Kilala.vn đã có diện mạo mới    Trải nghiệm ngay

3 lễ hội đặc sắc ở Nhật Bản ra đời từ thời đại Edo

Lễ hội Nhật Bản    • Aug 2, 2020

Bài: Quỳnh Trịnh
Ảnh: PIXTA

Thời đại Edo ở Nhật Bản được đánh giá là một trong những thời đại mà Nhật Bản phát triển mạnh mẽ về mọi thứ, từ kinh tế giao thương đến văn hóa xã hội. Chính vì vậy mà có không ít lễ hội nổi tiếng ra đời vào thời đại Edo và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Có rất nhiều ý kiến tranh cãi để chọn ra lễ hội nào đặc sắc, tuy nhiên từ xưa đã lưu truyền một câu hát nhắc đến 3 lễ hội Kanda – Sanno – Fukagawa, vì vậy mà nhiều người cho rằng đây là Tam đại lễ hội đặc sắc nhất thời đại Edo.

Lễ hội Kanda (神田祭) 

Lễ hội Kanda, còn được gọi là lễ hội Kanda Myojin, là một đại lễ hội từ thời Edo với ý nghĩa ca ngợi chiến công của các vị tướng quân đã thống nhất đất nước. Lễ hội được tổ chức ở đền Kanda Myojin. tương truyền rằng đền thờ này là nơi mà tướng quân Tokugawa Ieyasu đã cầu nguyện mong thần linh ban phước trước khi bước vào trận chiến quyết định Sekigahara. Trước kia, đây là một lễ hội mùa thu được tổ chức vào ngày 15/9 – ngày tướng quân Tokugawa Ieyasu giành chiến thắng, nên lễ hội còn mang ý nghĩa cầu mong bình an, sức khỏe và mùa màng bội thu. Tuy nhiên, từ năm Meiji thứ 25 (1892), do ảnh hưởng của các cơn bão tháng 9 mà lễ hội đổi sang tổ chức vào tháng 5, cụ thể là ngày thứ Bảy và Chủ nhật gần với ngày 15/5.

3 lễ hội đặc sắc ở Nhật Bản ra đời từ thời đại Edo

Lễ hội được tổ chức hằng năm, năm lẻ là Lễ hội chính (Taisai) gồm các nghi lễ: rước thần Shinkosai, rướu kiệu Mikoshi Miyari và cầu an Reitaisai; còn năm chẵn là Lễ hội phụ (Kage matsuri) với quy mô đơn giản hơn, chỉ có nghi lễ cầu an Reitaisai. Suốt tuần diễn ra lễ hội sẽ có nhiều tiết mục biểu diễn nghệ thuật đặc sắc như kịch Noh, Trà đạo, âm nhạc dân gian Kanda Bayashi cùng với các buổi lễ được tiến hành theo nghi thức Thần đạo. Nghi lễ rước thần được tiến hành vô cùng long trọng. Trong nghi lễ này, người ta sẽ mời linh hồn của 3 vị thần trong đền Kanda Myojin là Thần Daikokuten, Thần Ebisu và lãnh chúa Taira no Masakado, ngự vào những chiếc kiệu Mikoshi lớn. Tiếp tục sau đó là nghi thức rước 108 vị thần bảo hộ của các khu vực dân cư ngự vào trong khoảng 200 chiếc kiệu lớn nhỏ khác nhau.

lễ hội Kanda Nhật Bản

Phần đặc sắc nhất của lễ hội chính là nghi thức rước kiệu Mikoshi Miyari. Những chiếc kiệu lớn của 3 vị thần đền Kanda Myojin sẽ diễu hành qua các khu phố Kanda, Nihonbashi, Otemachi, Marunouchi và Akihabara, theo sau là những cỗ xe Tsukematsuri với tiếng trống, tiếng sáo và tiếng nhạc rộn ràng. Cùng với đó là hàng ngàn người đến tham dự lễ hội, từ trẻ em, thanh niên đến trung niên và người cao tuổi, có cả những khách du lịch. Mọi người hòa mình vào lễ hội với những tiếng treo hò cổ vũ, tạo nên không khí vui tươi, rộn ràng. Vào ngày cuối cùng của lễ hội, sẽ diễn ra nghi thức cầu an Reitaisai tại đền Kanda Myojin nhằm cầu mong sự bình an, hạnh phúc và thịnh vượng cho mọi người và đất nước. 

