyết tật và VĐV bình thường. 

*Boccia là môn thể thao bi màu xuất hiện lần đầu trong nội dung thi đấu của Paralympic 1984 dành cho người bị bại não, nhưng hiện đã mở rộng sang các VĐV bị khuyết tật nặng khác. Boccia thuộc thể loại thi đối kháng giữa 2 người, 4 người hoặc 6 người, gần giống như môn bi sắt, nhưng người chơi có thể đẩy bóng lăn bằng tay, chân, hoặc dụng cụ trợ giúp nếu cả tứ chi không cử động được. Nhiệm vụ của người chơi là lăn những bóng da (màu xanh hoặc đỏ) đến càng gần bóng “cái” màu trắng càng tốt. Trọng tài sẽ đo khoảng cách giữa bóng da và bóng cái, bên thắng cuộc là đội có bóng da gần bóng cái hơn. Đây là một môn thể thao nhẹ nhàng mà ngay cả những VĐV có tay và chân yếu vẫn có thể tham gia được. 

Xem thêm: Nhật ra mắt đội tuyển Paralympic lớn nhất từ trước đến nay

kilala.vn 

padding
padding
padding
padding
padding
padding
KILALA vol.45

Chỉ từ 220.000 VND, bạn sẽ nhận được 4 số Kilala giao tận nhà và một trong những phần quà hấp dẫn.

KILALA vol.44

KILALA vol.44

KILALA vol.43

KILALA vol.43

KILALA vol.42

KILALA vol.42

KILALA vol.41

KILALA vol.41

KILALA vol.40

KILALA vol.40

KILALA vol.39

KILALA vol.39

KILALA vol.38

KILALA vol.38

KILALA vol.37

KILALA vol.37

KILALA vol.36

KILALA vol.36

KILALA vol.35

KILALA vol.35

Đăng ký bản tin

Đăng ký bản tin của KILALA để cập nhật những thông tin Nhật Bản mới nhất

go Top