Kilala.vn đã có diện mạo mới    Trải nghiệm ngay

Chiaki Mukai: Người phụ nữ Nhật Bản đầu tiên bay vào vũ trụ

Nhân vật Nhật Bản    • Oct 25, 2021

Bài: Rin

Được cả nước Nhật yêu mến và ngợi ca, Chiaki Mukai là nữ phi hành gia đầu tiên của Nhật Bản bay vào vũ trụ. Tuy nhiên, bạn có biết xuất phát điểm của bà lại là một bác sĩ y khoa?

Ngày 12/4/1961, Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào không gian trên con tàu vũ trụ Phương Đông, mở ra kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của con người. Sau cột mốc lịch sử ấy, đã có nhiều nữ phi hành gia cũng tham gia vào hành trình bay vào không gian, nhưng hầu hết đều đến từ các cường quốc về hàng không vũ trụ thời bấy giờ là Liên Xô và Mỹ. Phải đến năm 1985, châu Á mới có nữ phi hành gia đầu tiên chinh phục vũ trụ, và đó chính là Chiaki Mukai.

chan-dung-chiaki-mukai
Chiaki Mukai, nữ phi hành gia đầu tiên của Nhật Bản và của châu Á. Ảnh: chan-dung-chiaki-muka

Trước khi trở thành phi hành gia

Sinh ngày 06/05/1952 tại thành phố Tatebayashi, tỉnh Gunma, bà Chiaki Mukai (向井 千秋) đã theo học tại trường Trung học Nữ sinh Keio ở Tokyo và tốt nghiệp vào năm 1971. Vì chân của em trai không khoẻ nên bà đã nuôi ước mơ trở thành bác sĩ để cứu giúp nhiều người. Do vậy, Mukai đã ghi danh vào Khoa Y của Đại học Keio và sau 6 năm miệt mài đèn sách, vào năm 1977, bà đã tốt nghiệp Tiến sĩ Y khoa và nhận được giấy phép hành nghề y.  Vào năm 1988, bà tiếp tục chinh phục con đường học thuật và nhận bằng Tiến sĩ Sinh lý học tại Đại học Keio. 

chiaki-mukai-truoc-khi-bay-vao-vu-tru
Bà Chiaki Mukai được huấn luyện trở thành phi hành gia tại NASDA cùng 2 đồng môn - ông Mamoru Mouri (bên phải) và ông Takao Doi (bên trái). Ảnh: koyamachuya.com

Trong giai đoạn từ năm 1977 đến năm 1978, bà trở thành bác sĩ nội trú tại Khoa Ngoại Tổng quát của Bệnh viện Đại học Keio, Tokyo sau đó chuyển sang làm việc trong Khoa Ngoại Tổng quát, Bệnh viện đa khoa Shimizu, tỉnh Shizuoka vào năm 1978. Một năm sau, bà công tác tại Khoa Phẫu thuật cấp cứu bệnh viện Saiseikai Kangagawa, tỉnh Kanagawa. Trong giai đoạn từ năm 1980 đến năm 1985, bà trở thành bác sĩ nội trú Khoa Phẫu thuật Tim mạch của Bệnh viện Đại học Keio. Bà đã kết hôn với bác sĩ Makio Mukai, mối tình từ thời Đại học, vào năm 1982. 

Những tưởng cả cuộc đời, bà sẽ dành trọn cho sự nghiệp chữa bệnh cứu người, nhưng chính nghề bác sĩ y khoa đã dẫn lối bà đến với con đường trở thành nữ phi hành gia đầu tiên của Nhật Bản và là niềm tự hào của cả nước Nhật. 

