Miko: Vu nữ sở hữu năng lực kết nối với thần linh

Trong truyền thuyết, Miko hay vu nữ tại các đền thờ Thần đạo là những cô gái có sức mạnh tâm linh, chống lại ma quỷ nhằm bảo vệ con người.
Ngày nay, khi đến viếng những ngôi đền Thần đạo tại Nhật Bản, đôi khi bạn sẽ may mắn được gặp những cô gái trẻ trong trang phục Hakama và Kimono đỏ – trắng. Họ là những Miko thời hiện đại với nhiệm vụ hỗ trợ các công việc trong đền thờ và đôi khi cũng bán những món đồ lưu niệm.

Bài viết: Natsume Hình ảnh: Flickr, Matcha Thiết kế: Nuto

Miko đóng vai trò quan trọng trong xã hội xưa

Tranh về Miko thời Kamakura Igatsubone của hoạ sĩ Yoshitoshi Tsukioka

Trong văn hóa Thần đạo, “Miko – 巫女 ” có thể hiểu là nữ pháp sư hoặc những cô gái phục vụ trong đền thờ. Họ sở hữu năng lực tâm linh và có vai trò đặc biệt đối với quý tộc thời xưa.

Rất nhiều giai thoại được lưu truyền về sự ra đời của Miko. Có người cho rằng Miko xuất hiện vào thời Jomon (14.000-300 TCN). Khi ấy, các nữ pháp sư đi vào trạng thái nhập tràng, có thể truyền đạt lại lời nói của thần linh và họ được cho là hậu duệ của Nữ thần Uzume. Trong các ghi chép cổ xưa của Trung Quốc có đề cập đến Himiko – một nữ pháp sư tại Nhật, người được xem là Miko đầu tiên, tuy nhiên chưa ai biết chính xác bà là ai. Bên cạnh đó, trong biên niên sử đầu tiên của Nhật Bản vào thế kỷ thứ 7, Hoàng hậu Jingu được xem là một vị thần và có tài chỉ huy quân sự cũng được cho là nguồn gốc của Miko, tuy nhiên nhiều nhà sử học lại nhận định bà chỉ là một nhân vật trong những câu chuyện thần thoại.

Tranh về Miko thời Kamakura Igatsubone của hoạ sĩ Yoshitoshi Tsukioka

Sau cùng, một số tài liệu lịch sử cũng có đề cập đến một nữ tư tế của đền Usa ở Kyushu, là người dẫn dắt đội quân chinh phục các bộ lạc ở phía Nam. Có thể thấy, dù là phiên bản nào đi chăng nữa, phụ nữ là người nắm giữ những vị trí đầy quyền lực trong chính trị và tôn giáo của xứ Phù Tang, dựa trên khả năng liên kết và nhận thông điệp của các vị thần.

Thời cổ đại, Miko được xem là nhân vật giữ vị trí quan trọng, thường có mối liên hệ mật thiết với giai cấp thống trị. Không chỉ thực hiện các nghi lễ, vu nữ còn thể hiện chức năng chính trị đối với chính quyền. Trong thời kỳ Nara từ năm 710-794, triều đình kiểm soát mạnh mẽ hoạt động của Miko, các hoạt động tâm linh diễn ra bên ngoài đền thờ là không được phép. Đến thời kì Heian (794-1185), vai trò của Miko được thể hiện rõ thông qua bốn hoạt động chính:

  • Ura: bói toán.
  • Kami Asobi: múa trong các nghi lễ.
  • Yotsura: sử dụng Azusa Yumi, cây cung linh thiêng trong nghi lễ Thần đạo, có khả năng tiêu diệt những linh hồn xấu xa.
  • Kuchiyose: gọi hồn người đã khuất.
Miko với chiếc quạt tay và trang phục đội đầu cầu kỳ. Ảnh:fairies.zeluna.net

Những Miko phục vụ cho đền thờ được gọi là “Kannagi Miko” nhưng không phải tất cả các vu nữ đều có cơ hội ấy. Từ năm 1185-1333 thuộc thời kỳ Kamakura, đất nước lâm vào cảnh chiến tranh dưới sự cai trị của Shogun (Tướng quân). Các ngôi đền, chùa bị phá hủy buộc họ phải thực hiện những nghi lễ phi tôn giáo (bên ngoài đền) như: đi hành hương và thực hiện các nghi lễ tẩy rửa, múa Kagura tại những nơi tổ chức lễ hội hoặc cho các cá nhân. Những Miko này được gọi với cái tên là “Aruki Miko”.