Lễ hội Kanda là một niềm tự hào của người dân Tokyo vì đây không chỉ là một lễ hội có lịch sử lâu đời mà còn là một trong 3 lễ hội lớn nhất Nhật Bản cùng với lễ hội Gion ở Kyoto và lễ hội Tenjin ở Osaka.

/banner

Lễ hội Sanno (山王祭)

Lễ hội Sanno cũng là một lễ hội của Thần đạo được tổ chức cách năm tại đền thờ Hie, mang ý nghĩa bày tỏ sự biết ơn đối với các vị thần bảo hộ thành phố. Lễ hội có tên gọi chính thức là Lễ hội đền Hie. Theo những ghi chép của lịch sử, sau khi dựng nên thành Edo, gia đình Tướng quân Tokugawa đã chọn nghi lễ Sanno ở đền Hie làm nghi lễ chính thức của Mạc phủ. Do đó, vào thời Edo, lễ hội Sanno và lễ hội Kanda được gộp chung gọi là lễ hội Tenka, và cũng chỉ có hai lễ hội này mới được tổ chức trong khuôn viên thành Edo.

lễ hội Sanno

Hiện nay, lễ hội được tổ chức vào khoảng giữa tháng 6 những năm chẵn, thường là xen kẽ với năm tổ chức Hội chính của lễ hội Kanda, nhưng trước thời kì Meiji thì nó được tổ chức cố định vào ngày 15/6 hằng năm. Về cơ bản thì lễ hội này cũng giống với lễ hội Kanda, người ta sẽ mời các vị thần ngự vào những chiếc kiệu rồi sau đó diễu hành qua các địa điểm quan trọng ở quận Chiyoda của Tokyo.

Lễ hội bắt đầu ở đền Hie, đoàn rước kiệu với khoảng 300 đến 500 người khoác lên mình bộ trang phục truyền thống sẽ diễu hành qua những khu phố. Đám rước sẽ dừng tại Cung điện hoàng gia Tokyo trước buổi trưa để thực hiện một số nghi lễ Thần đạo. Thần chủ sẽ đi vào Cung điện để cầu nguyện cho Thiên hoàng và hoàng tộc, đây được xem là một niềm vinh dự đối với những Thần chủ. Sau khi dừng ở Cung điện 30 phút, đoàn diễu hành tiếp tục đi qua khu vực ga Tokyo, dừng lại nghỉ ngơi khoảng 1 tiếng ở đền thờ đền thờ phụ Nihonbashi Hie rồi tiếp tục đi qua cầu Nihonbashi, khu trung tâm Ginza, ga Shinbashi và kết thúc tại đền Hie.

lễ hội Sanno (山王祭)

Trong tuần lễ diễn ra lễ hội, cũng sẽ có nhiều hoạt động trình diễn nghệ thuật đặc sắc để những người đến tham dự cùng nhau thưởng thức và tận hưởng không khí lễ hội. Lễ hội Sanno được xem là cột mốc đánh dấu Tokyo bắt đầu bước qua một mùa hè với nhiều lễ hội sôi động. 