/banner

Sự nghiệp phi hành gia lẫy lừng 

Con đường trở thành nữ phi hành gia của bà bắt đầu vào tháng 8/1985 khi Mukai cùng 2 ứng viên nam khác là Mamoru Mouri (毛利衛) và Takao Doi (土井隆雄) đã được Cơ quan Phát triển Không gian Quốc gia Nhật Bản (National Space Development Agency of Japan – NASDA), nay là Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (Japan Aerospace Exploration Agency – JAXA) chọn trở thành phi hành gia. Nhiệm vụ cụ thể là chuyên gia tải trọng cho sứ mệnh STS-47 “Thử nghiệm Xử lý Vật liệu đầu tiên” (First Material Processing Test – FMPT) của NASA.  

chiaki-mukai-nasa
Bà Chiaki Mukai được NASDA chọn trở thành phi hành gia cùng với Mamoru Mouri (bên trái) và Takao Doi (bên phải). Ảnh: iss.jaxa.jp

Trước khi chính thức bay vào không gian vào tháng 7/1994, từ tháng 6/1987 đến tháng 12/1988, bà Mukai trở thành nghiên cứu viên trao đổi của Phòng Sinh lý tim mạch, Viện nghiên cứu Sinh hoá Không gian tại Trung tâm Vũ trụ NASA Johnson ở thành phố Houston, bang Texas, Mỹ. Đến năm 1992, trong suốt quá trình thực hiện sứ mệnh FMPT/STS-47, bà trở thành người liên lạc ở trung tâm chỉ huy trên mặt đất cho các hoạt động khoa học của phi hành đoàn. Cũng trong năm này, bà trở thành Giáo sư hướng dẫn nghiên cứu tại Khoa Phẫu thuật, Đại học Baylor của thành phố Houston, đồng thời là Giáo sư thỉnh giảng tại Khoa Phẫu thuật của Đại học Keio đến năm 1998. 

mukai-lan-bay-vu-tru-dau-tien
Nữ phi hành gia Mukai trên tàu con thoi Columbia STS-65 đang cầm mầm củ cải trong băng cát-xét. Ảnh: iss.jaxa.jp

Sau 9 năm nỗ lực, Mukai trở thành nữ phi hành gia người Nhật duy nhất trong phi hành đoàn trên tàu con thoi Columbia STS-65 bay vào vũ trụ với tư cách là một chuyên gia tải trọng từ ngày 8/7 đến ngày 23/7/1994. Bà trở thành nữ phi hành gia đầu tiên của Nhật Bản lẫn châu Á, được báo chí trong nước và quốc tế dành nhiều lời có cánh. Lúc này, trên tàu con thoi, bà đã tiến hành 82 thí nghiệm khoa học đời sống bao gồm sinh lý con người; sinh học vũ trụ; sinh học bức xạ; công nghệ quy trình sinh học (bioprocess); khoa học vi trọng lực bao gồm khoa học vật liệu, chất lỏng, nghiên cứu về môi trường vi trọng lực và các biện pháp ứng phó. Thời gian ở ngoài không gian của bà lúc bấy giờ là 14 ngày 17 giờ 55 phút, phá vỡ kỷ lục và trở thành người phụ nữ ở ngoài không gian lâu nhất thế giới. Sau khi trở về Trái Đất, vào tháng 4/1998, bà tiếp tục đảm nhiệm nhiệm vụ liên lạc ở Spacelab, hỗ trợ hoạt động khoa học của phi hành đoàn tàu con thoi Neurolab STS-90 với tư cách là chuyên gia tải trọng dự phòng. 

phi-hanh-doan-sts-95
Phi hành đoàn tàu con thoi Discovery STS-95 với bà Chikai Mukai ở chính giữa, chụp bởi NASA. Ảnh: wikipedia 

Sau chuyến bay vào vũ trụ lần đầu vào tháng 7/1994, từ ngày 29/10 đến ngày 7/11/1998, bà tiếp tục bay vào vũ trụ lần thứ 2 trên tàu con thoi Discovery STS-95 với tư cách là chuyên gia tải trọng cùng với ông John Glenn, phi hành gia người Mỹ đầu tiên bay vòng quanh Trái Đất vào năm 1959, cựu Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ. Trong chuyến bay lần này, bà cũng tiến hành nhiều thí nghiệm về khoa học đời sống và y học vũ trụ. Như vậy, tổng cộng bà đã có 23 ngày ở ngoài không gian, phá vỡ mọi kỷ lục, không chỉ là nữ phi hành gia đầu tiên của Nhật Bản mà còn là phi hành gia đầu tiên của Nhật thực hiện đến 2 lần bay vào vũ trụ. 