Thời kỳ Minh Trị (1868-1912), một số hoạt động của các pháp sư bị xem là phi pháp. Đến năm 1873, một sắc lệnh được gọi là Miko Kindanrei đã được ban hành, cấm toàn bộ hoạt động tâm linh của các vu nữ. Từ đó đến nay, vai trò của Miko trong các đền thờ đã thu hẹp lại, bao gồm hỗ trợ các vị sư và biểu diễn Kagura cùng những điệu múa khác trong các nghi lễ đặc biệt.

Để trở thành một Miko thời xưa Để trở thành một Miko thời xưa

Vì sở hữu vai trò và khả năng đặc biệt, không phải cô gái nào cũng có thể trở thành một vu nữ mà họ phải trải qua những cuộc tuyển chọn cũng như đào tạo khốc liệt. Các cô gái khi bắt đầu đến giai đoạn dậy thì (bước vào chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên) sẽ bước vào khóa đào tạo được thiết kế riêng gọi là Kuchiyose Miko. Một pháp sư cao tuổi, thường là thành viên trong gia tộc, sẽ chịu trách nhiệm dạy họ những kỹ thuật cần thiết để có thể kiểm soát cơ thể khi ở trạng thái thôi miên, thông qua một số nghi lễ như thường xuyên thanh tẩy bằng nước lạnh, kiêng cữ và tuân theo những điều cấm kỵ như máu, bệnh tật và cái chết.

Các cô gái cũng được học cách giao tiếp với Kami (thần) và linh hồn của những người đã khuất bằng cách để những linh hồn đó chiếm hữu. Điều này chỉ đạt được bằng cách tụng kinh và nhảy múa, do đó, những Miko tương lai sẽ được truyền dạy các giai điệu và ngữ điệu sử dụng trong bài hát hay lời cầu nguyện, được hỗ trợ bởi trống và lục lạc. Những công cụ khác được dùng trong nghi lễ là gương (để thu hút thần linh) và kiếm.

Biết tên và năng lực của các Kami quan trọng đối với làng mà họ sẽ phục vụ trong tương lai cũng là một yêu cầu để trở thành vu nữ. Sau cùng, ngôn ngữ bí mật mà chỉ những pháp sư và Miko khác trong bộ tộc mới biết sẽ được truyền dạy cho cô gái, từ đó cô học cách bói toán và làm phép. Thời gian của khóa đào tạo này có thể kéo dài từ ba đến bảy năm trước khi trải qua nghi thức nhập môn để trở thành một Miko thực thụ.

Ảnh: Sankei-nara-iga

Buổi lễ được diễn ra riêng tư, chỉ có người hướng dẫn, các pháp sư và những người lớn tuổi khác. Cô gái sẽ mặc một tấm vải liệm màu trắng, tượng trưng cho sự kết thúc của kiếp trước. Những người lớn tuổi sẽ cất tiếng hô vang, chờ đợi một Kami nhập vào cô gái. Sau đó, người hướng dẫn sẽ hỏi cô gái rằng vị thần nào đang chiếm hữu cơ thể của cô, và đây cũng là vị thần mà Miko này sẽ phục vụ.

Sau khi trả lời, một chiếc bánh gạo được ném vào mặt của cô gái, điều này sẽ khiến cô ngất xỉu. Trong lúc ấy, những người lớn tuổi có nhiệm vụ đưa cô đặt lên một chiếc giường ấm áp và chờ đợi cho đến khi cô tỉnh dậy. Sau đó, cô gái sẽ được phép mặc một chiếc váy đẹp có nhiều màu sắc khác nhau, tượng trưng cho sự liên kết với Kami. Đặc biệt, sự trong trắng là vô cùng quan trọng trong Thần đạo nên hầu hết các Miko buộc phải là trinh nữ, chính vì thế, dù trải qua quá trình huấn luyện khắc nghiệt nhưng độ tuổi nghỉ hưu của họ thường rơi vào tầm ngoài 25 tuổi.