Lễ hội té nước Fukagawa (深川祭)

Đây là lễ hội thường niên được tổ chức vào khoảng giữa tháng 8, thông thường sẽ là ngày 15/8, tại đền thờ Tomioka Hachimangu ở quận Koto của Tokyo, vì vậy mà lễ hội còn có tên là Lễ hội Fukagawa Hachimangu. Về hình thức thì lễ hội Fukagawa cũng được thực hiện theo nghi thức của Thần đạo nên cũng sẽ có điểm tương tự với hai lễ hội Kanda và Sanno, người tham dự mặc trang phục truyền thống sẽ khiêng những chiếc kiệu Mikoshi đi diễu hành khắp các con phố. Nhưng về mức độ hoành tráng thì lễ hội Fukagawa chỉ có hơn chứ không kém. Người ta sẽ tập trung khoảng hơn 120 chiếc kiệu Mikoshi lớn nhỏ khác nhau, trong đó kiệu lớn cũng phải hơn 50 chiếc, rồi tổ chức cuộc diễu hành với quy mô lớn.

lễ hội té nước Fukagawa (深川祭)

Mặc dù được tổ chức hằng năm, nhưng việc cứ 3 năm 1 lần sẽ có sự tham gia diễu hành của chiếc kiệu Horen (鳳輦), kiệu được trang trí lộng lẫy với tượng phượng hoàng bằng vàng trên đỉnh chóp, khiến cho lễ hội năm đó trở nên hoàng tráng hơn và được gọi là Hon-matsuri (本祭り). Vậy hai năm còn lại lễ hội có gì đặc biệt? Một năm sau khi Hon-matsuri diễn ra, người ta sẽ diễu hành cùng với kiệu Ninomiya Mikoshi (二の宮神輿) cũng được trang trí vô cùng lộng lẫy với vô số vật bắt mắt và đi qua những tuyến đường giống với lễ hội năm trước. Một năm trước Hon-matsuri là lễ hội diễu hành kiệu mikoshi "phiên bản nhí", tuyến đường đi cũng ít hơn và cũng sẽ có người lớn khiêng hộ các bạn nhỏ.

lễ hội té nước Fukagawa

Còn một hoạt động nữa khiến lễ hội Fukagawa khác hoàn toàn với hai lễ hội còn lại chính là tát nước. Hoạt động này có lẽ sẽ khiến nhiều người liên tưởng đến Tết té nước Songkran ở Thái Lan và thật sự hoạt động tát nước ở lễ hội Fukagawa diễn ra cũng tương tự như vậy. Trên tuyến đường diễu hành, người ta để sẵn những thùng nước lớn ở hai bên đường, đợi đám rước đi ngang qua họ sẽ tát nước vào đoàn khiêng kiệu, thậm chí còn có người sử dụng vòi phun nước cứu hỏa để tạo ra những trận nước lớn. Có lẽ do thời tiết tháng 8 quá oi bức mà hoạt động này lại mang đến sự mát mẻ nên luôn thu hút rất nhiều người tham gia, dù là bất kì ai đã đến với lễ hội đều cũng hòa mình vào không khí vui tươi của hoạt động tát nước này. Một số người có kinh nghiệm tham gia lễ hội đã cho lời khuyên rằng: nếu bạn muốn đến xem lễ hội thì nên mang theo một bộ quần áo sạch đựng trong túi chống thấm nước vì dù bạn chỉ đứng xem, không tham gia vào hoạt động tát nước thì cũng vẫn sẽ bị ướt do khi tát nước mọi người sẽ tát rất nhiệt tình, nên nước sẽ văng khắp nơi.

kilala.vn

padding
padding
padding
padding
padding
padding
KILALA vol.45

Chỉ từ 220.000 VND, bạn sẽ nhận được 4 số Kilala giao tận nhà và một trong những phần quà hấp dẫn.

KILALA vol.44

KILALA vol.44

KILALA vol.43

KILALA vol.43

KILALA vol.42

KILALA vol.42

KILALA vol.41

KILALA vol.41

KILALA vol.40

KILALA vol.40

KILALA vol.39

KILALA vol.39

KILALA vol.38

KILALA vol.38

KILALA vol.37

KILALA vol.37

KILALA vol.36

KILALA vol.36

KILALA vol.35

KILALA vol.35

Đăng ký bản tin

Đăng ký bản tin của KILALA để cập nhật những thông tin Nhật Bản mới nhất

go Top