Trong một cuộc họp báo vào năm 1999, John Glenn đã chia sẻ về Chiaki Mukai như sau: “Cô ấy sở hữu nguồn năng lượng dồi dào, nhiều hơn bất kỳ ai mà tôi từng biết”. Quả thật, nguồn năng lượng “vô biên” mà bà Mukai sở hữu toả ra ở tinh thần làm việc tuyệt vời, cùng lịch trình vô cùng bận rộn. Điển hình như trong lúc làm việc tại Trung tâm Vũ trụ Johnson ở Hoa Kỳ, Mukai vẫn đảm nhiệm vị trí Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Keio. Bà cũng đam mê nhiều môn thể thao như trượt tuyết trên núi Anpơ, câu cá vược, tennis, chơi golf và lặn biển. Bà cũng đã viết khoảng 60 bài báo về khoa học được phê duyệt và đăng lên các tạp chí Y khoa từ năm 1979. 

chiaki mukai-John Glenn
Bà Chiaki Mukai và ông John Glenn trên tàu con thoi Discovery STS-95. Ảnh: Gregory Polosecki

"Phần hấp dẫn nhất khi đi vào không gian chính là được quay trở lại Trái Đất"

Trong chuyến tham quan Viện Khoa học chất lỏng của Đại học Tohoku năm 2018, bà Mukai đã có nhiều chia sẻ thú vị về hành trình trở thành phi hành của mình. Bà cho biết, bà đã được truyền cảm hứng từ năm 9 tuổi, khi chứng kiến sự kiện Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ, rồi chỉ hai năm sau, Valentina Tereshkova là người phụ nữ đầu tiên bay ra ngoài không gian. Lúc bấy giờ, Nhật Bản vẫn chưa có các chương trình liên quan đến vũ trụ như ở Mỹ hay Liên Xô, do vậy, lúc nhỏ bà chưa bao giờ có ước mơ trở thành một phi hành gia hay nhà du hành vũ trụ bởi bà nghĩ điều đó là không thể. Tuy nhiên, bà vẫn luôn dành sự quan tâm đến vũ trụ và ngay khi Chính phủ Nhật Bản đưa ra chương trình tuyển chọn ứng viên để thực hiện các thí nghiệm khoa học ngoài vũ trụ, bà đã không bỏ lỡ cơ hội này.

Khi nói về điều yêu thích nhất khi ở ngoài không gian, bà Mukai thẳng thắn chia sẻ rằng có lẽ nhiều người mong đợi câu trả lời rằng đó là vẻ đẹp của Trái Đất hay cảm giác được bay ở nơi không có trọng lực. Dĩ nhiên, những điều này đều rất tuyệt vời. Nhưng với bà Mukai, phần hấp dẫn nhất khi đi vào không gian chính là được quay trở lại Trái Đất và được sống trong môi trường có lực hấp dẫn. “Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ lực hấp dẫn lại ảnh hưởng đến con người mạnh mẽ như vậy. Sau lần đầu tiên từ vũ trụ trở về, tôi đã liên tục làm rơi đồ và mỗi lần như vậy, tôi nghĩ rằn: “Ồ, nó rơi xuống đất!”. Đến ngày thứ hai, khi một người đồng nghiệp hỏi mượn tôi kiềm cắt, tôi đã ném nó và nghĩ nó cũng sẽ đi thẳng như trong không gian, nhưng rõ ràng là nó rơi xuống đất. Chúng tôi rất ngạc nhiên trước vẻ đẹp của đường parabol được tạo ra nhờ lực hấp dẫn. Do vậy, đó là trải nghiệm tuyệt vời nhất, cảm giác vô cùng mới mẻ mà tôi chưa từng nghĩ tới về lực hấp dẫn”.