Tuy nhiên ngày nay, vai trò của Miko đã trở nên mờ nhạt, họ chỉ là người phụ tá trong đền thờ nên việc lựa chọn người trở thành Miko cũng đơn giản hơn. Công việc chính của các Miko là trông coi đền thờ, dọn dẹp khuôn viên, hỗ trợ các công việc văn phòng, bán hàng ở quầy lưu niệm, phụ giúp các nhà sư trong các nghi lễ… và được chia công việc theo vai trò:

Ngày nay có những Miko học tiểu học và chỉ biểu diễn Miko Mai trong các dịp lễ. Ảnh: photocontest
  • Miko toàn thời gian: thường chỉ những đền lớn mới có và nhiệm vụ của họ là trợ giúp các nghi lễ, thể hiện điệu múa Miko Mai hay đôi khi được gọi là Miko Kagura trong các lễ hội.
  • Miko bán thời gian: thường là sinh viên đại học, họ sẽ được thuê trong thời gian ngắn vào dịp cao điểm trong năm. Đương nhiên, các Miko này cũng sẽ trải qua một khóa đào tạo ngắn hạn để nắm những lễ nghi cơ bản, nhưng họ không được phép tham gia vào các điệu múa, chỉ hỗ trợ những công việc của đền.
  • Miko nhỏ tuổi: thường ở độ tuổi tiểu học để biểu diễn Miko Mai tại lễ hội hàng năm.

Trang phục của một Miko Trang phục của một Miko

Để xác định một cô gái có phải là Miko hay không sẽ dựa vào trang phục của họ, bao gồm áo choàng Kimono trắng được gọi là Hakui và quần Hakama màu đỏ rực rỡ được gọi là Hibakama. Sự tương phản của màu sắc trong trang phục của Miko khiến họ trở nên thanh tao nhưng cũng rất nổi bật. Khi tham gia vào các điệu múa, áo khoác trắng tay dài – Chihaya sẽ được thêm vào bộ trang phục. Vì là người đại diện cho thần linh, vẻ ngoài của Miko luôn phải sạch sẽ và chỉn chu, tóc sẽ phải buộc gọn phía sau và được giữ lại bằng Takenaga (dải ruy băng làm từ giấy Washi) hoặc Mizuhiki (sợi dây làm từ Washi quấn lại). Nếu sử dụng Mizuhiki, một tờ giấy Washi trắng sẽ được quấn quanh phía dưới tóc.

Trong các nghi lễ và một số sự kiện nhất định, Miko cũng đeo những chiếc trâm cài tóc hoa đặc biệt được gọi là Hanakanzashi và một chiếc vòng đội đầu được gọi là Kanmuri. Những bông hoa, cành cây và họa tiết hoa được sử dụng trong những món trang sức này là đại diện cho nhiều loại thực vật khác nhau ở Nhật Bản, được cho là có tác dụng tăng sức mạnh tinh thần cho người đeo. Nhưng điều nghiêm ngặt nhất dành cho các Miko thời xưa và nay đó là không sử dụng các loại phụ kiện, đồng hồ, bông tai, sơn móng tay…vì cơ thể họ là của các vị thần.

Khi thực hiện nghi lễ múa, Miko sẽ được mặc thêm áo khoác Chihaya.

Vật phẩm được sử dụng trong các nghi lễ hoặc điệu múa do Miko thực hiện được gọi là Torimono, bao gồm chín yếu tố riêng biệt: bó cây thường xanh Sakaki linh thiêng, Nusa (gậy có dây tết bằng giấy), Tsue (cây đũa phép hoặc cây gậy), Sasa (một loại tre), Yumi (cung – có hoặc không có mũi tên), Ken (kiếm), Hisago (gáo nước) và Kazura (một loại cây leo). Tùy thuộc vào đền và nghi thức, đôi khi họ còn sử dụng Auzu (chuông), Ougi (quạt gấp) và Bon (đèn lồng).

Trải nghiệm một ngày làm Thiếu nữ đền thờ

Hiện nay, đền Amagasaki Ebisu ở Amagasaki, tỉnh Hyogo có dịch vụ trải nghiệm Miko dành cho du khách, giúp họ có cơ hội tìm hiểu về đền thờ, Thần đạo và văn hóa Nhật Bản… Ngoài ra, những ngôi đền lớn tại Tokyo cũng bắt đầu cung cấp những hoạt động được thiết kế riêng để du khách được hóa thân trở thành Miko thực thụ.

Miko