Nói về những thử thách khi trở thành người phụ nữ Nhật Bản đầu tiên bay vào vũ trụ, bà chia sẻ rằng bản thân chưa bao giờ nghĩ về sự khác biệt giới tính: “Trong suốt cuộc đời, tôi không bao giờ nghĩ rằng có bất kỳ điều gì tôi không thể hoặc không nên làm bởi vì là phụ nữ. Nếu bạn có khát khao và nhận một nền giáo dục đúng đắn, bạn có thể làm bất kỳ điều gì”. 

nu-phi-hanh-gia-chiaki-mukai
Bà Mukai trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người phụ nữ Nhật. Ảnh: withonline.jp

Sau khi trở về từ vũ trụ 

Trở về từ vũ trụ, bà Mukai vẫn tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp khám phá không gian. Điển hình như tháng 8/2000, bà được bổ nhiệm vị trí Phó giáo sư khoa học cho sứ mệnh tàu con thoi STS-107 của NASA. Đến tháng 1/2003, bà tiếp tục thực hiện nghiên cứu trong các thí nghiệm khoa học vật liệu, khoa học đời sống và y học vũ trụ cho sứ mệnh STS-107. Từ tháng 9/2004 đến năm 2007, bà trở thành Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Vũ trụ Quốc tế (International Space University – ISU), Pháp với định hướng đóng góp vào nghiên cứu y học vũ trụ và quản lý sức khoẻ trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (International Space Station) cho chương trình Thạc sĩ ISU.

Sau nhiều năm hoạt động và cống hiến ở nước ngoài, từ tháng 10/2007, bà đã được bổ nhiệm vị trí Giám đốc của Văn phòng Nghiên cứu Y sinh Không gian, Phòng Công nghệ Không gian Con người và Phi hành gia của JAXA và nhiều vị trí quan trọng khác. Vào tháng 4/2015, bà được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng Đại học Khoa học Tokyo (Tokyo University of Science). 

chiaki-mukai-hien-tai

Bà Mukai hiện đang giữ chức vụ Phó hiệu trưởng Đại học Khoa học Tokyo, ảnh được chụp tại Bảo tàng Khoa học, Đại học Khoa học Tokyo vào ngày 13/09/2021. Ảnh: mainichi 

Trước những cống hiến to lớn cho sự phát triển lĩnh vực nghiên cứu không gian của Nhật Bản, bà Mukai được Chính phủ Nhật vinh danh và trao tặng nhiều bằng khen cao quý như “Giấy khen đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về những đóng góp cho bình đẳng giới”, “Giải cống hiến nổi bật” của Cơ quan Phát triển Không Gian Quốc Gia Nhật Bản và Hiệp hội Các nhà khoa học nữ của Nhật Bản... Vào năm 1995, bà còn được trao tặng giải thưởng “Công nhận đặc biệt” của Quốc hội Hoa Kỳ.  

Kết

Câu chuyện của bà Chiaki Mukai, nữ phi hành gia đầu tiên của Nhật Bản đã truyền cảm hứng lớn lao cho nhiều người Nhật, nhất là phụ nữ Nhật để họ dám mơ ước và hiện thực hóa giấc mơ. Vào năm 2007, đài truyền hình Fuji đã phát sóng một tập đặc biệt về bà Chiaki Mukai trong chương trình “A Women’s Biography”. Hiện nay, bà đã 69 tuổi và đang đảm nhiệm chức vụ Phó hiệu trưởng Đại học Khoa học Tokyo, tiếp tục cống hiến không ngừng nghỉ cho khoa học. 

Xem thêm: Kinue Hitomi: Nữ vận động viên Olympic đầu tiên của Nhật Bản

kilala.vn 

padding
padding
padding
padding
padding
padding
KILALA vol.45

Chỉ từ 220.000 VND, bạn sẽ nhận được 4 số Kilala giao tận nhà và một trong những phần quà hấp dẫn.

KILALA vol.44

KILALA vol.44

KILALA vol.43

KILALA vol.43

KILALA vol.42

KILALA vol.42

KILALA vol.41

KILALA vol.41

KILALA vol.40

KILALA vol.40

KILALA vol.39

KILALA vol.39

KILALA vol.38

KILALA vol.38

KILALA vol.37

KILALA vol.37

KILALA vol.36

KILALA vol.36

KILALA vol.35

KILALA vol.35

Đăng ký bản tin

Đăng ký bản tin của KILALA để cập nhật những thông tin Nhật Bản mới nhất

go Top